Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội:

Dân, doanh nghiệp gánh nặng giá xăng, phí đường

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Giá xăng dầu tăng nhanh, việc “chặt” 17 đoạn Quốc lộ (QL) 1A để tiến hành thu phí BOT với giá cao cũng được ĐB cho rằng đẩy thêm nhiều “gánh nặng” khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Chiều 25/5, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu (ĐB) Quốc hội bày tỏ nhiều nỗi lo lắng trước những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, giá xăng dầu tăng nhanh, việc “chặt” 17 đoạn Quốc lộ (QL) 1A để tiến hành thu phí BOT với giá cao cũng được ĐB cho rằng đẩy thêm nhiều “gánh nặng” khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

“Chặt” quốc lộ để thu phí

Đề cập về việc Dự án cải tạo, nâng cấp QL 1A “chặt” ra 17 đoạn để thu phí BOT,  ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng đang tạo ra “gánh nặng” cho người dân. “Chỉ đầu tư có 35 nghìn tỷ đồng để làm BOT thôi, mà cả đoạn tuyến Quốc lộ 1A từ Bắc vào Nam chúng ta “chặt” ra đến 17 đoạn để thu phí BOT là không phù hợp, làm tăng chi phí vận tải, đi lại của người dân và doanh nghiệp”, ông Chiểu nói. Theo ông Chiểu, 35 nghìn tỷ đồng đối với đất nước không hẳn là những con số quá lớn. Nếu chúng ta dành hẳn ra 35 nghìn tỷ đồng đó để trả cho các nhà đầu tư thì nhân dân đi từ Bắc vào Nam sẽ không phải mất một đồng phí nào. Điều này sẽ đem lại rất nhiều tiện ích hiệu quả. Ông Chiểu kiến nghị nên có giải pháp để trả tiền cho nhà đầu tư để dân đi không phải mất phí.

Về chủ trương “nhượng” quyền khai thác sân bay, cảng biển, ĐB Trần Du Lịch TPHCM đề nghị cần theo dõi chặt chẽ. “Theo cảm nhận của tôi dường như một số doanh nghiệp trong nước đang muốn quản lý, kiểm soát các công trình đó. Nói họ mua bằng nguồn lực của đơn vị mình thì tôi nghi ngờ lắm và chắc là họ phải đi vay để làm. Tôi đề nghị Chính phủ kiểm soát, không cho bơm tiền từ các ngân hàng thương mại để đi mua sân bay. Tiền đó phải tiền thực. Khuyến khích mua nhưng phải có tiền. Vì vốn tín dụng đó là vốn hữu hạn mà mấy ông này gom lại thì không còn vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nữa”, ông Lịch đề nghị.

“Nhiều nơi như Tây Nguyên, Sơn La, Điện Biên phát động trồng cao su rất mạnh mẽ thời gian qua, đến giờ vẫn chưa được thu hoạch mà giá thì đã rớt đến mức không thể bán được.  Chúng ta sẽ ăn nói thế nào với bà con?”.  

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh.

Một khó khăn nữa cũng đang tạo ra “gánh nặng” cho người dân và doanh nghiệp là câu chuyện tăng giá xăng dầu. Theo ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái), cử tri rất bức xúc xăng dầu khi giảm rất chậm, nhưng tăng rất nhanh và cao. Quốc hội nên có một cuộc giám sát làm rõ việc tăng giá xăng đúng hay sai. “Ở một số kỳ họp trước, khi Quốc hội họp là xăng dầu giảm ngay, còn lần này Quốc hội vừa mới họp là giá xăng dầu đã tăng giá ngay”, ông Bình phản ánh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, việc tăng giá xăng dầu là phù hợp, đúng quy định. Có chăng việc chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, vì công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân chưa được thấu đáo.

Nông nghiệp liên tiếp thua

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, trong những tháng đầu năm 2015, lĩnh vực nông nghiệp đối mặt nhiều thách thức. “Ế ẩm” không chỉ xảy ra với dưa hấu mà còn ở rất nhiều nông sản khác như hành tím, hành tây, thanh long, lúa gạo cũng liên tiếp nhận những trận “thua”.

Dân, doanh nghiệp gánh nặng giá xăng, phí đường ảnh 1

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định). Ảnh: Như Ý.

“Ít ngày trước gặp các doanh nghiệp cao su, tôi thấy họ thực sự buồn bã vì mặt hàng này đã giảm giá từ mức 150 triệu đồng/tấn, giờ chỉ còn 25 triệu đồng/tấn, rất hiếm những đơn hàng đạt được  mức 30 triệu đồng/tấn. Nhiều nơi người dân bắt đầu chặt cây cao su”, ông Vinh nói và cho rằng đây không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn cả chính trị. “Nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sơn La, Điện Biên phát động trồng cao su rất mạnh mẽ thời gian qua, đến giờ vẫn chưa được thu hoạch mà giá thì đã rớt đến mức không thể bán được như này.  “Chúng ta sẽ ăn nói thế nào với bà con?”, ông Vinh day dứt.

Tương tự về thanh long, ông Vinh cho hay, diện tích quy hoạch loại quả này chỉ có tại Bình Thuận là 15.000 ha nhưng nông dân thấy lợi nên đua nhau trồng, đến nay, diện tích đã tăng tới 22.000 ha rồi và sẽ còn tiếp tục tăng lên. Ông Vinh day dứt: “Làm như vậy sao chẳng ế thừa. Nông dân của ta có phong trào đua nhau làm và cùng đua nhau… chết”.

“Tiền thuế thì cũng là tiền của dân. Lẽ ra tiền đó anh phải đầu tư, làm đường cho nhân dân lựa chọn đi đường miễn phí hay đường BOT. Nhưng nay BOT hết rồi, dân không có lựa chọn, buộc phải đi đường trả tiền, tạo thêm “gánh nặng” cho họ”.

ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định)

Theo ông Vinh, việc Bộ Công Thương phát động mua dưa cho đồng bào miền Trung chỉ là “giải pháp tinh thần”, chứ không có ý nghĩa về kinh tế, không có giải pháp từ gốc rễ.  Phải tái cơ cấu một cách căn cơ với nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế. “Đến tháng 10/2015, nếu không chấn chỉnh được việc này, tốc độ tăng trưởng sẽ lại giảm ngay mà giảm nông nghiệp là giảm thẳng vào đời sống người dân”, ông Vinh lo lắng.

Đề cập về trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, công tác quy hoạch của nhà nước có vấn đề. “Hiện nay chúng ta mới chỉ quy hoạch theo cấp hành chính, tức là cấp tỉnh chứ không có quy hoạch của cả nước dẫn đến tỉnh nào cũng thóc gạo, cà phê, cao su.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý lại không cung cấp thông tin đầy đủ dẫn đến người dân cứ chạy theo phong trào. Nay thấy cao su có giá thì ồ ạt chặt cà phê để trồng cao su. Mấy năm nữa cao su mất giá lại chặt để trở về với cà phê. Cứ như thế này thì nông nghiệp sẽ còn khó khăn nhiều lắm”, ông Hiển nói và đề nghị nhà nước nên làm thật tốt công tác quy hoạch vùng và quy hoạch chung trong cả nước.

MỚI - NÓNG