Dân tức tưởi vì cán bộ cửa quyền

Dân tức tưởi vì cán bộ cửa quyền
TP - Nghèo khổ, có vuông đất để nuôi lợn, làm ăn và sống, nhưng chỉ vì sự tắc trách của cán bộ cửa quyền, xắt đất, xẻ nhà của họ để giải tỏa, cưỡng chế hay xây các công trình thủy lợi, vì thế họ mất nhà, mất phương tiện sinh sống.
Dân tức tưởi vì cán bộ cửa quyền ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hoa với căn lều dựng tạm bên bờ kênh. Ảnh: Anh Tuấn

Lấy đất “quên” quyền lợi của dân

10 năm trước, một buổi sáng rầm rộ xe cộ cưỡng chế giải tỏa nhà đất của bà Trần Thị Tràng ở khu Lợi Nguyên B, phường An Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ).

Bà khóc lóc, phải nhờ người khiêng con gái thứ hai đang bị bệnh đem xuống xuồng tìm nơi tá túc. Từ đó, 549 m2 đất của bà bỏ hoang. Bà Tràng đòi bồi hoàn, Ban quản lý dự án mở rộng Quốc lộ 91B đẩy qua Trường Kỹ thuật Nghiệp vụ GTVT đường bộ miền Nam và trường này thì đẩy ngược lại.

Trong 10 năm có nhiều cuộc họp, nhiều quyết định đẩy đưa, kể cả bác đơn của bà Tràng. Bà Tràng và con gái thứ hai qua đời, việc khiếu nại giao lại con gái út.

Ngày 5/9/2006 có công văn của UBND quận Ninh Kiều đề xuất cho gia đình bà Tràng trở lại sử dụng 549 m2 đất. Nhưng để thực hiện được điều đó còn phải chờ quyết định của UBND TP Cần Thơ.

25 năm trước, có cuộc đổi 3.000 m2 đất còn giấy trắng mực đen giữa ông Lương Tử Phúc, thường trú số 72/20, khu vực 3 phường Trà Nóc, quận Bình Thủy (giao đất), Quân khu 9 (nhận đất của ông Phúc) và chính quyền địa phương (kiếm 3.000 m2 đất nơi khác đổi cho ông Phúc).

Lấy được đất của ông Phúc rồi thì chính quyền không thực hiện lời hứa. Ông Phúc đem bằng khoán đòi trở lại đất cũ, chính quyền bảo: Đất trong bằng khoán và đám đất thực tế khác nhau(?).

Ông Phúc chứng minh nó là một thì chính quyền lại cho rằng: Đám đất đã bị chế độ cũ truất hữu để xây dựng sân bay Trà Nóc(?). Ông Phúc trích lục hồ sơ địa chính được xác nhận: Đất của ông chưa bị chế độ cũ truất hữu nhưng chính quyền cũng không chịu trả.

Đòi đất không được, ông Phúc đòi tiền bồi hoàn. Quân khu 9 bảo: Đã hỗ trợ 5.000 đồng cho ông dời nhà là xong trách nhiệm, còn việc đổi đất thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Chính quyền lại nói: Tiền dời nhà cũng là tiền… bồi hoàn đất, nay không còn đất khác cho ông thì thôi  và bác đơn của ông.

Đám đất hồi nào được xây dựng “kho thương nghiệp quốc doanh”, nay do Trung tâm Lương thực - Thực phẩm Tây Nam Bộ (Cty Thực phẩm miền Bắc) quản lý và đem cho thuê.

Ông Lương Tử Phúc, con đông, thiếu đất nên cuộc sống nghèo khổ, chen chúc trong căn nhà lá ọp ẹp thiếu thốn đủ bề, chỉ giàu nước mắt mỗi lần nhớ về vụ đổi đất với chính quyền địa phương.

Cán bộ lộng quyền

Dân tức tưởi vì cán bộ cửa quyền ảnh 2
Khu đất của ông Lương Tử Phúc nay là kho của Trung tâm Lương thực - Thực phẩm Tây Nam Bộ. Ảnh: Sáu Nghệ.

Tại ấp Hòa Trinh (xã Ngọc Đông, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) bà Nguyễn Thị Hoa sống yên ổn nhiều năm đất có giấy đỏ, có cơ sở nuôi tôm, nuôi bò, heo.

Tháng 2/2006, ông Trần Minh Dũng và Trần Minh Việt - Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Đông- xin bà cho dỡ 6 mét cống gần nhà bà để xáng cạp vào thi công con kênh phía trong, mọi thiệt hại xã sẽ đền bù.

Nhưng cái xáng xuất hiện thì rộng tới 10 mét, bà tá hỏa ngăn lại liền bị cán bộ xã giữ và cho người dỡ nhà bà để lấy đường cho xáng đi.

Kết quả xáng đi qua: Nhà bà tanh bành, chuồng bò, heo nát bét, vuông tôm sạt lở. Bà kêu cứu từ huyện lên tỉnh nhưng không nơi nào giải quyết. Chúng tôi đến nơi thấy gia đình bà tá túc trong túp lều dựng trên bờ kinh bằng mấy cây cọc, gác tôn rách nhặt từ nhà cũ bị phá.

Bà Hoa khóc sùi sụt: “Mẹ con tui nghèo, chồng chết sớm, được doanh nghiệp Phúc Nguyên làm cho căn nhà tình thương mới yên ổn được mấy năm”.

Tương lai của mẹ con bà Hoa khó khăn hơn hiện tại bởi 4 công ao tôm bỏ hoang trong lúc nợ vay ngân hàng nuôi tôm chưa trả, giấy tờ đất đang cầm cố.

Bà đòi xã giữ lời hứa: Bồi thường nhà cửa, cơ sở chăn nuôi bị tàn phá… Nhưng tiếng kêu của bà mới có chúng tôi nghe. 

MỚI - NÓNG