Kon Tum:

Dân xã Kon Đào 'chết mòn' trong ô nhiễm

TPO - Người dân xã Kon Đào, huyện Đăk Tô tỉnh Kon Tum đã nhiều năm quá khổ vì phải sống chung với mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy chế biến mủ cao su của công ty TNHH Hiệp Hưng, dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc.

Đi ngủ cũng đeo khẩu trang

Theo con đường từ trụ sở UBND xã Kon Đào khoảng 500m xuống nhà máy chế biến mủ cao su của công ty Hiệp Hưng, chúng tôi cảm nhận được mùi hôi thối bốc ra từ mủ cao su, càng lại gần mùi hôi càng nồng nặc, khó thở. Vì ô nhiễm môi trường, người dân phải đóng kín cửa nhà để tránh mùi hôi thối. Thậm chí khi đêm về, nhiều gia đình phải đeo cả khẩu trang khi đi ngủ.

Anh Huỳnh Văn Linh, ngụ tại thôn 6, xã Kon Đào cho biết: Chúng tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm này thật quá khổ, phải ngửi mùi hôi thối nồng nặc cả ngày lẫn đêm. Người lớn còn đau đầu huống gì trẻ nhỏ. Chưa nói tới ảnh hưởng tới sự phát triển của tụi nhỏ về sau! Thôn đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nếu tình trạng này không thay đổi, gia đình anh sẽ phải chuyển đi nơi khác sinh sống.

Dân xã Kon Đào 'chết mòn' trong ô nhiễm ảnh 1

Nơi tập kết mủ cao su của Cty Hiệp Hưng

Ông Ngô Ngọc Bình, trưởng thôn 6 xác nhận cả thôn có 168 hộ đều bị ảnh hưởng nặng bởi mùi hôi thối bốc ra từ mủ cao su của công ty Hiệp Hưng. Thậm chí, khi gió tạt mạnh, cả xã Kon Đào đều ngửi thấy mùi. Nông dân đang làm ruộng hít phải mùi này nhiều người bị choáng váng, ói mửa, phải bỏ việc về nhà nghỉ. 

Thời gian gần đây nhiều trẻ nhỏ trong thôn mắc chứng bệnh về hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm xoang. Là người đại diện thôn 6, ông Bình đã nhiều lần kiến nghị lên xã cũng như huyện nhưng câu trả lời vẫn là “chờ giải quyết”, nhưng phải chờ tới khi nào thì không cấp nào nói rõ !

Hiện có hơn trăm tấn mủ cao su được tập kết tại nhà máy, mùi hôi bốc ra tràn về khắp các thôn xã. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải của nhà mày cũng không đảm bảo theo quy định. Theo quan sát của phóng viên, tường rào bê tông của nhà máy có nhiều ống thoát chất thải đường kính 90 mm được che lấp bởi các bụi cây, dẫn nước thải chảy ra vườn cao su bên ngoài nhà máy, rồi theo mương rãnh chảy ra sông Đăk Tờ Kan.

Theo phản ánh của người dân, việc gây ô nhiễm môi trường của công ty Hiệp Hưng đã diễn ra được hơn 5 năm, các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần xuống làm việc, chả hiểu sao vụ việc không được xử lý triệt để.

Chính quyền bất lực, dân khổ !

Ông Phạm Ngọc Cảnh trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum cho biết: sau nhiều lần người dân phản ánh, chúng tôi đã xuống kiểm tra xử lý vi phạm bằng cách phạt tiền. Tuy nhiên, Cty Hiệp Hưng sau đó làm đơn kiến nghị lên UBND tỉnh, cho rằng sai phạm của công ty không đáng bị xử phạt như vậy. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp xử lý vụ việc.

Ngày 27/7/2015, Sở TN&MT có buổi kiểm tra thực tế, lấy mẫu nước thải về phân tích, kết luận: Cty Hiệp Hưng đã không tuân thủ đúng các nguyên tắc về đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngay sau đó, ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường ký văn bản yêu cầu công ty Hiệp Hưng phải tăng cường các biện pháp giảm thiểu mùi hôi như: khu vực tập kết mủ cao su phải xây dựng nhà kho kín, tăng cường phun chế phẩm vi sinh khử mùi, bịt kín lỗ thông tại bể thu gom nước thải.

Ông Cảnh khẳng định tới nay Cty Hiệp Hưng vẫn chưa chấp hành đúng các yêu cầu của Sở. Khu vực tập kết mủ vẫn chưa xây nhà kho kín, Cty chỉ phủ bạt lên các đống mủ tạp. Nước thải hôi thối vẫn tiếp tục chảy ra sông Đăk Tờ Kan .

Dân xã Kon Đào 'chết mòn' trong ô nhiễm ảnh 2 Nước thối chảy ra sông Đăk Tờ Kan 
Ngày 21/10/2015, trong buổi đối thoại với chính quyền địa phương, rất nhiều người dân bức xúc khi cho rằng sức khỏe của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Dân hỏi: Mùi hôi thối ai cũng ngửi thấy, sao các cơ quan chức năng không quyết liệt xử phạt ? Dân còn phải chịu đựng việc sống chung với ô nhiễm nghiêm trọng tới bao giờ ?
MỚI - NÓNG