Dân “khát”, nhà máy phủ mền!

Dân “khát”, nhà máy phủ mền!
TP - Nước sạch từ sông Đà lại thêm một lần lỗi hẹn với người tiêu dùng Hà Nội khi cái đích đưa nước sạch về Thủ đô trong quý I/2008 (theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải) chưa phải là cuối cùng.
Dân “khát”, nhà máy phủ mền! ảnh 1
Nhà máy nước sạch Hòa Bình đã xong gần 1 năm nay nhưng vẫn đang “đắp chiếu”. Ảnh: Phùng Sưởng

Doanh nghiệp lao đao vì khoản lãi vay 7 tỷ đồng mỗi tháng, còn người dân Hà Nội  lại sẽ ngậm ngùi đón nhận  một mùa hè “khát” nước sạch!

Nước sạch sông Đà “chờ” 1.300m tuyến chưa có mặt bằng?

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tỉnh Hà Tây sẽ phải GPMB xong trước tháng 11/2007 và nước sạch sẽ về đến Hà Nội trong quý I/2008.

Thế nhưng, sau rất nhiều nỗ lực trong công tác GPMB, ngày 5/2/2008 UBND tỉnh Hà Tây có báo cáo nêu một số khó khăn và thừa nhận: “Việc bàn giao mặt bằng cho dự án nước đoạn qua huyện Hoài Đức phải chuyển sang sau Tết Nguyên đán...”.

Tại huyện Thạch Thất hiện cũng còn  37 hộ dân với chiều dài tuyến 1.200m chưa có mặt bằng... Ngày 18/2/2008, ông Hoàng Thế Trung, GĐ Ban QLDA nước sông Đà tiếp tục có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đề nghị đẩy nhanh việc GPMB tại xã Thạch Hòa (1.154m) trong tháng 2/2008.

Ông Trung cho biết, đến nay toàn tuyến còn vướng mặt bằng với chiều dài tuyến 1.354m thuộc địa bàn Hà Tây.

Cũng ngày 18/2/2008, Vinaconex có báo cáo khẳng định các hạng mục của nhà máy đều hoàn thành và đã đưa vào vận hành như: Kênh dẫn nước sông, trạm bơm nước, kênh dẫn nước hồ, trạm bơm nước hồ, nhà máy xử lý.

Năm 2010 Hà Nội cần hơn 1 triệu m3 nước sạch/ngày, đêm

Quy hoạch hệ thống cấp nước sạch của Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2000 chỉ rõ: Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt của người dân Hà Nội đến năm 2005 đạt 160 lít/người/ngày, đêm; Năm 2010 là 170 lít/ người/ngày, đêm. Nhu cầu cấp nước sinh hoạt toàn thành phố đến năm 2005 khoảng 852.000m3/ngày, đêm; Năm 2010 khoảng 1.046.000 m3/ngày, đêm...

Tuy nhiên đến nay, tổng công suất cấp nước sạch của Hà Nội mới đạt khoảng 600.000m3/ngày, đêm.

Tương tự, phần ống dẫn, Tổng Cty cũng lắp đặt được 42km/46 km và một nửa chiều dài tuyến ống đã được thử áp lực. “Khó khăn lớn nhất của dự án là mặt bằng. Dù tỉnh Hà Tây đã rất cố gắng, song dự án vẫn chưa có đủ mặt bằng để thi công đường nước”- Ông Trương Quang Nghĩa, Tổng GĐ Vinaconex khẳng định.

Với số tiền vay đầu tư cho dự án, mỗi tháng nhà máy “đắp chiếu”, đồng nghĩa với việc Tổng Cty này phải nai lưng trả khoản lãi vay 7 tỷ đồng (hơn 200 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, ông Trung thừa nhận rằng, chưa biết đến bao giờ nước sông Đà mới về đến Hà Nội?

Thừa nước sạch - dân vẫn “khát”!

Công suất nhà máy 300.000m3, chất lượng nước được đánh giá là vượt trội, nhưng ngay cả khi nước sạch về đến Hà Nội thì chúng cũng không dễ dàng đến được người tiêu dùng. Đánh giá của Cty cổ phần nước sông Đà, hiện khả năng mạng lưới đường ống của khu vực sử dụng nước sông Đà của Hà Nội mới đáp ứng được 70.000m3/ngày, đêm.

“Với lượng tiêu thụ như vậy, nhà máy sẽ gặp rất nhiều khó khăn”- Ông Trung khẳng định.

Lý do là, thành phố Hà Nội có quy định chỉ khu vực Tây Nam thành phố được sử dụng nước sông Đà (giới hạn là từ đường Láng về phía Tây). Tuy nhiên, khu vực này trước là ngoại thành nên chưa có hệ thống mạng đường ống nên nước chưa đến được với các hộ dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trí Khoa, Phó Tổng GĐ Cty nước sạch Hà Nội cho biết, tổng công suất của Cty hiện đạt 530.000m3/ngày, đêm. Nước sạch của Cty đã đến được gần 100% số hộ của 4 quận nội thành cũ. Nhưng tại các quận, huyện còn lại, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch của Cty vẫn còn thấp.

Ví như, tại quận Hoàng Mai mới có 50% hộ dân được sử dụng nước sạch của thành phố, các quận như Thanh Xuân đạt 80%, Cầu Giấy 60%, Tây Hồ 50%... đó là chưa kể nhiều khu đô thị mới đang được mọc lên rất nhiều có nhu cầu nước sạch.

Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nội thành Hà Nội còn rất lớn, nhưng người dân lại không thể được tiếp cận nước sạch sông Đà, trong khi đó nhà máy thừa công suất và nước sạch vẫn bị “ế”? Nghịch lý này rất cần được UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết.

MỚI - NÓNG