Dân mong lò gạch ngừng xả khói

Lò gạch vẫn xả khói tại xã Võng Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội.
Lò gạch vẫn xả khói tại xã Võng Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội.
TP - Ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), các lò gạch cải tiến vẫn thi nhau xả khói, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cho dù UBND thành phố Hà Nội đã có yêu cầu, đến cuối năm 2016, các lò gạch cải tiến phải dừng hoạt động.

Từ xa hàng trăm mét từ ngoài đường tỉnh lộ, người ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy hàng chục cột khói trắng cuồn cuộn bốc lên từ các lò gạch thuộc xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ. Ngay đầu làng là một lò gạch đôi khá lớn, trước mặt là hàng chục tấn gạch được xếp ngay ngắn, che phủ bởi tấm bạt bằng ni lông. Đi thêm khoảng 200 mét nữa, thêm khoảng chục lò gạch nữa lộ diện, 2 bên đường kín bưng gạch.

Trao đổi với PV, đại diện UBND xã Võng Xuyên cho biết, trước đây đã có thời gian các lò gạch ngừng hoạt động do có chỉ đạo từ UBND thành phố Hà Nội, tuy nhiên thời gian gần đây các lò gạch này tái hoạt động. Theo vị này, đây là những lò gạch vòng cải tiến, đã có xử lý khói nên ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, về tính pháp lý của hoạt động lò gạch, vị này thừa nhận: “Người ta đầu tư rất lớn, mỗi lò phải gần 2 tỷ/cặp lò, chưa thu lại vốn nên cố làm. Nếu dỡ thì nhiều người vỡ nợ”. Một nguyên nhân nữa khiến lò gạch nung “tái hoạt động” là do lò gạch giải quyết được nhiều công ăn việc làm tại địa phương, tạo ổn định an sinh xã hội địa phương, giải quyết được nhiều lao động. “Mỗi ngày công được 200 – 250 ngàn đồng, làm nông sao lại được”, vị này chia sẻ. Được biết, trên địa bàn huyện Phúc Thọ còn một số xã vẫn còn các lò gạch hoạt động, riêng xã Võng Xuyên vẫn còn tới 12 lò gạch đang hoạt động, chủ yếu là người dân địa phương làm chủ.

Được biết, đầu năm 2016, UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thị xã kiểm tra, xử lý các lò gạch cải tiến, lò vi phạm, yêu cầu dừng hoạt động trong năm 2016. Ngày 30/11/2016, Sở Xây dựng có Báo cáo UBND thành phố về lộ trình hoạt động của các lò gạch cải tiến, lò vòng trên địa bàn một số huyện. Theo đó, những lò gạch cải tiến, lò vòng trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ… được đề xuất dừng hoạt động trước ngày 31/12/2016; những lò gạch cải tiến, quy mô nhỏ tại địa bàn huyện Sóc Sơn, Đan Phượng được đề nghị cho tồn tại đến hết năm 2020.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, cái khó trong việc xóa các lò vòm cải tiến là lò gạch đóng góp khá nhiều cho kinh tế của người dân. Bên cạnh đó, các cơ sở gạch không nung chưa phát triển nên chưa đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng hiện nay. Hiện, Sở Xây dựng đang rà soát quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,đồng thời, lấy ý kiến thống nhất của sở, ngành liên quan và các địa phương, sau đó Sở sẽ tham mưu UBND thành phố xem xét.

MỚI - NÓNG