Dân khô khát “ngửa mặt” nhìn công trình nước sạch

Dân khô khát “ngửa mặt” nhìn công trình nước sạch
Trong khi Quảng Bình vào  mùa đại hạn, thì những công trình cấp nước của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư hàng tỷ đồng lại hư hỏng, không có nước.
Dân khô khát “ngửa mặt” nhìn công trình nước sạch ảnh 1
Bể chứa nước thuộc hệ thống bơm dẫn nước An Thủy đã hư hỏng hoàn toàn

Vào những ngày tháng 7/2005, Quảng Bình đang vào giữa mùa đại hạn, chúng tôi đến các điểm cấp nước sạch của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (SH-VSMTNT) thì chứng kiến những cảnh tượng người dân khô khát, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng…

Còn những công trình cấp nước của Trung tâm nước SH-VSMTNT đầu tư hàng tỷ đồng mà theo báo cáo của Trung tâm là “còn chạy tốt” thì lại phần lớn hư hỏng nặng, không có nước. Người dân ở trong vùng hưởng lợi thì ngày đêm “ngửa mặt” nhìn công trình nước mà trông trời có trận mưa cứu nguy.

Chúng tôi tìm đến công trình nước sạch Đại Phong (Phong Thủy, Lệ Thủy), đây là một công trình mà theo báo cáo của Trung tâm nước SH-VSMTNT Quảng Bình cho rằng điển hình về hiệu quả tốt trong việc cung cấp nước. Nhưng đến tận nơi “mục sở thị” thì hoàn toàn ngược lại.

Công trình này đầu tư xây dựng với số vốn 1 tỷ đồng, công suất 257m3/ngày, cung cấp cho 4.270 người dân Phong Thủy. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2003, thế nhưng chưa một lần nào cung cấp nước cho người dân ở đây.

Ông Phạm Xuân Tham, người quản lý công trình nước Đại Phong cho biết, khi bắt đầu khoan giếng nước thì 2 giếng nước đục ngầu còn giếng thứ 3 thì nước rất ít nhưng không hiểu vì lý do gì mà Trung tâm nước SH-VSMTNT vẫn xây ở đây?

Dân khô khát “ngửa mặt” nhìn công trình nước sạch ảnh 2
Công trình nước sạch Đại Phong

Ông giở cuốn nhật ký vận hành công trình thì chỉ có vẻn vẹn mấy dòng, từ khi nghiệm thu đến nay công trình chỉ vận hành 1 lần nhưng nước đục như nước vo gạo, nên không có hộ dân nào ở đây có nước sạch từ công trình này.

Ông Võ Văn Khuỷnh là người dân ở Đại Phong tỏ ra bức xúc: “Không biết công trình này có số vốn là bao nhiêu nhưng người dân ở đây mỗi hộ phải đóng 95.000 đồng để lấy nước bẩn hơn cả nước sông.

Ông Khuỷnh cho biết thêm: Khi hoàn thành, người ta gắn biển là công trình nước sạch nhưng hiệu quả thì không phải thế đành đổi thành công trình nước sinh hoạt và bây giờ không biết đặt là biển gì? Thật là chuyện cười ra nước mắt!?

Chúng tôi sang xã An Thủy (Lệ Thủy), thấy địa điểm cấp nước ở đây cũng bị hư hỏng nặng. Hệ thống dẫn nước ở An Thủy được xây dựng từ năm 1999, số vốn đầu tư 450 triệu đồng, công suất 250m3/ngày; 5000 người dân được hưởng lợi từ dự án này.

Thế nhưng công trình này chỉ đưa vào sử dụng được 2 tháng và bây giờ thì hư hỏng hoàn toàn. Các công trình nước sạch ở Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch… đều không đạt hiệu quả, không đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân.

Trong 5 năm với các nguồn vốn, Trung tâm nước SH-VSMTNT đã đầu tư 18.765,9 triệu đồng để xây dựng các công trình nước sạch thế nhưng người dân trong vùng hưởng lợi thì từng ngày đối mặt với sự khô khát, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng…

Còn những công trình nước sạch đầu tư hàng tỷ đồng của chương trình môi trường quốc gia và vệ sinh môi trường nông thôn thì lại kém hiệu quả, không sử dụng được.

Vì sao người dân Quảng Bình trong mùa khô hạn lại “ngửa mặt” nhìn công trình nước sạch? Ai phải chịu lãng phí hàng tỷ đồng này, trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi này người dân đang đợi câu trả lời từ phía các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình.

MỚI - NÓNG