Cuối tháng 3/2008 ở TP Hồ Chí Minh:

Dân quân, tự vệ sẽ tham gia điều khiển giao thông

Dân quân, tự vệ sẽ tham gia điều khiển giao thông
TP - Trên 300 cán bộ chiến sỹ thuộc các lực lượng dân quân, tự vệ cấp quận/huyện, phường/xã sẽ được bố trí tại 172 chốt nóng nhất về tắc nghẽn giao thông của TP Hồ Chí Minh.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn Thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT), Công an TP Hồ Chí Minh, xung quanh quyết định mới này.

Dân quân, tự vệ sẽ tham gia điều khiển giao thông ảnh 1
Thêm lực lượng dân quân, tự vệ điều khiển giao thông, đường phố sẽ đỡ kẹt xe hơn? - Ảnh: Phạm Yên

Thưa ông, việc triển khai lực lượng quân sự tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông ở TP Hồ Chí Minh sẽ như thế nào?

Chúng tôi nhận được Quyết định số 52 ngày 3/3/2008 của UBND TP Hồ Chí Minh gửi cho Công an TP Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cho phép triển khai lực lượng quân sự của TP Hồ Chí Minh tham gia đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Kể từ 6 giờ 00 sáng 27/3/2008, lực lượng này sẽ chính thức được triển khai trên 24 quận huyện. Nghị quyết số 32 ngày 29/6/2007 của Chính phủ (về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông) cũng cho phép triển khai lực lượng này để hướng dẫn, điều hoà, và điều tiết giao thông.

Bộ phận nào trong lực lượng quân sự TP Hồ Chí Minh sẽ tham gia, bao nhiêu người, và họ sẽ được phái tới đâu?

Trên cơ sở Quyết định 52, Văn phòng Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, Phòng CSGT, và Phòng Tham mưu thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự TPHCM, đã có buổi làm việc và cùng thống nhất huy động lực lượng dân quân, tự vệ cấp quận/huyện, phường/xã.

Trên 300 cán bộ chiến sỹ thuộc các lực lượng đó sẽ được bố trí tại 172 chốt nóng nhất về tắc nghẽn giao thông.

Lực lượng này hoạt động như thế nào? Họ có được phép phạt như CSGT vẫn làm đối với người tham gia giao thông vi phạm hay không?

Sự tham gia của họ giống như sự tham gia của lực lượng thanh niên xung phong và trật tự viên. Trang phục cho họ là đồng phục của lực lượng đó trong quân đội.

Họ không có quyền xử phạt vi phạm hành chính các sai phạm trong tham gia giao thông của người và phương tiện đi trên đường. Họ đơn thuần chỉ tham gia hướng dẫn, xử lý các xung đột giao thông, mở luồng giao thông, và đảm bảo cho giao thông thông thoáng.

Trong tuần này, CSGT tiến hành huấn luyện cho lực lượng quân sự này các thao tác và kỹ năng cơ bản trong việc điều hành giao thông.

Cảm ơn ông.

Từ ý tưởng của một cựu quân nhân

Giải pháp cấp bách trước mắt là có thể huy động quân sự tham gia khắc phục nạn ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ý tưởng của một cựu quân nhân thoạt nghe hầu như ai cũng bảo điên rồ nhưng lại được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, đô thị lớn nhất Việt Nam, quan tâm và đưa vào triển khai bắt đầu từ ngày 27/3.

Tác giả đề xuất ý tưởng là ông Mai Trọng Tuấn, một cựu phi công quân đội và hiện là giám đốc Cty Cổ phần Lá Xanh, có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh, chuyên doanh khí oxy cho người thở. Phóng viên Tiền phong trao đổi với ông Tuấn xung quanh ý tưởng này.

Thưa ông, vì sao ông nảy ra ý tưởng này?

Dù ngay bây giờ có sẵn phương án, kế hoạch hoàn chỉnh, khoa học với tiền, của dư thừa, thiết bị phương tiện hiện đại, vẫn phải có thời gian. Không thể ngày một, ngày hai làm xong được. Không thể tính ngày, tính tháng, mà phải tính năm. Trong khi đó ùn tắc giao thông đang diễn ra hàng ngày và ngày càng trầm trọng hơn.

Lâu nay khi tắc đường, kẹt xe bùng nổ, lực lượng đứng ra giải quyết chỉ là mấy trăm cảnh sát giao thông. Thêm một số thanh niên tình nguyện hoặc cờ đỏ cầm cờ. Nhiều lúc cảnh sát giao thông phải bó tay. Lượng quân sự đóng ngay trên địa bàn hai thành phố mà lại đứng ngoài cuộc, chẳng khác nào khăn vắt vai mà cứ loay hoay đi tìm giẻ lau mặt.

Đây là lực lượng hùng hậu, có cơ quan tham mưu, có tổ chức chỉ huy chặt chẽ, có các phương tiện, thiết bị hiện đại như công binh, thông tin liên lạc có các trang bị cơ động dã chiến, có thể làm đường tạm, đường tránh, tăng cường, hoặc đảm trách thay cảnh sát giao thông ở một số điểm nóng, v,v…, ngăn chặn từ xa ở những giao điểm sẽ bị dồn xe và tắc đường. Những xử lý này chỉ là chuyện nhỏ so với khả năng và trình độ của quân đội.

Không chỉ ở nước ta, ở nhiều quốc gia khi có nạn, có họa đều phải điều động quân đội tới. Gần đây nhất, vụ sập cầu dẫn Cần Thơ, những vùng gặp bão lũ, quân đội là lực lượng đầu tiên, lực lượng chủ lực, cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả, giúp đỡ đồng bào rất có hiệu quả suốt mấy tháng qua.

Nhưng đấy là lực lượng sẵn sàng chiến đấu chứ đâu phải để chống ùn tắc?

Trong thời điểm tắc nghẽn giao thông, kẹt xe, liệu có yêu cầu tác chiến nào, lực lượng sẵn sàng cho chiến đấu có thể triển khai, có thể tiến hành, cứu nguy được không?

Sự tham gia cuộc chiến này không những không làm giảm sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của quân đội mà, ngược lại, có thể xác định là một nội dung huấn luyện, một nội dung diễn tập thường xuyên, là cơ hội thử thách bản lĩnh chỉ huy, bản lĩnh hợp đồng, cơ động linh hoạt, khoa học và chính xác của các đơn vị và của cán bộ, chiến sĩ. 

Cuộc chiến hợp đồng này là giải pháp cấp bách trước mắt. Dẹp nạn đến đâu, ổn định được điểm nào, khu vực nào, thời điểm nào thì rút quân dần đến đó.

Cảm ơn ông.

Quốc Dũng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.