Dân sẽ được quyền bãi miễn Chủ tịch xã

Dân sẽ được quyền bãi miễn Chủ tịch xã
TP- Bên lề Quốc hội sáng qua, 20/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã trao đổi với báo chí về Đề án không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch xã.

Đề án có đề xuất tăng thẩm quyền cho Chủ tịch UBND xã do dân bầu như quyền giới thiệu nhân sự cấp phó, kỷ luật cán bộ dưới quyền.

Thưa Bộ trưởng, nội dung tăng thẩm quyền cho Chủ tịch xã do dân bầu dường như chưa nhận được sự đồng tình, có ý kiến là nên giữ  như cũ?

Đề án thí điểm cho dân bầu Chủ tịch xã đang là dự thảo nên khi trình ra sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng mục tiêu là làm thế nào trong cơ chế hoạt động phải theo nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa phát huy vai trò và ý kiến tập thể nhưng phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Vì thế người đứng đầu phải được trao cho một quyền hạn nhất định và một vị trí với tiếng nói xứng đáng để đề xuất ý kiến, giới thiệu “anh” cấp phó ra cho tập thể tham khảo, quyết định.

Đây là một quy trình cần thiết, không có nghĩa anh ta sẽ quyết định luôn nhân sự. Trong văn bản pháp luật chung có thể sẽ không nêu, nhưng khi hướng dẫn tổ chức thực hiện thì chúng tôi vẫn nêu quy định này để khẳng định trách nhiệm và quyền hạn người đứng đầu.

Đề án này có được coi là một khâu đột phá trong công tác cán bộ và cải cách hành chính?

Theo tôi, việc làm này thể hiện chủ trương của Đảng là làm rõ vai trò người đứng đầu và làm rõ vai trò cán bộ trong thực thi trách nhiệm.

Đây cũng nằm trong nguyên tắc chung là mỗi cơ quan khi xảy ra vi phạm thì đều phải có trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng tôi cho là sẽ phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu và của tập thể đến đâu.

Bên cạnh quyền trực tiếp bầu Chủ tịch xã, người dân có được trao quyền bãi nhiệm  chủ tịch đó khi không làm tròn nhiệm vụ?

Đề án quy định chi tiết Chủ tịch xã do dân bầu sẽ bị chính nhân dân bãi nhiệm, trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được cử tri tín nhiệm. Trong trường hợp vi phạm pháp luật đã có quyết định của cấp trên thì việc bãi nhiệm sẽ thông qua HĐND.

Để giám sát quyền lực của Chủ tịch xã, có nên quy định lấy phiếu tín nhiệm định kỳ với chức danh này không?

Điều này rất khó, nếu như không muốn nói là không làm được vì có khả năng gây mất ổn định ở xã.  Do đó, chỉ nên áp dụng hai hình thức. Thứ nhất là do bản thân Chủ tịch xã tự cảm thấy điều kiện hoàn cảnh không đủ thì xin miễn nhiệm.

Thứ hai là do Chủ tịch xã có thể gặp khuyết điểm, bị buộc phải bãi nhiệm thì sẽ làm theo quy trình, để vừa phát huy vai trò dân chủ của người dân nhưng cũng đồng thời bảo vệ Chủ tịch.

Trong việc bầu trưởng thôn đã nảy sinh nhiều cái vướng, có địa phương hàng năm trời để trống ghế trưởng thôn. Vậy chúng ta có tính đến khó khăn phát sinh khi bầu Chủ tịch xã?

Ban soạn thảo cũng đã tính kỹ quy trình, sẽ có hướng dẫn chi tiết để phát huy quyền làm chủ của dân nhưng cũng phải chọn được người xứng đáng để đại diện cho dân. Mục đích của việc tiến hành bầu trưởng thôn và bầu Chủ tịch xã là nhằm để chọn người đại diện.

Cách làm mới này xuất phát từ tổng kết kinh nghiệm của chính chúng ta trong việc bầu trưởng thôn lâu nay, từ việc đưa quy chế dân chủ về với cơ sở được nhân dân đồng tình và nhiều việc khác đã được dân thống nhất cao. Làm như vậy, sẽ góp phần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết ở nông thôn, mọi việc cũng dễ thống nhất hơn, công việc sẽ chạy hơn.

Ng.Tuấn
ghi

MỚI - NÓNG