Dân vật vã tìm chỗ để xe, Hà Nội lại lờ chủ trương của Chính phủ?

Dưới đường Lý Thường Kiệt, thí điểm cho ô tô của dân đỗ theo hàng lối. ảnh: T.Đảng
Dưới đường Lý Thường Kiệt, thí điểm cho ô tô của dân đỗ theo hàng lối. ảnh: T.Đảng
TP - Hà Nội có hơn 50% tuyến phố có bề rộng một chiều đủ 2 làn xe cơ giới và một làn xe thô sơ, có thể bố trí điểm trông giữ xe theo Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ tháng 9/2013. Nhưng bây giờ Hà Nội mới triển khai và chỉ có 2/500 tuyến phố hiện có tại khu vực nội đô được thực hiện.

Hôm qua, đại diện Sở GTVT Hà Nội nói rằng, sau khi thí điểm trông giữ xe trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt, sẽ nhân rộng ra các tuyến phố khác, dù có nằm trong danh sách 262 tuyến phố cấm để xe.

Cấm để xe 262 tuyến phố không còn phù hợp?

Các chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội có hơn 50% tuyến phố có bề rộng một chiều đủ 2 làn xe cơ giới và một làn xe thô sơ, có thể bố trí điểm trông giữ xe theo Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, 50% các tuyến đường hiện có ở khu vực trung tâm có thể bố trí điểm trông giữ xe. Tuy nhiên, không hiểu sao Nghị định 100 được ban hành từ tháng 9/2013 nhưng bây giờ Hà Nội mới thực hiện. Hơn nữa, mới chỉ có 2/500 tuyến phố hiện có tại khu vực nội đô được thực hiện.

“Trước nhu cầu lớn về giao thông tĩnh và người dân rất vất vả phải tìm chỗ đỗ xe mỗi khi vào các tuyến phố trung tâm, Hà Nội bây giờ mới triển khai chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là quá chậm”, một vị đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.

Dân vật vã tìm chỗ để xe, Hà Nội lại lờ chủ trương của Chính phủ? ảnh 1

Một số điểm đỗ trên phố Lý Thường Kiệt đã cho xe thò ra cả mét so với vạch sơn. Ảnh: Minh Tuấn

Theo vị này, quy định cấm để xe trên 262 tuyến phố được thành phố thực hiện từ đầu năm 2012 đến nay đã tỏ ra không còn hiệu lực, khi trên các tuyến này ô tô, xe máy vẫn dừng, đỗ ngổn ngang. Hơn nữa, Nghị định 100 khiến việc tồn tại quy định cấm để xe trên 262 tuyến phố không còn phù hợp và có nguy cơ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 2/7, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, nói rằng, quy định cấm để xe trên 262 tuyến phố vẫn có hiệu lực và UBND thành phố chưa có chỉ đạo hay quyết định điều chỉnh. Tuy nhiên, về thủ tục pháp lý văn bản nào ra sau thì phải thực hiện theo văn bản đó, hơn nữa Nghị định 100 của Chính phủ nên Hà Nội phải thực hiện.

“Việc trông giữ xe trên hai tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt là thí điểm. Sau một thời gian nhất định, liên ngành sẽ có sơ kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các tuyến phố khác, kể cả các tuyến phố nằm trong danh sách 262 tuyến phố cấm để xe trước đây”, ông Linh nói.

Về việc vỉa hè hai tuyến phố thí điểm trông xe vẫn lộn xộn, ông Linh nói rằng, vỉa hè hiện nay được giao cho quận quản lý. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, quận và Sở GTVT phải có phương án giải quyết. Trước mắt, Sở sẽ cùng với quận tuyên truyền, sau đó sẽ cương quyết xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Đỗ xe dễ hơn

Trên tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt hai ngày qua, việc tìm chỗ đỗ xe khá dễ dàng, thậm chí còn có người hướng dẫn, trông coi. Văn minh trên hai tuyến phố này dần được thiết lập khi ô tô được đỗ theo hàng lối, vạch sơn.

Thông tin với PV Tiền Phong về việc này, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định 100, UBND thành phố Hà Nội đã ra văn bản số 1515 cho phép liên ngành Công an - GTVT tổ chức thí điểm trông giữ xe ô tô tại hai tuyến phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo. Theo đó, từ ngày 1/7, trên hai tuyến phố này, Cty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được phép bố trí mỗi tuyến 6 điểm trông xe dưới lòng đường có thu vé.

Theo ghi nhận của PV trong sáng 2/7, với 30.000 đồng/lượt, hầu hết chủ xe vào các điểm gửi xe trên tuyến phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt đều cảm thấy yên tâm. Nhiều người còn có ý kiến nên mở rộng hình thức này ra nhiều tuyến khác.

Tuy nhiên, trên vỉa hè hai tuyến phố thí điểm, nhiều xe máy, ô tô đỗ lộn xộn, nhất là đoạn qua các cơ quan, trường học, bệnh viện… Ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, nói rằng, theo quy định của thành phố và kế hoạch triển khai thí điểm, Cty chỉ được phép tổ chức trông ô tô dưới lòng đường, còn vỉa hè vẫn do phường, quận quản lý.

Lo ngại đầu voi, đuôi chuột

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Ngọc Long, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), nói rằng, việc sắp xếp đỗ xe dưới lòng đường sẽ làm giảm tình trạng thiếu điểm đỗ xe trên hai tuyến phố, góp phần hạn chế tình trạng đỗ xe trái phép, tùy tiện.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, việc mở thêm các điểm đỗ dưới lòng đường phải đi liền với việc tăng cường quản lý, xử phạt thật nghiêm các trường hợp đỗ xe tùy tiện trên vỉa hè, phải xóa bỏ hoàn toàn các điểm đỗ hàng dọc trước đây.

“Điều tôi lo ngại nhất là tình trạng thu tiền vượt quá quy định. Liệu có cách nào kiểm soát việc này không? Tổ chức trông xe dưới lòng đường phải đi liền với các biện pháp quản lý để tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột”, ông Long kiến nghị.

Minh Tuấn

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.