Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

"Dân đóng thuế thì nhà nước phải chăm sóc sức khoẻ cho dân"

"Dân đóng thuế thì nhà nước phải chăm sóc sức khoẻ cho dân"
"Cần phải làm rõ ngân sách nhà nước đảm bảo bao nhiêu, còn lại bao nhiêu là phần người dân chi trả”- bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ chiệm Ủy ban VH-GD-TNTN&NĐ của Quốc hội nói về viện phí.
"Dân đóng thuế thì nhà nước phải chăm sóc sức khoẻ cho dân" ảnh 1
Nhà nước phải chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân

(TP-Hà Nội) - Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách khám chữa bệnh cho nhân dân đã được báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) hôm qua (13/4). Có thể lấy ý kiến của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội trong bản báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH, để khái quát về công tác khám chữa bệnh trong thời gian qua.

Bà Hoài Thu nói rằng chỉ trong vòng 5 năm (2001-2005) mặc dù Ngân sách Nhà nước đã tăng chi cho y tế từ 5 USD lên khoảng 10 USD/ người, song nếu tính chi phí y tế cho mỗi cá nhân  thì phần chi của nhà nước mới chỉ đảm bảo khoảng hơn 20%, còn lại là do gia đình có người  ốm tự chi trả. Đây cũng là lý do các tổ chức quốc tế một mặt ca ngợi Việt Nam đã đạt được chỉ số sức khoẻ cao hơn so với điều kiện kinh tế nhưng mặt khác lại cảnh báo nước ta là quốc gia có tình trạng mất công bằng nhất trong chăm sóc sức khoẻ. 

Do ngân sách nhà nước mới chỉ đảm bảo 1/5 kinh phí nên khó có thể đảm bảo vai trò chủ đạo của y tế nhà nước và thực hiện công bằng, bình đẳng trong khám chữa bệnh. “Đây chính là điều băn khoăn nhất của dư luận xã hội và cũng là thánh thức lớn nhất trong việc thực hiện chính sách khám chữa bệnh hiện nay”- bà Hoài Thu nhận định.

Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH cũng đã chỉ ra những thách thức đang đặt ra trong công tác khám chữa bệnh hiện nay đó là khó có thể đảm bảo được mục đích công bằng, hiệu quả trong khám chữa bệnh; sự hạn chế trong công tác xã hội hoá (số giường bệnh tư nhân mới chỉ chiếm 3% tổng số); khó có thể thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010 và sự xuống cấp y đức của một bộ phận thầy thuốc. 

Trong bản báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến  đưa ra  8 giải pháp nhằm thực hiện tốt  chính sách khám chữa bệnh. Đáng lưu ý là Bộ Y tế đề nghị Quốc hội cho phép sửa đổi chính sách viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ  các chi phí trực tiếp, thu theo đối tượng và khả năng chi trả của người bệnh, tạo điều kiện cho các bệnh viện có nguồn kinh phí hoạt động và để tái đầu tư.

“Tăng viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ là cái gốc của chính sách tài chính đối với y tế. Nhưng cần phải làm rõ ngân sách nhà nước đảm bảo bao nhiêu, còn lại bao nhiêu là phần người dân chi trả”- bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ chiệm Ủy ban VH-GD-TNTN&NĐ của Quốc hội nói. Cũng theo bà Tâm Đan, không thể buộc tất cả mọi người phải đóng viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ vì “người dân đóng thuế thì  nhà nước phải chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân”.

Quan điểm này, nhận được sự đồng tình của nhiều người. “Việc thu đúng thu đủ sẽ ảnh hưởng đến người nghèo, các đối tượng chính sách nhưng  vấn đề này sẽ được điều chỉnh bằng các chính sách khác”, Phó Tổng giám  đốc Bảo hiểm- Xã hội Việt Nam Nguyễn Đình Khương nói.

H.K-V.V.T

Đề nghị thành lập tổ chức tài phán hành chính

Cùng ngày, Ủy ban TVQH đã nghe báo cáo công tác dân nguyện. “TVQH có ý đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi về cơ bản Luật khiếu nại tố cáo, đồng thời đưa vào nội dung thành lập tổ chức tài phán hành chính”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đã phát biểu như vậy.

Báo cáo công tác dân nguyện 6 tháng của Trưởng Ban dân nguyện Lê Quang Bình cho biết “từ kỳ họp thứ 6 đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, có lúc diễn ra gay gắt”.

Để giải quyết các khiếu kiện hành chính kéo dài, ông Nguyễn Phúc Thanh-Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần có tổ chức độc lập với tổ chức hành chính mới giải quyết được về căn bản vấn đề, “đó có thể là tổ chức tài phán hành chính” ông Vũ Mão-Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nhận định. Cũng theo báo cáo dân nguyện, bên cạnh những trả lời kiến nghị của cử tri có trách nhiệm, thì vẫn có nhiều trả lời mang tính chung chung.

Ví dụ như việc trả lời của Bộ Nội vụ về những kiến nghị của cử tri về giải quyết vấn đề địa giới của một số địa phương, các địa phương đã không thể thống nhất được trong việc phân vạch địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội nên yêu cầu Chính phủ và Bộ chức năng của Trung ương giải quyết thì văn bản trả lời của Bộ nội vụ lại yêu cầu các địa phương bàn bạc, trao đổi để thống nhất về phân vạch địa giới hành chính.

MỚI - NÓNG