Dân quá khích 'nhốt' Phó Bí thư huyện ủy

Đám đông vây trụ sở xã Minh Phú, Sóc Sơn (Hà Nội) chiều 19-11
Đám đông vây trụ sở xã Minh Phú, Sóc Sơn (Hà Nội) chiều 19-11
TP - Ngày 19 - 11, hàng trăm người dân quá khích xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), trong khi phản đối dự án xây dựng nghĩa trang Sóc Sơn, đã nhốt ông Vương Văn Bút, Phó Bí thư Huyện ủy trong một căn phòng của trụ sở UBND xã.
Đám đông vây trụ sở xã Minh Phú, Sóc Sơn (Hà Nội) chiều 19-11
Đám đông vây trụ sở xã Minh Phú, Sóc Sơn (Hà Nội) chiều 19-11.

Khoảng 8h30 phút sáng 19-11, tại trụ sở UBND xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, khi Hội nghị bàn về việc đo đạc, khảo sát Dự án Công viên nghĩa trang Thiên Đường đang diễn ra thì bất ngờ hàng trăm học sinh trường THCS xã Minh Phú tràn vào hội trường đồng loạt hô “đả đảo Cty Hoa Sen!”, kêu hò ầm ĩ khiến Hội nghị không thể tiếp tục.

Bên ngoài, hơn ba ngàn người, phần lớn là phụ nữ, thanh niên và đàn ông trung tuổi, cũng đang hò hét, chửi bới lớn tiếng phản đối việc xây dựng nghĩa trang lớn nhất Hà Nội tại xã này.

Khi khoảng 40 cán bộ, chiến sỹ công an huyện Sóc Sơn được huy động xuống hiện trường thì những người quá khích kích động đám đông quây chặt sân trụ sở bằng cách hô lên rằng có công an đánh học sinh.

Cánh cổng bị nhiều người giữ chặt, xung quanh trụ sở cũng bị nhiều người vây kín khiến tất cả cán bộ tham dự Hội nghị và lực lượng công an bị ách lại bên trong. Đặc biệt, ông Vương Văn Bút, Phó Bí thư Huyện ủy, đã bị nhốt (khóa cửa ngoài) trong một căn phòng của trụ sở, một đại úy Công an huyện - người bị tiếng là đã đánh một em học sinh, cũng bị giữ lại trong một căn phòng khóa trái cửa.

Đến hơn 17h hôm qua, khi ông Lê Hữu Mạnh - Chánh Văn phòng Huyện ủy Sóc Sơn xác nhận những thông tin trên với nhóm PV Tiền Phong tại trụ sở Huyện ủy, thì những cán bộ nói trên vẫn đang bị nhốt mà chưa được giải cứu.

Ông Mạnh cho biết, hầu hết học sinh trường THCS Minh Phú đã nghỉ học cả ngày hôm qua, và các thầy cô giáo đã rất buồn vì vụ việc xảy ra ngay trước ngày Nhà giáo Việt Nam.

Báo cáo lại với Phòng giáo dục và chính quyền huyện, trường Minh Phú cho biết rất có thể các em học sinh đã bị phía gia đình ép đi đến Hội nghị nói trên để phản đối việc xây dựng nghĩa trang.

Có mặt tại hiện trường lúc gần tối, PV Tiền Phong vẫn thấy còn khoảng một ngàn người cùng rất nhiều xe máy dựng la liệt bên ngoài hàng rào trụ sở, khắp nơi giấy rác, cành cây vứt bừa bãi…

Chưa thể dùng “biện pháp mạnh”?

Trong hơn 10 tháng qua, kể từ khi “Công viên Nghĩa trang Thiên Đường hiện đại nhất Hà Nội” được Chính phủ phê chuẩn dự án, UBND thành phố chấp thuận địa điểm và Cty đầu tư và phát triển công nghệ Hoa Sen làm chủ đầu tư, đây là lần thứ 13 nhiều người dân xã Minh Phú tụ tập đông người để phản đối việc thực hiện dự án.

Khu vực lập dự án chỉ có vài chục hộ dân thuộc diện phải di dời, nhưng lúc nào cũng có hàng ngàn người sẵn sàng gác lại công việc hằng ngày của nhà nông để đi phản đối địa điểm của dự án này, với lý do dự án sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng tại vùng có nước đồi tạt xuống, kể cả nước ngầm.

Dù phía Cty Hoa Sen đã khẳng định nơi đây chỉ tiếp nhận cát táng (chôn hài cốt và tro cốt) chứ không hung táng, và Công viên được xây dựng bằng công nghệ hiện đại, nhưng không hề làm giảm nỗi bức xúc của người dân địa phương.

Đến gần 18h hôm qua, Phó Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Vương Văn Bút và đồng chí đại úy Công an huyện đã… thoát được ra ngoài trụ sở xã Minh Phú. Hàng chục cán bộ, chiến sỹ công an khi đó cũng mới có thể ra về. Đám đông cũng dần dần được giải tán sau đó. 

Huyện Sóc Sơn lập 8 tổ công tác thường xuyên đi về 8 chi bộ thôn tuyên truyền vận động, nhưng vẫn… chưa đạt kết quả. HĐND xã Minh Phú thì lại không ngần ngại thể hiện quan điểm “bàn lùi” về vị trí dự án trong một số văn bản, và gần như không ai muốn nghe bất kỳ sự giải thích nào nếu Dự án nghĩa trang tiếp tục được triển khai tại đây.

Đã vài lần cán bộ khảo sát bị giữ chân tại hiện trường khiến công an phải đi giải cứu, còn hội nghị tại xã lần nào cũng bị phá, nếu hội nghị tổ chức ở trên huyện thì nhiều người cũng không ngần ngại kéo lên huyện phản đối!

Tại Minh Phú có tới 88 trang trại, trong đó có hơn 50 trang trại của những người được gọi là “đại gia” và “VIP”, đa số chuyển nhượng từ đất rừng và đất nông nghiệp có dấu hiệu bất hợp pháp, nhiều lần bị đổi chủ và khó truy nguyên.

Sự lôi kéo, kích động đến từ kẻ xấu hoặc chính những “đại gia” có trang trại, đã được cơ quan chức năng tính đến nhưng chưa thể làm rõ gương mặt nào, trong khi địa phương này liên tục xuất hiện tờ rơi có nội dung phản đối việc xây nghĩa trang.

Chính ông Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cũng đã khẳng định trước báo giới và báo cáo lên cấp trên về dấu hiệu có kẻ kích động, xúi giục đông người kéo đi phản đối là do quyền lợi cá nhân của nhóm người này bị ảnh hưởng, nên việc xử lý sai phạm đất đai ở đây phải được xử lý dứt điểm…

Mấy tháng qua, UBND TP Hà Nội liên tục ra văn bản chỉ đạo xử lý sai phạm đất đai và đốc thúc tiến độ Dự án để hoàn thành vào quý 3 năm 2011.

Mới đây, ngày 3-11, Phó Chủ tịch TP Phí Thái Bình đã yêu cầu Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra, phân loại kẻ quá khích để có “biện pháp mạnh” (được biết đã có 20 trường hợp được xác định có hành vi chống người thi hành công vụ, trong đó có 8 người đủ căn cứ để khởi tố), nhưng diễn biến ngày 19-11 cho thấy hành động quá khích của số đông và một số phần tử kích động đang đẩy sự việc ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, đòi hỏi cơ quan chức năng của huyện và thành phố bên cạnh việc tuyên truyền thuyết phục cần thực hiện các biện pháp kiên quyết hơn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.