Dân phải trả tiền phí… “phá” rừng!

Dân phải trả tiền phí… “phá” rừng!
TP - Cuối cùng, tỉnh Quảng Nam cũng vừa lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có khoản thu tiền dịch vụ môi trường rừng nhắm vào các doanh nghiệp thủy điện từ lâu mọc chi chít khắp rừng núi, sông suối của tỉnh này.

> Tiền dịch vụ môi trường rừng tăng

Khi mà công cuộc ngăn sông ủi rừng kèm theo các hệ lụy ghê gớm khác đến từ các thủy điện đã đến mức không còn gì để nói.

Đây là hình thức quỹ ra đời theo Nghị định số 05/2008 - NĐ-CP năm 2008 của Chính phủ, nhằm huy động các nguồn lực, trong đó chủ yếu từ khoản bắt buộc đóng góp của những doanh nghiệp hưởng lợi từ rừng và “san ủi” rừng làm thủy điện.

Tại Quảng Nam, số tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2012 dự kiến thu về là 58 tỷ đồng. Tiền này cơ bản được chi đầu tư tái trồng rừng, hỗ trợ sản xuất và đời sống cho dân nghèo lâu nay sống nhờ rừng ở các vùng dự án.

Những tưởng khoản tiền trên sẽ được trích ra từ “hầu bao lợi nhuận” rất lớn của các doanh nghiệp thủy điện. Nhưng sự thật thì người sử dụng điện cả nước đã và đang phải trả khoản tiền phí “phá” rừng kể trên!

Theo cách tính cứ mỗi kWh, người dùng điện phải trả 20 đồng. Lời thì ăn trọn, còn phí môi trường thì dân phải gánh.

Chưa tính riêng lợi nhuận từ gỗ và hàng loạt khoáng sản “tận thu” được từ việc chặt hạ, đào bới xây dựng các lòng hồ khổng lồ, dân và Nhà nước biết có được hưởng đồng nào?

Chưa hết, cho đến nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới trả cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (thực chất là trả cho dân nghèo) khoảng 5% trong tổng số trên 500 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2011 đã thu theo tiền điện của dân.

Lý do EVN đưa ra là do làm ăn “thua lỗ…”, và kiến nghị được lùi thời hạn nộp khoản tiền trên cho đến khi Chính phủ có quyết định… tăng giá điện.

Như vậy, đã không phải móc lợi nhuận ra trả, ngành điện còn tính “úp om” luôn tiền của dân đã è cổ ra đóng.

Phú Yên, tỉnh vốn đau đầu với “nạn” thủy điện, không hiểu sao đến nay vẫn chưa có quỹ này.

Theo báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này, các thủy điện lớn trên địa bàn đã cổ phần hóa, nên toàn bộ số tài sản là rừng, đất đai của Nhà nước đều rơi vào các nhà đầu tư.

Phú Yên nhiều lần kiến nghị Thường vụ Quốc hội và trung ương yêu cầu chủ đầu tư khi cổ phần hoá phải tính đầy đủ giá trị diện tích rừng bị mất, giá trị đất, để xác định tổng giá trị này là cổ phần của địa phương.

Các công ty phải trả cổ tức cho ngân sách địa phương để đầu tư trồng lại rừng, hỗ trợ đời sống, khôi phục sản xuất cho người dân địa phương. Đây là phương án thiết thực, tuy nhiên vẫn chưa có câu trả lời.

Thiệt đơn thiệt kép, nên không bất ngờ khi dân nghèo mất đất, mất ruộng, mất rừng cho thủy điện lại dắt díu nhau vào rừng sâu “tàn phá” dữ dội hơn để kiếm miếng ăn qua ngày…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG