Dân làm rẻ và nhanh

Xe chở lúa chạy trên đường liên ấp. Ảnh: Sáu Nghệ
Xe chở lúa chạy trên đường liên ấp. Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Ở vùng sâu của tỉnh Bạc Liêu xa xôi nghèo khó, huyện Phước Long được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới đúng lúc đầu tư công bị thắt chặt. Thế nhưng, việc không thể tập trung xin vốn Trung ương lại là cơ hội cho huyện khơi được “vỉa quặng” sức dân. Mà việc gì dân làm cũng rẻ và nhanh.

Huyện Phước Long đang ung dung hoàn thiện vài tiêu chí ở ba xã còn lại để trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của ĐBSCL, dịp 30 tháng 4. Trong nắng ấm và gió phần phật từ dòng kinh Xáng Cụt đưa lên, nông dân ấp Huê 3, xã Vĩnh Phú Đông rộn ràng đổ bê tông mấy trăm mét cuối cùng của con đường liên ấp dài 5,4 km.

DÂN HỒ HỞI

“Xốc được khí thế hồ hởi của dân thì lãnh đạo tỉnh cũng hay về thăm, động viên giúp đỡ. Qua một nhiệm kỳ làm việc có kết quả, cán bộ huyện và xã đều được Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh biết mặt nhớ tên, kể cũng phấn khởi”.

Phó chủ tịch Lâm Thành Sáo

Bà La Thị Út Mười (vợ liệt sỹ, 70 tuổi, vẫn khỏe) đứng trước nhà nói: “Tôi không có nhiều đất nhưng vẫn vui vẻ hiến làm đường”. Đất của bà chỉ hơn 200 m2, cất hai căn nhà cho bà và con, chừa mảnh sân nhỏ phía trước, nay bà đồng ý xén vô 2 m để mở rộng đường liên ấp. 

“Tôi còn cho để xi măng ở hiên nhà, hằng ngày, sau khi lặt rau mướn kiếm sống về là lại làm đường với hàng xóm”, bà tươi cười. Con đường liên ấp chạy qua đất của 204 hộ dân, Bí thư chi bộ ấp Huê 3 Nguyễn Minh Tấn cho biết, khi mở đường, hộ nào cũng vui vẻ hiến đất. Hộ hiến nhiều nhất là ông Trần Văn Mười vì con đường ngang qua đất của ông dài đến 66 m, kế đến hộ bà Lê Thị Sen dài 64 m.
   

Chục năm trước, con đường liên ấp chạy theo bờ Xáng Cụt này chỉ là lối mòn lầy lội khi mưa xuống. Qua mấy đợt vận động “bồi lộ, bắc cầu”, đường mở rộng ra chừng 2 m, được trải đất hầm, đá và tráng lớp nhựa mỏng. Nhưng nhựa mỏng trải trên nền đất yếu nên qua vài mùa mưa là bể nát. 

Bây giờ xây dựng nông thôn mới, tiêu chuẩn đường liên ấp phải rộng 3 m chưa tính lề, đổ bê tông cốt thép dày non gang tay cho xe chở 3 tấn chạy được. Huyện đưa về xi măng, sắt, đá, cát; dân hiến đất và góp công. “Đường qua đất nhà ai nhà đó làm và chúng tôi có tổ làm lộ để vần đổi công”, Tổ trưởng Tổ làm lộ Dương Văn Xìa cho biết. 

Ông Xìa rời cối trộn bê tông, đứng dưới bóng dừa nói rằng, người dân rất hồ hởi vì làm đường cho xe tải chạy được vào chở nông sản. Ông kể, nhà ông có 3 ha lúa, vụ đông xuân này thu hoạch gần 28 tấn, “hồi trước không có đường vất vả lắm”. Nay xe tải chạy vô mua lúa IR50404 giá 4.250 đồng/kg.

Dân làm rẻ và nhanh ảnh 1

Vợ liệt sỹ La Thị Út Mười vui vẻ hiến đất làm đường

Đường giao thông ở huyện Phước Long có 3 loại: ngõ xóm, liên ấp, liên xã. Đường ngõ xóm rộng 2m, huyện cấp xi măng, còn lại dân lo, đã hoàn chỉnh 213 km. Đường liên ấp, dân góp đất và công, nay đã có hơn 228 km. 
Đường liên xã cũng đã hoàn chỉnh, đảm bảo xe trọng tải 6 tấn chạy ngon ơ. “Tính ra, hệ thống giao thông trong huyện gần bằng chiều dài một vòng từ huyện lên TPHCM và trở về. Nhiều công trình văn hoá, giáo dục, y tế cũng nhờ dân hiến đất, đóng góp xây lên”, Phó chủ tịch HĐND huyện Trương Công Thích cho biết.

CÁN BỘ CŨNG LÀM

Cái không khí hồ hởi của người dân tràn vô công sở. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Phú Đông Trần Ngọc Ẩn cười rổn rảng: Xã được giao làm chủ đầu tư các công trình dưới 2 tỷ đồng nên cán bộ hăng hái chia nhau bám địa bàn. Ông kể, có lúc sắt chở tới sân trụ sở UBND xã, không chờ dân ấp lên nhận mà cán bộ xã hè nhau vác xuống công trường. Rồi xã nào mở ra công trình giao thông nông thôn đều muốn nhanh hoàn thành, các xã kế cận kéo cán bộ và nhân viên sang “vần đổi công vui như Tết”.

Chánh văn phòng Huyện ủy Đào Thanh Phong nhớ lại năm qua có hơn tháng trời làm Đội trưởng Đội xây dựng lăn lộn dưới xã. Xây dựng giao thông nông thôn theo nguyên tắc đường qua đất nhà ai nhà đó làm, nhưng có những gia đình neo đơn, nghèo, hoặc đường qua khu đất công cần hỗ trợ từ bên ngoài. 

