Thủy điện bao vây, dân bức bí - Bài cuối:

Dân tái định cư đói dài vì không có ruộng

Đám ruộng ngổn ngang sỏi đá, dân tái định cư không thể cấy lúa. Ảnh: Nguyễn Cảnh Huệ.
Đám ruộng ngổn ngang sỏi đá, dân tái định cư không thể cấy lúa. Ảnh: Nguyễn Cảnh Huệ.
TP - Sự xuất hiện ồ ạt các công trình thủy điện tại huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của hàng ngàn hộ dân. Không có ruộng để trồng lúa, cái đói cận kề, đe dọa người dân vùng tái định cư.

Ngoài các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, miền rẻo cao Quế Phong là nơi có nhiều dự án nhà máy thủy điện nhất tỉnh Nghệ An: 11 dự án. Tổng số diện tích đất quy hoạch cho các dự án thủy điện 18.810 ha. Hơn 1.394 hộ dân khăn gói di dời tới nơi khác, ‘‘nhường’’ cố hương cho thủy điện. Nơi ở mới, khác phong tục tập quán, thiếu ruộng để cấy lúa, gieo màu, cái đói cận kề.

Cuộc sống đảo lộn

Trưởng bản Piêng Cu 2 Hà Văn Phước (trú tại xã Tiền Phong) ngậm ngùi: “Chúng tôi chuyển ra vùng tái định cư từ tháng 9/2011. Lúc còn ở trong bản Na Quèn, xã Đồng Văn thì ruộng nhiều nên không sợ đói, giờ ra đây không có ruộng để trồng lúa nữa. Trước đó, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hủa Na có hứa ra nơi ở mới sẽ tốt lành hơn, nay chỉ thấy đói thêm thôi.

Đất sản xuất cấp cho người dân trồng trọt thì chưa phân lô, cắm mốc nên thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa người tái định cư với dân sở tại”. Nỗi lo của ông Phước là nỗi lo chung của 64 hộ dân, 248 nhân khẩu bản Piêng Cu 2. Một số hộ dân đã nghèo giờ lại càng thêm túng quẫn hơn. Gia đình anh Hà Văn Đức có 5 khẩu. Mấy năm trước được cấp gạo nhưng đến tháng 3/2016 chủ đầu tư đã cắt không cấp nữa. Ruộng chưa có mà gạo đã cắt, đói triền miên.

 “Thường ngày, tôi đi làm thuê còn vợ đi hái măng, chống đỡ qua cái đói. Hết mùa măng không biết làm nghề chi. Ba đứa con tuổi ăn học, rồi cũng phải nghỉ học sớm chứ bố mẹ không nuôi nổi”.

Không có đất làm ruộng, UBND huyện Quế Phong gần đây thỉnh thị ý kiến của Sở Tài chính Nghệ An, đề nghị thay vì giao đất, chi trả tiền mặt cho dân. Đề xuất này lập tức bị Sở Tài Chính Nghệ An bác bỏ, yêu cầu UBND huyện Quế Phong phối hợp với Sở NN&PTNT có phương án chuyển đổi sản xuất lúa nước sang hình thức sản xuất khác phù hợp hơn, nhằm giúp dân đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài. Không có ruộng cấy lúa, chăn nuôi gặp khó khăn khi chuyển đến nơi ở mới khiến cuộc sống của hàng ngàn người dân tái định cư bị đảo lộn.

Dân ở những vùng tái định cư khác thuộc xã Thông Thụ cũng chịu chung tình trạng trên. Hà Văn Hoàng (SN 1975, trú tại bản Huồi Sai, xã Thông Thụ) kể: “Tôi chuyển ra đây được 4 năm nhưng chưa có ruộng. Nhà có 5 người, không có ruộng nên đói dài”. Xã Thông Thụ có 6 điểm tái định cư Pù Sai Cáng, Huồi Lướm, Na Lướm, Na Hứm, Huồi Sai, Huồi Đừa thuộc 9 bản.

 Bà Lương Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Thông Thụ cho biết: “Chưa cấp được ruộng cho dân, họ phải tự phục hóa ruộng đã thu hồi để sản xuất tạm thời. Địa hình khu tái định cư chủ yếu là đồi núi cao, nguồn dẫn  nước không có nên quỹ đất khai hoang ruộng nước rất khó khăn. Tình trạng này thì xã đã có kiến nghị lên huyện, huyện trình lên cấp trên nhưng được trả lời về là chưa có vốn. Hiện 516 hộ, 2.106 khẩu cuộc sống bấp bênh”.

Chính quyền nói gì?

“Chúng tôi không còn đất sản xuất vì với đất rừng phòng hộ, đụng đến là đi tù. Dưới nhà thì biển nước mênh mông. Sống như treo trên cành cây, muốn có thêm lúa, ngô cho con khỏi đói phải chèo thuyền vào sâu lòng hồ để vớt vát chút đất còn lại tại nơi ở cũ để mưu sinh kiếm sống. Thủy điện chặn hết đường sống của dân rồi”, anh Moong Văn Vinh, trú tại bản Cà Moong, xã Lượng Minh (Tương Dương) nói. Dọc tuyến sông Lam, đoạn thượng nguồn bắt đầu từ các con suối bị chặn bởi chi chít thủy điện lớn nhỏ. Dòng sông mùa mưa lũ mà gần như trơ đáy.

“Thủy điện mọc như nấm sau mưa, địa phương không được hưởng bất cứ thứ gì mà còn kéo theo nhiều thảm họa từ nó”, Chánh văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn Phan Sỹ Thắng nói. 

“Thủy điện Khe Bố đã làm cho cuộc sống của trên 4.000 dân tại 4 bản của xã này đảo lộn. Trước khi dự án xây dựng nhà đầu tư hứa hẹn đủ đường, khi vào hoạt động họ bỏ mặc dân khổ”. 

Ông Vi Văn Thắng

Người phát ngôn của huyện rẻo cao này bày tỏ: “Trước sau như một, chúng tôi không hề muốn ủng hộ bất cứ một dự án thủy điện nào mọc lên để chặn hết các con suối trên địa bàn và thu hầu hết mặt bằng diện tích đất sản xuất của dân để đổi lại cái lợi cho một nhóm người. Cả dân và chúng tôi không hề được hưởng chút lợi lộc từ thủy điện mà còn kéo theo muôn vàn thảm họa phải gồng mình chống chọi. Xin đừng dựng thêm dự án thủy điện nơi rừng núi cùng cốc này, xin đừng lấy thêm mét đất nào của dân, đẩy họ vào cảnh bế tắc như hiện nay”.

Tại khu vực dự án thủy điện Chi Khê thuộc xã Cam Lâm (Con Cuông – Nghệ An). “Dự án này đang xây dựng nhưng đã phải qua 3 lần thành lập hội đồng đánh giá tác động. Dự báo tác động sai dẫn tới việc thủy điện mới cho tích nước để thử vận hành đã kéo theo hàng loạt hệ lụy như chết người, ngập nhà, ngập đất từ việc nước dâng”, Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao nói.

Chủ tịch UBND xã Tam Đình (huyện Tương Dương) Vi Văn Thắng cho hay: “Thủy điện Khe Bố đã làm cho cuộc sống của trên 4.000 dân tại 4 bản của xã này đảo lộn. Trước khi dự án xây dựng nhà đầu tư hứa hẹn đủ đường, khi vào hoạt động họ bỏ mặc dân khổ”. Theo ông Thắng, từ năm 2012 đến nay, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân nơi đây khó khăn đủ thứ, đường vừa làm đã bị sạt lở, xuống cấp; các công trình công cộng dở dang.Chủ tịch xã Tam Đình nói: “Kêu hoài không thấu”.

MỚI - NÓNG