Dân nghèo quay cuồng trong “bão” giá

Dân nghèo quay cuồng trong “bão” giá
TP - Người ta thường nói, muốn biết dân sướng hay khổ thì đến thăm chợ và bệnh viện. Tại những nơi này, người nghèo là những nạn nhân đầu tiên và trực tiếp của cơn "bão" giá đang hoành hành dữ dội nhất trong vòng 10 năm qua.

>> Rổ rá & lạm phát

Dân nghèo quay cuồng trong “bão” giá ảnh 1
Giá thực phẩm tăng chóng mặt

Gần 2 ngày lương cho 1 ngày ăn!

“Tôi cũng như ngồi trên đống lửa”

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã nói như vậy với báo giới khi thừa nhận về việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới  2 tháng đã tăng 6,02%, là mức cao mà Chính phủ không mong muốn, gây khó khăn cho người dân.

Theo ông Ninh, trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế hiện nay,  thì khả năng kiểm soát để cả năm 2008 tốc độ tăng CPI thấp hơn mức tăng trưởng GDP (8,5-9%) như nghị quyết của Quốc hội là rất khó.

Chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) chiều 1/3. Kẻ bán người mua vẫn tấp nập. Có chăng là tiếng mặc cả, than phiền nhiều hơn mọi khi. Chị Hằng bán gà đầu cổng phụ vừa cân gà cho khách vừa nghe khách càu nhàu vì giá gà tăng chóng mặt.

Trước Tết, giá gà ta (làm sẵn) dao động 80.000-85.000 đồng/kg thì nay đã tăng thêm 15.000-20.000 đồng/kg. Cũng chính vì giá cao, mức tiêu thụ giảm nhiều. Chị Hằng cho biết, trước Tết mỗi ngày trung bình bán được dăm bảy chục con, cũng đủ nuôi hai đứa con; bây giờ mỗi ngày bán được chừng 30 con, lãi lời chẳng được bao, kinh tế gia đình thêm khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thu, giúp việc cho một gia đình công chức ở nhà B7b Thành Công nhận từ tay gia chủ 100.000 đồng kèm lời căn dặn: “Bà đi mua cái gì ngon ngon cho dễ ăn nhé!”.

Trên đường từ nhà ra chợ, bà tần ngần đắn đo xem mua cái gì ngon ngon dễ ăn cho gia đình 4 người trong một ngày, như lời chủ nhà dặn. Với một người lanh lợi, quen chợ búa chưa chắc đã làm được, huống gì đối với bà chân ướt chân ráo ở quê ra.

Thế rồi bà đánh bạo, mua 4 lạng thịt nạc hết 36.000 đồng; 2 mớ rau cải hết 8.000 đồng; 4 miếng đậu phụ hết 8.000 đồng; gần 5 lạng cá trắm cắt khúc hết 30.000 đồng; mấy quả cà chua, ít gia vị cũng hết 5.000 đồng.

Bà Thu định đi mua 3 lạng thịt bò nhưng trong túi chỉ còn 13.000 đồng, bà đành chịu, vì còn thiếu 14.000 đồng nữa. Không biết khi mang thức ăn về nhà, gia chủ của bà có lẽ sẽ khó hài lòng trước mấy món ăn lèo tèo này, nhưng trị giá bằng gần 2 ngày lương của một công chức bình thường ở Hà Nội.

Tại các chợ ở Hà Nội như Thành Công, Ngọc Hà, Hôm, Hàng Da… dù cái Tết đã qua gần 1 tháng nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày không những không giảm mà ngược lại còn tăng liên tục.

Theo ước tính của Ban quản lý chợ Hôm, mỗi ngày trung bình có nửa vạn người đến chợ, mua bán. Tại đây, chiều 29/2, giá nhiều mặt hàng vẫn cao kỷ lục so với trước Tết. Cụ thể, cá chép (loại dưới 1,5 kg) tăng từ 25.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; thịt lợn thăn tăng từ 65.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; rau muống tăng từ 3.000 đồng lên 12.000 đồng/mớ; rau cải tăng từ 2.500 đồng lên 6.000 đồng/mớ…

Điều đáng nói là, nguyên nhân giá các mặt hàng thực phẩm tăng hiện nay không hẳn do thiếu nguồn cung. Bởi theo ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, sau 1 tuần trời ấm, các cánh đồng rau ở Hà Nội và các vùng phụ cận đã chủ động được nguồn cung nhưng do tư thương tự đẩy giá và cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của việc tăng giá ở các mặt hàng trong đó có xăng dầu, vàng…

Cùng đó, việc giá các mặt hàng thực phẩm tăng chính là biểu hiện rõ nhất chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 vừa qua tăng quá cao (lên tới 3,56%). Cũng theo ông Tâm, chỉ số giá tiêu dùng tăng ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất đến người trực tiếp sản xuất (nhất là nông dân) và những người nghèo ở các tầng lớp khác trong xã hội.

