Dân mạng sôi sục trước cái chết bí ẩn của chàng tiếp viên hàng không

Dân mạng sôi sục trước cái chết bí ẩn của chàng tiếp viên hàng không
TPO - Trong những ngày qua, mạng xã hội lan truyền chóng mặt chiến dịch mang tên “Công lý cho Toàn” nói về thông tin chàng tiếp viên hàng không Dương Châu Toàn 28 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM tử vong sau ca mổ nối dây chằng tại bệnh viện Thống Nhất TPHCM.   

Chiến dịch công lý cho Toàn

Theo thông tin từ “Chiến dịch công lý cho Toàn”, Toàn bị ngã xe máy do tránh một người chở hàng vào ngày 6/1, bị trầy chân và đau đầu gối. Toàn không chấn thương đầu hay phần nào khác. Sau khi ngã, Toàn được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện Thống Nhất, các bác sĩ chẩn đoán là Toàn đứt móc nối dây chằng chân trái, tuy nhiên vì máu bầm chưa tan nên chưa thực hiện phẫu thuật nối dây chằng ngay lập tức được, nên chờ khoảng 12 ngày sau mổ. 12 ngày sau, Toàn được đưa đến khoa ngoại dịch vụ để phẫu thuật nối dây chằng. Ca phẫu thuật diễn ra khá suôn sẻ khoảng từ 17g30-19g tối 18/1.

Tuy nhiên, ca phẫu thuật này được thực hiện lâu gấp 3 lần so với 1 ca nối dây chằng cũng được thực hiện trước Toàn của một bệnh nhân tên H. Bác sỹ giải thích là do bác sỹ chọn cách làm thủ công để tốt hơn cho trường hợp của Toàn. Ca phẫu thuật được thực hiện bằng phương pháp gây tê tuỷ sống. Trong lúc phẫu thuật, Toàn vẫn trò chuyện bình thường với các bác sỹ. Sau đó, Toàn không có biểu hiện gì lạ. Khoảng gần 4g sáng 19/1, Toàn thức dậy và kêu đau. 

Em gái Toàn đi tìm y tá và được y tá D. chích 1 mũi thuốc cho Toàn vào bắp tay trái. Sau khi chích, Toàn kêu khát nước và muốn đi tiểu. Toàn tiểu không tự chủ và nước tiểu rất nóng. Khoảng 40 phút sau Toàn kêu đau. Khi em gái hỏi đau ở đâu thì Toàn chỉ vỗ vỗ vào háng mà không nói được nữa. Sau đó Toàn co giật và chảy nước dãi nhiều. 

Em gái Toàn phải kêu đến lần thứ 2 thì y tá D nói em lấy muỗng đưa vào miệng Toàn để Toàn không cắn lưỡi. Sau đó D đẩy Toàn vào phòng cấp cứu. Hơn 1 tiếng cấp cứu, đến khoảng 6g40 sáng thì Toàn có nhịp tim và huyết áp lại. Sau đó, Toàn được đưa xuống phòng hồi sức/hậu phẫu trong tình trạng hôn mê sâu (Toàn hôn mê sâu từ lúc đó cho đến khi mất).

Gia đình nhận được chẩn đoán từ bệnh viện là Toàn bị “tim tiềm ẩn”. Gia đình không đồng ý với kết luận này vì trước khi mổ Toàn hoàn toàn khoẻ mạnh, đang làm tiếp viên hàng không (công việc đòi hỏi được khám sức khoẻ và tim rất kỹ) và Toàn chỉ có những dấu hiệu lạ khoảng 40 phút sau mũi chích giảm đau. 

Toàn nằm ở phòng này vài ngày thì tình hình xấu hơn, phải đi lọc thận. Sau đó Toàn được chuyển lên khoa hồi sức tích cực chống độc nằm thêm một thời gian nữa trước khi bị xuất huyết dạ dày, máu tràn ra miệng và mũi, đi vệ sinh ra máu trong khoảng 4 ngày cuối.

Anh Huỳnh Minh Thảo, bạn thân của Toàn, một trong những người đứng ra kêu gọi chiến dịch công lý cho Toàn” cho biết, anh và gia đình Toàn rất sốc trước sự ra đi của bạn trong khi bệnh viện trả lời vòng vo và không thuyết phục. Tôi hy vọng, trước sức ép của dư luận, phía bệnh viện sẽ có câu trả lời chính đáng về sự ra đi của Toàn”.

Bệnh viện nói gì?

Để hiểu rõ hơn sự việc, chiều 24/2, PV đã có buổi làm việc với bệnh viện Thống Nhất TPHCM. Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính bệnh viện cho biết, vào ngày 18/1, anh Toàn vào Bệnh viện Thống Nhất khám và điều trị với triệu chứng đau, mất vững khớp gối trái, vận động khó khăn. Trước đó khoảng 10 ngày, bệnh nhân bị tai nạn té đập đầu gối trái xuống đất dẫn tình trạng trên. 

Kết quả chụp MRI cộng hưởng từ cho thấy anh Toàn bị đứt dây chằng chéo trước của khớp gối bên trái, gãy mâm chày, phù nề mâm chày ngoài. Sau khi hội chẩn, bác sĩ chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp khớp gối trái, cắt lọc sụn chêm khớp gối trái. Ca phẫu thuật diễn ra lúc 17h20 cùng ngày, kéo dài gần 2 giờ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển ra phòng hậu phẫu, khoa ngoại theo yêu cầu và được bác sĩ chỉ định thuốc 19h, 24h và 2h.

