Dân “vây” Bộ trưởng

Dân “vây” Bộ trưởng
Sáng 29/8, hàng trăm hộ dân quận Long Biên và một số hộ dân ở huyện Sóc Sơn, Gia Lâm (Hà Nội) đã đến trụ sở phường Ngọc Lâm “vây” Bộ trưởng Mái Ái Trực và Đoàn công tác số 2 về Kiểm tra thi hành luật Đất đai để đưa đơn kiến nghị.

Còn các DN kinh doanh bất động sản ở TPHCM thì lo “sập tiệm” khi làm việc với Đoàn công tác do Thứ  trưởng Đặng Hùng Võ dẫn đầu.

Thu hồi đất của dân để cấp đất “ngoại giao”!

Đại diện nhân dân Tổ 12-Phường Long Biên, ông Lương Văn Năm phản ánh: Phường tự ý bán hơn 6000 m2 đất, “cố tình”cấp sai cho hơn 200 hộ dân  vào đất phần trăm. Kỳ cục hơn, cán bộ phường còn cấp đất cho cả người đã chết từ cách đó vài năm!18 hộ dân có ki ốt tại chợ Gia Lâm cũng đồng loạt gửi đơn cho Bộ trưởng Trực.

Ông Đào Đức Vinh, đại diện cho 18 hộ dân hỏi Bộ trưởng Trực: “Chúng tôi đã tự bỏ tiền ra xây ki ốt, hợp đồng sử dụng lâu dài, bỗng  quận đơn phương huỷ hợp đồng. Đã thế, người nhà cán bộ xây nhà 4 tầng trong chợ được thuê 20 năm, dân chỉ được ký 5 năm với giá quá cao, tới 30 triệu đồng/m2 là đúng hay sai!?”.

Ông Nguyễn Gia Được (Tổ 11, phường Gia Thuỵ) nói: “Dân đã ở ổn định, có đường bê tông, có điện vậy mà quận  vẫn thu hồi, chỉ đền 150 ngàn đồng/m2. Ngay sau đó, chủ dự án rao bán giá trên 10 triệu đồng/m2; dân kiến nghị, Thanh tra Chính phủ đã kết luận nhưng quận không thực hiện”.

Bức xúc hơn, 20 hộ dân Tổ 22, phường Long Biên tố cáo, dân không được công khai dự  án, bị áp giá đất nông nghiệp, giá đất đền bù do cán bộ phường tự ký quyết định. Ông Nguyễn Trung Trình (Phường Long Biên) tố cáo: Cán bộ phường đã bán, cho thuê trái nguyên tắc hơn 5000m2 đất, cho thuê cả hồ điều hoà Lâm Du. Dân xin đất dãn dân không được nhưng phường và quận lại cấp đất cho 17 hộ dân ngoài phường để “ngoại giao”!.

Bộ trưởng Trực quay sang hỏi ông Vũ Đức Bảo - Chủ tịch quận Long Biên, ông Bảo nói “đã dừng không cấp nữã”. Thế nhưng người dân hỏi lại: “Không cấp sao vẫn cho san nền,  có danh sách nộp tiền?”  thì ông Chủ tịch quận không trả lời được.

Thu tiền “tự nguyện”để làm sổ đỏ là sai

Một điểm nóng về đất đai của  phường Ngọc Lâm là 500 hộ lấn chiếm khu vực hồ Tai Châu, chưa cấp sổ đỏ, chưa giải toả được. Bộ trưởng Mai ái Trực hỏi ngay: “Vậy người dân đến ở trước hay sau quy hoạch?”. Ông Vũ Đức Bảo- Chủ tịch quận trả lời: “Dân đến trước quy hoạch”.  Bộ Trưởng hỏi tiếp: “Vậy khi xây kè bảo vệ hồ, phải giải toả thì có đền bù cho dân không?”. Ông Bảo trả lời: “Quận đang lập dự án để có phương án cụ thể”.

