Dân tố nhà máy chế biến bột cá gây mùi hôi

Dân tố nhà máy chế biến bột cá gây mùi hôi
TP - Thời gian qua, nhà máy chế biến bột cá Quảng Ngãi (gọi tắt nhà máy) đóng tại Phân khu công nghiệp Sài Gòn – Dung Quất vừa đi vào hoạt động đã gây ra mùi, khiến người dân phản ứng, ngăn cản. Lãnh đạo nhà máy khẳng định đã khắc phục, tuy nhiên người dân chưa đồng thuận.
Dân tố nhà máy chế biến bột cá gây mùi hôi ảnh 1

Người dân đổ đất, đá đổ chặn trước cổng nhà máy để phản đối. Ảnh chụp sáng ngày 2/10.

Nhà máy nói thơm, dân bảo hôi

Nhà máy chế biến bột cá Quảng Ngãi, được khởi công từ tháng 1/2017, hoàn thành và hoạt động thử nghiệm từ tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, từ ngày 24/7 đến khi chạy thử nghiệm thì phát sinh mùi, người dân xung quanh nhà máy kéo ra phản ứng, cản trở không cho xe cộ ra vào.

Theo phản ánh của người dân sống gần nhà máy, từ khi nhà máy đi vào hoạt động đã thải ra mùi hôi khó chịu. Lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, bà con đã nhiều lần kéo ra nhà máy phản đối. Ông Đỗ Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, cho biết: Ban đầu nhà máy hoạt động mùi nồng nặc, dân phản ánh bức xúc là đúng. Sau khi nhà máy khắc phục, mùi đã giảm, không còn khó chịu như trước. Lãnh đạo nhà máy cùng cơ quan chức năng địa đã tổ chức đối thoại với người dân, tuy nhiên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận. Chính quyền địa phương nỗ lực vận động người dân không quá khích, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự cũng như môi trường thu hút đầu tư của địa phương.

Ông Đỗ Quang Trưởng, Giám đốc nhà máy cho biết nhà máy đã tiến hành khắc phục các lỗi trong hệ thống. Sau khi khắc phục, mùi hôi đã giảm. “Hiện nay, mùi còn lại là mùi thơm của cá đã qua nung nướng. Tuy nhiên bà con vẫn phản đối và ngăn cản. Thậm chí còn cho xe đổ đất đá ngay cổng nhà máy khiến nhà máy không hoạt động được”, ông Trưởng nói

Trao đổi với phóng viên, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư huyện Bình Sơn cho biết: Huyện ủy nhận được đơn kêu cứu của doanh nghiệp và cả đơn phản ánh của người dân. Nhu cầu chính đáng của dân là sống trong không khí trong lành, không ô nhiễm. Nhà máy đã làm việc và hứa với bà con sẽ khắc phục. Sau đó lãnh đạo nhà máy khẳng định đã xử lý triệt để, nhưng bà con cho rằng tuy có khắc phục nhưng cũng vẫn còn mùi. Huyện ủy làm việc và yêu cầu nhà máy nếu thực sự còn mùi thì phải tiếp tục xử lý nữa và xin bà con cho thêm thời gian. Bản thân nhà máy không đồng ý thì phải nhờ cơ quan chức năng kiểm tra, thông báo kết quả của vấn đề ô nhiễm. Việc xác định ô nhiễm hay không phải có máy móc chuyên dụng và có cơ quan chức năng đánh giá. Nếu cơ quan chức năng kết luận có ô nhiễm thì nhà máy buộc phải tiếp tục xử lý triệt để.

“Lãnh đạo tỉnh phải có trách nhiệm công bố việc này. Sau khi công bố, quả thực nếu nhà máy đã khắc phục ổn định nhưng bà con không đồng ý tôi sẽ xuống vận động bà con” bà Thư cho biết. Cũng theo bà Thư việc thực hiện quan trắc nhà máy, công ty phải có kế hoạch gửi địa phương và cơ quan chức năng. Phải báo cáo cụ thể thời gian hoạt động  thì chính quyền mới có phương án bảo vệ để nhà máy hoạt động ổn định để lấy kết quả quan trắc.

Có hay không chuyện đòi bảo kê?