Đến 4h45 sáng 19/1, anh Toàn đột ngột lên cơn gồng cứng, co giật, mạch chậm, huyết áp tụt. Bệnh nhân được hồi sức cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, dùng các thuốc chống co giật, thuốc vận mạch nâng nhịp tim, huyết áp (Atropin, Adrenaline, Dopamine, Noradrenaline). Sau khi có mạch và huyết áp trở lại, bệnh nhân mê sâu nên được chuyển khoa phẫu thuật gây mê hồi sức để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên viện, chẩn đoán anh Toàn hôn mê sâu sau ngưng tim, ngưng thở trên nền tình trạng hậu phẫu tái tạo dây chằng chéo. Nguyên nhân ngưng tim, ngưng thở chưa xác định rõ. Có thể do rối loạn nhịp tim do bệnh lý tim mạch tiềm ẩn không phát hiện được trên điện tim và siêu âm tim trước mổ.

Đến ngày 26/1, bệnh nhân có biểu hiện suy thận, phải chỉ định lọc máu. Sau khi hội chẩn, anh Toàn được chuyển đến khoa hồi sức tích cực chống độc theo dõi điều trị tích cực bằng phương pháp thở máy, kháng sinh và lọc máu liên tục. 

Tuy nhiên, do tình trạng bệnh lý nặng, tổn thương não không hồi phục, huyết áp giảm dần… Sau 25 ngày điều trị, gia đình xin đưa về và bệnh nhân đã tử vong tại nhà vào ngày 13/2.

Theo chẩn đoán tại bệnh viện trước khi về nhà, anh Toàn bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương não không hồi phục sau ngưng tuần hoàn trên nền hậu phẫu tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối trái.

Trả lời câu hỏi dân Toàn có bị sốc thuốc hay không và việc một tiếp viên hàng không bị rối loạn nhịp tim có phù hợp khi quy trình kiểm tra sức khỏe của nhân viên hàng không rất ngặt nghèo. Bác sĩ Vũ giải thích: “Lý do sốc thuốc là không phù hợp vì những loại thuốc mà Toàn dùng sau mổ là an toàn và tỉ lệ sốc thuốc rất thấp. Thứ hai là những triệu chứng như co giật, mạch chậm, huyết áp thấp hoàn toàn không phù hợp với biểu hiện sốc thuốc. 

Về kết luận, có thể Toàn bị rối loạn nhịp tim do bệnh lý tim mạch tiềm ẩn, bác sĩ Vũ giải thích: “Tiếp viên hàng không có quy trình kiểm tra sức khỏe bằng các biện pháp thông thường nhưng rối loạn nhịp tim thì phải được khảo sát trên điện sinh lý buồng tim mới phát hiện được. Bệnh viện dự định khi bệnh nhân ổn định sẽ cho khảo sát điện tim sinh lý nhưng không may bệnh nhân đã qua đời”.

Một vấn đề khác cũng được người thân và bạn bè Toàn quan tâm đó là bệnh viện thừa nhận không sai nhưng tại sao lại trả toàn bộ viện phí cho nạn nhân. Về vấn đề này, bác sĩ Vũ cho biết, viện phí của Toàn tổng cộng là 249 triệu đồng, trong đó bảo hiểm chi trả 189 triệu và gia đình thanh toán 60 triệu.

“Thật sự Toàn ra đi là nỗi mất mát lớn đối với gia đình, người thân và là sự không mong muốn của bệnh viện. Chính vì thế, bệnh viện muốn góp phần chia sẻ nỗi đau này với gia đình nạn nhân. Và ngày 23/2 vừa qua, người thân của Toàn đã đến nhận lại số tiền đóng tạm ứng tại bệnh viện”, bác sĩ Vũ nói.

Bệnh viện Thống Nhất vẫn đang tiếp tục tìm nguyên nhân ra đi của Toàn và sẵn sàng gặp gỡ gia đình, người thân để giải đáp những thắc mắc.

Bệnh viện Thống Nhất kiểm điểm rút kinh nghiệm

Ngày 24/2, thông qua Bộ Y tế, bác sĩ Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM - đã có văn bản chính thức trả lời về trường hợp tử vong của bệnh nhân Dương Châu Toàn (28 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM).

Ngày 18/2, bác sĩ Đỗ Kim Quế - Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - đã tổ chức gặp gia đình anh Toàn, giải đáp các thắc mắc về nguyên nhân tử vong và chia buồn cùng gia đình bệnh nhân.

Mặc dù đã nỗ lực hết sức bằng các biện pháp nghiệp vụ, song cái chết của bệnh nhân Dương Châu Toàn là trường hợp vô cùng đáng tiếc. Bệnh viện Thống Nhất xin nhận trách nhiệm về rủi ro này và sẽ tổ chức kiểm điểm để rút kinh nghiệm về mặt chuyên môn cũng như y đức để tránh tối đa những sự cố sau này.

Đồng thời, xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân nếu có để xảy ra sai sót. Bệnh viện rất mong nhận được sự thông cảm và mong nhận được những ý kiến đóng góp thiện chí của các công luận để phục vụ tốt hơn trong hoạt động khám và chữa bệnh.

Cùng ngày, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - đã có văn bản đề nghị giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM khẩn trương thành lập hội đồng chuyên môn xác minh nguyên nhân dẫn tới tử vong của bệnh nhân Dương Châu Toàn. 

Đồng thời, đề nghị bệnh viện cũng xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân tham gia trong quá trình chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân Toàn. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành nếu có xảy ra sai phạm. Công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan báo chí. Và báo cáo về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước ngày 4/3 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.