Còn việc Chủ tịch Phường Ngọc Lâm Lưu Đắc Dũng tự ý cho thu tiền trái quy định gọi là đóng góp “tự nguyện” khi làm “sổ đỏ” (báo Tiền Phong đã có bài về vụ việc này), lãnh đạo quận nói làm như vậy để hợp thức cho dân. Phường cũng đã trả lại tiền rồi. Ông Phùng Văn Nghệ-Trưởng Đoàn chất vấn: “Phường cho 7 hộ dân này làm sổ đỏ, bị báo chí phát giác mới thôi không làm cho dân nữa, vậy tính pháp lý của hồ sơ ở đâu? Phải chăng hồ sơ không đủ điều kiện nhưng phường vẫn thu tiền (trái quy định) để làm?”.

Lãnh đạo quận và phường không trả lời được. Bộ trưởng Trực kết luận: “Báo cáo của phường nói rõ đất của 7 hộ dân là đất hợp pháp, nhưng dân lại phải nộp tiền mới cho làm “sổ đỏ”, thế là có vấn đề rồi”. Theo Bộ trưởng Mai ái Trực, nếu người dân ở trước, rồi mới có quy hoạch thì vẫn  hợp pháp. Cấp “sổ đỏ” hay không vẫn phải đền bù như nhau.

Chỉ trong buổi sáng 29/8, Bộ trưởng Mai ái Trực đã nhận được 70 lá đơn “nóng” cùng 45 ý kiến chất vấn của dân.

TP Hồ Chí Minh: DN kinh doanh BĐS lo “sập tiệm”!

Đó là tâm trạng của hầu hết các thành viên Hiệp hội bất động sản TPHCM (HHBĐS)  khi làm việc với Đoàn kiểm tra do ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ TN và MT dẫn đầu.  Theo ông Huỳnh Trương Phất, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần Kiến á, đối với các DN kinh doanh, LĐĐ quy định khối lượng đền bù, giải tỏa phải đạt từ 80% trở lên mới được xem xét giao đất.

Riêng tại TPHCM vừa qua còn yêu cầu DN phải hoàn thành công tác đền bù giải tỏa và xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Quy định như vậy, chẳng khác nào đẩy DN vào chỗ “chết” bởi với quy mô vốn kinh doanh hiện nay, hầu hết các DN đều “đuối sức” khi đền bù giải tỏa xong nên không thể nộp ngay một lần khoản tiền chuyển mục đích sử dụng đất có mức cao gấp gần 10 lần so với quy định cũ để được cấp sổ đỏ.

Với một dự án quy mô từ 8 –10ha, sau khi bỏ hàng trăm tỷ đền bù giải tỏa, DN lấy đâu ra khoảng 200 tỷ đồng nữa để chuyển mục đích sử dụng đất trong khi DN không thể trông đợi sự hỗ trợ tín dụng từ các NH thương mại. Vì theo quy chế tín dụng, DN không được cho vay nếu khu đất được giao chưa được cấp sổ đỏ. Vì vậy, Nhà nước nên cho phép các DN chuyển nhượng dự án, bán một số nền khi chưa xây nhà để giải quyết những bức xúc về vốn. Đương nhiên, điều kiện chuyển nhượng là các đối tượng phải cam kết thực hiện đúng quy hoạch đã duyệt.

Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký HHBĐS, tiết lộ: Cách đây không lâu, một số tập đoàn kinh doanh địa ốc của Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến thông tin “Chính phủ sẽ cho tháo dỡ và xây mới hàng loạt chung cư hư, cũ xây dựng từ những năm 1960 ở Hà Nội” và đã liên lạc với HHBĐS để xác nhận.

“Mới đây, tổng Lãnh sự Singapore tại TPHCM đã làm việc với HHBĐS để tìm cơ hội hợp tác giữa DN hai nước trong lĩnh vực đầu tư vào thị trường bất động sản.” –Bà Loan cho biết. Đây là cơ hội rất lớn cho sự phát triển thị trường bất động sản nhưng đồng thời cũng đặt ra rất nhiều thử thách về yếu tố cạnh tranh trên sân nhà đối với DN trong nước. Bởi lẽ các tập đoàn kinh tế nước ngoài có tiềm lực kinh tế rất hùng mạnh và có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.