Cán bộ và nhân viên các cơ quan huyện góp sức làm những đoạn đó, được tổ chức thành 4 đội luân phiên nhau (để còn lo việc chính ở cơ quan). Ông Phong kể, mờ sáng thức dậy kéo nhau đi làm đến tối, nhiều đêm bày tiệc rượu với dân bên đoạn đường vừa hoàn thành “rộn ràng đờn ca tài tử”. 

Lắm kỷ niệm khó quên. Như đoàn cán bộ một huyện dưới Cà Mau lên học tập kinh nghiệm, tại hiện trường biết ông là Chánh văn phòng Huyện ủy, nhiều cô xúm vào chụp ảnh với ông. Lãnh đạo huyện bạn hô lên: “Kinh nghiệm quý đây nghe, Chánh văn phòng Huyện ủy làm đội trưởng xây dựng”.

Dân làm rẻ và nhanh ảnh 2

Người dân ấp Huê 3, xã Vĩnh Phú Đông đang làm đường

Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Lâm Thành Sáo cũng trực tiếp chỉ đạo làm một con đường dài 5 km ở xã Phước Long. Ông kể, làm rất tích cực, có hôm làm cả đêm, nhưng đến ngày 30 Tết vẫn còn hơn chục thước. Dân thấy vậy, đề nghị ông cho công nhân nghỉ về chuẩn bị đón năm mới, sau Tết làm tiếp. “Bà con nói thấy cán bộ làm với dân là phấn khởi rồi, nên còn đoạn ngắn đường chưa làm cũng vui vẻ đi dịp Tết, nghe rất cảm động”, ông Sáo nói.   

Kết quả cuối cùng của làm đường và nói chung xây dựng nông thôn mới là sản xuất phát triển, đời sống người dân nâng lên. Phước Long đã nổi lên ở ĐBSCL với nhiều năm “nuôi tôm không lỗ” vì nuôi xen cá rô phi, luân canh tôm-lúa. Hàng trăm hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất ra đời. 

Tỷ lệ hộ nghèo dăm năm trước trên 10%, nay chỉ còn chưa đến 4,6%. Tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới ở Phước Long cả 4 năm (2011 - 2014) là hơn 5.047 tỷ đồng. Trong đó, dân đóng góp chiếm tỷ lệ lớn nhất với 43,4%, tiếp theo là vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất 43,3%, vốn xây dựng nông thôn mới từ Trung ương chỉ có 0,4%.

RẺ VÀ NHANH

Bảy năm trước, huyện Phước Long mở rộng và nâng cấp hai cây số đoạn đường cửa ngõ huyện lỵ để ra Quốc lộ 1A mà làm mãi không xong, dân khiếu kiện gay gắt. Lúc đó, PV Tiền Phong đến thấy đoạn đường chật hẹp bụi bặm, người dân phản đối chính quyền rất căng thẳng. Chủ yếu do không thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bây giờ khác hẳn. Quang cảnh thoáng đãng, từ huyện ly có nhiều ngã ra quốc lộ và nhiều ngã về các xã, xe 4 bánh bon bon.

Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng Dương Tử Nam vui vẻ nói huyện nhanh chóng mở được hệ thống giao thông là nhờ tin dân, để dân làm nên rẻ. “Tiết kiệm được 30-40% so với Nhà nước làm”, ông Nam khẳng định. Ông tính, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì không tốn tiền thiết kế, chi phí quản lý, thẩm định, giám sát, cũng không bị rơi rớt lỗ hà lỗ hổng.

 Về chất lượng, ông Nam nói rất đảm bảo. Vì huyện có thiết kế mẫu cho từng con đường, chiếc cầu để cộng đồng dân cư bàn bạc, tính toán làm và giám sát, “gian dối không qua được mắt dân”. Khi làm đường bê tông, trộn bê tông đúng tỷ lệ vật liệu và đều là rất quan trọng, “bây giờ trộn cối chạy máy nổ chứ không còn thủ công nên rất đảm bảo”, ông Nam nói.

Lúc này, Phước Long rộ thu hoạch vụ đông xuân, xe tải chở đầy lúa chạy trên các con đường liên ấp, liên xã nhộn nhịp, êm ru. Về chất lượng đường, Phó chủ tịch Lâm Thành Sáo nói: “Xã làm chủ đầu tư nhưng chúng tôi thường xuyên kiểm tra, tỉnh cũng đã có 4 đoàn kiểm tra, gồm 2 đoàn của Đảng, 2 đoàn của Nhà nước, mới đây Thanh tra tỉnh kiểm tra ngẫu nhiên con đường ở ấp Huê 2, xã Vĩnh Thanh. Tất cả kết luận tốt”.

Chuyện trò về sức dân ở Phước Long thật khó dứt. Sôi nổi hồi lâu, Phó chủ tịch Sáo khẳng định: Dân làm nên nhanh. Ông nói rằng, từ khi có chủ trương đưa thiết kế mẫu xuống cho dân họp bàn và làm, đến khi hoàn thành một con đường chỉ mất vài tháng, còn cơ quan nhà nước làm, có khi mất 2 năm chưa xong thủ tục.

Tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới ở Phước Long cả 4 năm (2011 - 2014) là hơn 5.047 tỷ đồng. Trong đó, dân đóng góp chiếm tỷ lệ lớn nhất với 43,4%, tiếp theo là vốn tín dụng đầu tư phát triển sản xuất 43,3%, vốn xây dựng nông thôn mới từ Trung ương chỉ có 0,4%.


MỚI - NÓNG