Trong đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng,  ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc Cty CP đầu tư xây dựng Hoàng Triều (chủ đầu tư nhà máy), phản ánh trong các vụ việc ngăn cản hoạt động của nhà máy có đối tượng Lê Văn Điện (trú tại khu dân cư Đông An, thôn Trung An, xã Bình Thạnh) đã đột nhập vào nhà máy, gây rối với nhân viên bảo vệ, yêu cầu dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy với lý do phát tán mùi. Ông Điện sau đó đã yêu cầu nhà máy đưa 120 triệu đồng tiền nước sinh hoạt cho gia đình ông với 14 khẩu (tương đương 8 triệu/khẩu). Toàn bộ các cuộc nói chuyện, trao đổi có liên quan đến việc này, lãnh đạo nhà máy ghi âm và cung cấp cho cơ quan chức năng địa phương.

Liên quan đến việc này, ngày 11/10, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư huyện Bình Sơn cho biết: Công an huyện vừa có báo cáo kết quả xác minh vụ việc.

Theo báo cáo của Công an huyện Bình Sơn, khoảng 16h30 ngày 6/8, ông Điện một mình đến nhà máy gặp ông Trưởng yêu cầu đóng kho nguyên liệu vì trong quá trình sản xuất đã để mùi hôi bay ra, làm ảnh hưởng đến khu dân cư, nếu không đóng cửa sẽ đề nghị bà con ở gần đến ngăn cản, sau đó ông Điện bỏ về. Một ngày sau, ông Điện lại một mình đến nhà máy gặp ông Hải trao đổi về vấn đề ô nhiễm môi trường rồi ra về. Sau đó, ông Hải chủ động liên lạc với ông Điện và hai bên liên lạc với nhau qua điện thoại nhiều lần. Tối 19/8, ông Hải và ông Điện gặp nhau tại nhà ông Điện. Tại đây ông Điện cho rằng: nhà máy hoạt động gây mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước nên yêu cầu ông Hải hỗ trợ tiền mua nước khoáng sạch để uống cho toàn gia đình và người thân của mình sống xung quanh nhà máy (14 khẩu) với 8 triệu đồng/khẩu. Nếu được hỗ trợ ông Điện sẽ viết cam kết không yêu cầu khiếu nại về hoạt động của công ty. Ông Hải có yêu cầu ông Điện có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự cho công ty không để người dân ngăn cản nhưng ông Điện không nhận lời và cho rằng bản thân không đảm nhận được công việc nói trên.

Cũng theo công an huyện Bình Sơn, qua làm việc ông Điện khai nhận do bức xúc mùi hôi do nguyên liệu của nhà máy cá bốc ra nên tìm gặp giám đốc yêu cầu xử lý mùi hôi tránh ảnh hưởng đến các hộ dân sống gần nhà máy chứ không có mục đích khác. Mặt khác ông Hải là người chủ động gặp và đặt vấn đề hỗ trợ nước uống cho gia đình ông Điện nhưng hai bên chưa thống nhất. Lê Văn Điện không có bất cứ hành vi đe dọa nào đến hoạt động của công ty va cũng không có hành vi đòi lấy tiền bảo kê cho công ty.

“Qua xác minh, công an huyện Bình Sơn thấy rằng Lê Văn Điện có hành vi yêu cầu nhà máy chế biến bột cá Quảng Ngãi hỗ trợ tiền nước uống cho 14 khẩu thuộc gia đình Lê Văn Điện với số tiền 8.000.000 đồng/1 khẩu nhưng anh Nguyễn Thanh Hải không thống nhất. Lê Văn Điện không có bất cứ hành vi đe dọa nào, không cam kết đảm bảo an ninh trật tự cho nhà máy chế biến bộ cá Quảng Ngãi nên không có căn cứ xác định Lê Văn Điện có hành vi đòi tiền bảo kê” báo cáo của Công an huyện Bình Sơn nêu rõ.

“Nếu lãnh đạo nhà máy không đồng ý với báo cáo này của công an huyện thì phải mời công an tỉnh thẩm định”, bà Thư cho biết.

Theo tìm hiểu, ông Điện từng có tiền án gây rối trật tự công cộng (năm 2015). Ngoài ra, hai người anh em trai của ông Điện cũng từng có tiền án, sống gần đó. Bà Thư cho rằng: đối tượng chấp hành án xong về sinh hoạt cộng đồng thì địa phương nào cũng có. Nhưng để kết tội người ta thì phải đủ chứng cứ. Quan trọng nhất của công ty là phải đảm bảo môi trường. Khi đảm bảo môi trường thì không ai có thể gây chuyện, không có đối tượng nào đến gây sự, vòi vĩnh hết và cũng không có người dân nào đến phản đối. 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.