Dân thiếu ăn vì thủy điện sông Ba Hạ

Dân thiếu ăn vì thủy điện sông Ba Hạ
TP - Đã hơn 7 năm sau khi dự án thủy điện sông Ba Hạ đưa vào sử dụng, hàng trăm nhà dân quanh khu vực lòng hồ thủy điện vẫn sống thấp thỏm. Họ không có đất sản xuất, trong khi nước lòng hồ rập rình chia cắt đường đi lối lại…

Lúa khô cháy vì thủy điện tích nước
> Kiểm điểm việc xả lũ của các hồ thủy điện

Lo sợ nước lòng hồ

Thôn Xây Dựng, xã Suối Trai (huyện Sơn Hoà – Phú Yên) có gần 100 nóc nhà nằm nhếch nhác, lô nhô trên một bãi đá, sỏi được gọi là khu tái định cư (TĐC) tại chỗ. Cờ Bá Ymi, 50 tuổi, người dân trong thôn, cho biết: “Chúng tôi ở đây bao đời nay nhà nhà đều đủ ăn, nay trở nên thiếu ăn hàng ngày. Không có đất sản xuất, cả ngày ngồi không”.

Khu TĐC cư thôn Xây Dựng nghèo nàn nằm trước mặt trụ sở ủy ban xã Suối Trai, cả 3 phía đều bị bao vây bởi lòng hồ thủy điện. Để đề phòng nguồn nước trong hồ dâng lên đột ngột, phía thủy điện cho đổ một dãy cột bê tông vòng cung rồi quấn lưới che chắn tránh để trẻ em tiếp xúc với mặt nước. Sang thôn Hoàn Thành bên cạnh cũng cảnh tương tự. Hàng chục nóc nhà ở đây cũng nằm trong sát lòng hồ thủy điện. “Nếu nước từ lòng hồ thủy điện dâng lên mà không xả kịp thì nguy cơ cả làng sẽ chìm trong biển nước” - Ma Thoại, trưởng thôn cho hay.

Con đường liên thông các thôn Hoàn Thành, Đoàn Kết cũng như đường ra ruộng dù đang mùa khô nhưng đã bị nước lòng hồ ngập sâu chia cắt từ mấy năm nay. Muốn đi lại, họp hành, làm rẫy cả hai mùa nắng mưa người dân phải men theo sườn núi đi vòng.

Nhắm mắt phá rừng

“Xã Suối Trai có 4 thôn với 410 hộ dân (gần 2.000 khẩu) thì có đến hai phần ba số hộ mất trắng đất sản xuất, một phần ba hộ dân thiếu ăn phải cứu đói thường xuyên. Đến nay thủy điện đã hoạt động được hơn 7 năm mà dân vẫn chưa có đất sản xuất. Trong xã từng có một số người phải vào tù vì tội phá rừng lấy đất để trồng mỳ (sắn)” – Phó chủ tịch HĐND xã, ông Ma Xưa nói.

Những ngày này, cán bộ xã đã phải vào rừng từ sớm để dẹp nạn phá rừng trồng mỳ của bà con. Ma Xưa kể: “Nghe nói nhường đất cho thủy điện cuộc sống bà con sẽ đầy đủ hơn khi có dự án thủy điện quốc gia về làng. Chúng tôi nhường hết. Khi dự án chưa thi công phía thủy điện hứa đủ điều: nào là xây kè tránh lũ, làm đường giao thông, sửa các công trình điện, đường, trường trạm… nhưng khi dự án hoàn thành các ông phủi tay đi hết, để lại cho chúng tôi một bãi ngổn ngang thế này”.

Hiện vẫn còn 16 hộ dân thôn Hoàn Thành đang phải sống treo hơn 7 năm nay vì chưa hoàn thành chuyện đền bù nhà đất.

Tại xã Krông Pa và hàng trăm hộ dân thuộc Buôn Chao (huyện Sông Hinh), nhiều hạng mục chính của nhà máy thủy điện đã ngốn hết đất đai, nhà cửa của dân nhưng nhà đầu tư không hoàn thổ mặt bằng. Chủ tịch UBND xã Krông Pa, ông Đỗ Trọng, nói: Do công tác tái định canh làm quá chậm, khiến một số bộ phận dân không có đất sản xuất dẫn đến phá rừng trái phép. Điều này chưa từng xảy ra trước đó, làm ảnh hưởng an ninh trật tự và dẫn đến những hành vi tiêu cực trong một bộ phận người dân.

Nước lòng hồ ngập đường đi lại của dân Ảnh: Việt Hương
Nước lòng hồ ngập đường đi lại của dân Ảnh: Việt Hương .

Gần 1 tháng trước, tại khu rừng thuộc tiểu khu 220, thôn Đoàn Kết,

xã Suối Trai, gần 3 hecta rừng đặc dụng bị kẻ xấu tàn phá giữa thanh thiên bạch nhật. Người dân trong thôn phát hiện nhưng làm ngơ không trình báo chính quyền chỉ vì… để lấy đất sản xuất !

Ma Hoan, Phó bí thư đảng ủy xã Suối Trai, bức xúc: “Trước khi có thủy điện chưa bao giờ dân đụng đến đất rừng. Việc lấy trắng đất sản xuất của dân mà không hoàn thổ khiến nhà nhà thiếu ăn. Hứa bao nhiêu lần trước tết, sau tết, trước bầu cử rồi lại sau bầu cử và đến nay vẫn chưa giải quyết. Làm cho địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, mất niềm tin với quần chúng nhân dân…”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG