Dân và doanh nghiệp cùng kêu… trời!

Dân và doanh nghiệp cùng kêu… trời!
Ngày 30/8, Đoàn công tác số 2 của Bộ TN&MT đã làm việc với BQL các khu công nghiệp, BQL Dự án trọng điểm của Hà Nội, các doanh nghiệp và gặp nhân dân xã Tân Triều, Thanh Trì - một điểm “nóng”, có nhiều sai phạm về đất đai.

Ông Phùng Văn Tuần, Giám đốc Cty Hàn Việt phản ánh: “Doanh nghiệp Hàn Việt được nhà nước cho thuê 12.000m2 đất hồ ao. Sau khi san nền, đất xây dựng nhà xưởng khoảng 5000m2, còn lại là đất giao thông, cây xanh, lưu không. Thuế đất hàng năm lên tới hơn 200 triệu đồng, trong đó đất lưu không ngoài hàng rào cũng vẫn phải đóng thuế!”.

“Vậy là bất hợp lý” - ông Trịnh Kiện Đĩnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT&NĐ Hà Nội nói. Ông Đĩnh gợi ý Cty Việt Hàn nên “làm văn bản” đề nghị ngành thuế không thu thuế phần đất lưu không này.

Nhiều DN của Hà Nội trong buổi tiếp xúc với Đoàn công tác số 2 thẳng thắn: “Thiếu đất làm mặt bằng vẫn là bài ca muôn thuở”. Chẳng hạn Cty Dianna và Cty Sơn Hà dù đã làm ăn ổn định nhưng vẫn trong tình trạng thiếu đất để mở rộng nhà xưởng, phải đi thuê thêm đất.

Thế nhưng theo ông Tuần, “nếu để DN tự thoả thuận với dân thuê đất thì khác nào đánh đố doanh nghiệp. Hình như trong vấn đề này Nhà nước vẫn “sợ” DN nước ngoài hơn trong nước”. Thuê đất khó, nhưng xin thêm đất còn khó hơn.

Ông Trần Duy Hà, đại diện Cty Dianna nói: “Ngoài đất được cấp, Cty phải thuê thêm đất nhưng an ninh không tốt. Con nghiện vật vờ bên ngoài, có lần còn đột nhập vào Cty trộm cắp. Hạ tầng kém, rất ảnh hưởng đến sản phẩm “nhạy cảm” của Cty!...”.

Một doanh nghiệp phàn nàn vì phải thuê đất với giá cao hơn trước nhiều lần, không ít giám đốc đã bỏ của chạy lấy người, nhưng doanh nghiệp “ngại” không kêu đó thôi! “Vậy sau khi có Luật đất đai 2003, giá thuê đất tăng mấy lần?” - Trưởng đoàn Phùng Văn Nghệ hỏi. “Tăng 10 lần”- Ông Tuần trả lời.

Vậy mà, nhiều Cty có đất đã đem bán chắc kiếm lời, gây mất lòng tin trong dân. Đây chỉ là “con sâu” nhưng sẽ gây khó khăn cho hơn 40 ngàn DN ở Hà Nội, vì không phải DN nào cũng “xin” được đất.

Nhà ở cho người lao động: Xa vời!

Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN - khu chế xuất Hà Nội, toàn thành phố có 6 KCN tập trung, 18 KCN vừa và nhỏ, thu hút khoảng 25 ngàn lao động (chủ yếu ngoại tỉnh).

Diện tích đất hút vào các khu này lên đến mấy trăm ha, doanh thu hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng chưa có KCN nào đầu tư làm nhà ở cho công nhân thuê!

Thực tế, chỉ có một dự án với diện tích 20ha tại KCN Thăng Long, tuy nhiên dự án này mới ở giai đoạn được thành phố chấp thuận. ông Trần Duy Hà (Cty Dianna) nói: “Vấn đề xây nhà cho người lao động rất bức xúc, nhưng xây ở đâu, đất ai cấp, thành phố lại chưa có chỉ đạo nên không thể làm được”.

Đại diện ban quản lý thừa nhận, công nhân chỉ có thể thuê nhà với giá 100 ngàn đồng/tháng, nên làm nhà cho họ thuê phải coi là nhiệm vụ chính trị hơn là kinh doanh”.

Tại huyện Thanh Trì, Ban quản lý Dự án huyện đã tự ý thu hồi hơn 2000m2 đất, đẩy 76/178 hộ dân sống ổn định 11 năm tại Cụm 3 (đường 70-Tân Triều) vào cảnh màn trời chiếu đất.

Ông Vũ Văn Định, đại diện các hộ dân tố cáo với đoàn công tác: “Chính huyện và xã cấp đất cho dân ở nhưng lại báo cáo với thành phố là dân “nhảy dù”.

Không có dự án và quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn cưỡng chế, đẩy dân ra đường, không đền bù cho dân (chỉ có tiền hỗ trợ di dời)”. Nhiều nội dung chất vấn của dân và Đoàn công tác, ông Chủ tịch UBND xã Tân Triều không trả lời được.

Hôm nay (31/8), Đoàn công tác làm việc với phường Phương Liên, nơi hàng trăm hộ dân rất bức xúc vì nhà tái định cư quá kém. Theo phản ánh của nhiều người dân, UBND phường Phương Liên và quận đã không công khai các phương án đền bù.

Quy trình, thủ tục giải quyết, bốc thăm nhà tái định cư không đúng quy trình (nhà chưa xong, chưa có trường học, trạm y tế…). Chiều 30/8, 177 hộ dân (đợt 1) đã từ chối không ra phường bốc thăm nhà theo giấy mời vì kiến nghị về chất lượng nhà tái định cư của họ chưa được xem xét.

MỚI - NÓNG