Ông Tâm lấy ví dụ, một người dân trồng rau cải, bán tại ruộng cho tư thương giá 1.500 đồng/mớ (trước Tết chỉ 1.000 đồng) nhưng qua tay tư thương, mớ rau này được đẩy lên 5-6.000 đồng. Tính ra, người nông dân chỉ lãi khoảng 700 đồng/mớ rau (vì giá cây giống, phân bón… đều tăng gấp 2-3 lần); còn tư thương thì lãi tới 3.000 đồng/mớ.

Dân nghèo quay cuồng trong “bão” giá ảnh 2
Chị Nguyễn Thị Năm tự bán nước chè lấy tiền chạy thận

Bệnh nhân nghèo xiêu vẹo vì giá

Chị Nguyễn Thị Năm, quê ở Lục Nam (Bắc Giang) lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chạy thận đã 2 năm nay, khuôn mặt sạm đen và già hơn cái tuổi 47 của chị rất nhiều. Chị tâm sự: “Trót mang cái bệnh này vào người rồi thì cũng không thể nằm viện ngày một ngày hai được.

Hai mẹ con đành phải thuê căn phòng trọ vài mét vuông cạnh cầu vượt Dịch Vọng. Nhà chỉ để được có cái giường, một lối đi nhỏ vậy mà mỗi tháng cũng mất nửa triệu đồng. Tháng sau, chủ nhà còn đòi tăng tiền nhà nữa. Đúng là trăm dâu đổ đầu tằm!”.

Ăn vội suất cơm con gái mới mang cho, chị kể tiếp: “May mà còn có cái bảo hiểm người nghèo, không thì chưa biết xoay xở thế nào. Mấy nhà cùng xóm trọ với tôi thì vất lắm. Tết ra, tôi phải sắm cái phích với ấm chè vào viện bán chui.

Mỗi ngày kiếm được đôi ba chục nghìn cũng đủ tiền ăn, hôm nào mà bảo vệ đuổi thì chẳng được đồng nào. Tết ra, cái gì cũng đắt đỏ cả, người có bệnh ăn qua loa thì sức đâu mà trụ, dè sẻn từng chút một mà mỗi ngày hai mẹ con cũng mất ba chục tiền ăn rồi”.

Ngồi uống nước chỗ chị Năm, anh Khang quê Hà Nam cầm ống điếu làm một hơi thuốc cũng góp vào câu chuyện: Giá một phích nước sôi ngày trước 1.000 đồng, giờ cũng lên gấp đôi, suất cơm trưa ăn qua loa cũng mất 10.000 đồng.

Cái áo vàng thuê của bệnh viện để người nhà trông bệnh nhân cũng tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng, mười ngày lại phải đóng tiền một lần. “Có người cho mượn áo còn bị phạt, mỗi lần bị phạt như thế bằng số tiền mượn áo 10 ngày. Cứ thế này thì không biết sống sao đây?” - Anh Khang than.

Nằm vật vạ ở chiếc võng xếp, đôi mắt trũng sâu vì thức đêm, chị Dương Thị Lan ở Kiến Xương (Thái Bình) mới đưa chồng lên Hà Nội cấp cứu tràn dịch phổi. Bên cạnh chị bày la liệt các thứ, như chăn, màn, phích nước, quần áo… Chị kể: “Nằm mất mấy ngày trời ở bệnh viện huyện nhưng không tiến triển, đêm qua nhà tôi kêu tức ngực rồi khó thở; tình trạng xấu đi nhiều.

Ông anh họ làm bác sĩ khuyên nên chuyển lên Hà Nội điều trị, vậy là vội vàng thuê xe, gom luôn cả đồ dùng cá nhân, nửa đêm rồng rắn lên đây. Đồ dùng thì sẵn đấy rồi cũng một công đi xe thuê mang lên được cái gì hay cái đó, chứ đi thuê thì cũng chết tiền. Mới nằm viện có mấy hôm mà mất gần 4 triệu đồng rồi”.

Cả ngày hôm qua, tôi cứ tha thẩn ở các bệnh viện ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Những hình ảnh về người bệnh thập tử nhất sinh phải nuốt miếng cơm chỉ vài cọng rau và mấy miếng thịt mỏng; rồi khi cầm toa đi mua thuốc cứ mặc cả như ngoài chợ, rút từng đồng tiền nhàu nát trong túi áo đã kẹp cẩn thận bằng cái kim băng… cứ ám ảnh tôi mãi. Phải vào viện đã khổ rồi, lại vào viện đúng lúc “cơn bão” giá hoành hành thì còn gì khổ hơn…

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.