Đang bị điều tra, Thứ trưởng Thoa không được thôi việc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Như Ý.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Như Ý.
TP - Trả lời báo chí tại Họp báo thường kỳ Chính phủ chiều ngày 3/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, theo quy định của pháp luật, vì đang trong quá trình bị điều tra, xem xét kỷ luật nên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa không được đồng ý cho thôi việc.

Tiền Phong: Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư quyết định kỷ luật cảnh cáo và đề nghị miễn nhiệm các chức vụ trong Đảng đối với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Hiện nay bà Thoa đã nộp đơn xin thôi việc, xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ sẽ xử lý tiếp theo như thế nào, trong đó có vấn đề tài sản của bà Thoa?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Hội nghị lần thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư có đề xuất xem xét việc miễn nhiệm chức vụ hiện nay của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Thứ trưởng Bộ Công Thương thuộc diện quản lý của Ban Bí thư. Nếu Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra T.Ư thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc này. Đối với Chính phủ, Thủ tướng sẽ giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương xem xét quy trình, nếu Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Vấn đề thứ hai, ngày 31/7, Ban cán sự Đảng Chính phủ nhận được báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về đơn xin thôi việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất với Ban cán sự Đảng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Luật công chức, Nghị định 46 năm 2010 khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, xem xét kỷ luật, thì không được chấp nhận cho thôi việc. Còn vấn đề tài sản của bà Thoa, nếu tài sản đó không có vi phạm pháp luật, hình thành tài sản chính đáng, không có tiêu cực thì tất nhiên nhà nước không thực hiện việc thu hồi, nếu tài sản đó được chứng minh là hợp pháp. Hiện nay, chưa đặt vấn đề thu hồi tài sản hay không. Các cơ quan điều tra đang xem xét vấn đề này.

Điều tra việc thất lạc hồ sơ bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh

Pháp luật TP HCM: Được biết, hồ sơ gốc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Nội vụ thất lạc và Bộ Công an đang phối hợp làm rõ. Vậy đến nay, kết quả xác minh thế nào?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa: Vụ Trịnh Xuân Thanh liên quan đến rất nhiều vụ việc trong thời gian vừa qua. Người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan đã có trách nhiệm chỉ đạo tự kiểm điểm, xem xét kỷ luật một số tổ chức, cá nhân. Liên quan đến hồ sơ phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, hiện nay chúng tôi đang báo cáo với cơ quan công an và hiện vẫn đang trong quá trình kiểm điểm, điều tra. Khi có kết quả sẽ thông báo cụ thể. Tuy nhiên, về việc này Bộ Nội vụ có nhận được hai bộ hồ sơ có dấu đỏ gốc từ tỉnh Hậu Giang đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, văn thư Bộ Nội vụ có đóng dấu vào một bản. Hiện nay bản gốc chúng tôi vẫn còn, chỉ có thất lạc bản đóng dấu công văn đến. Vụ việc này chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để kiểm điểm các cá nhân, tổ chức có liên quan, khi có kết quả cụ thể sẽ thông báo.

Các nhà khoa học bị mạo danh thuộc bên tư vấn

Pháp luật TPHCM: Liên quan đến việc nhận chìm 1 triệu  m3 chất nạo vét ở vùng biển tỉnh Bình Thuận, được biết Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Hàn lâm khoa học đã có báo cáo. Quyết định về việc này là gì?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà: Về vấn đề này, hiện người dân vẫn nhầm lẫn vật chất nạo vét là chất thải. Trên thực tế hiện nay về thuật ngữ thì vật chất nạo vét từ biển đều coi đó là tài nguyên và luôn khuyến cáo cố gắng, xem xét tái sử dụng. Về việc cấp phép của Bộ Tài nguyên & Môi trường  có mấy bước là xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2014. Tại thời điểm đó, có những tồn tại do quy định pháp luật. Vấn đề nhận chìm chưa được quan tâm nhiều và lúc đó các giải pháp chưa chặt chẽ như hiện nay. Chúng tôi đã quy định rõ trong giấy phép là thứ nhất, phải đảm bảo khảo sát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng môi trường biển. Trên thực tế chủ đầu tư dự án có những báo cáo khá đầy đủ thông qua các cơ quan có năng lực như Viện tài nguyên môi trường biển (khảo sát vùng 300ha). Tuy nhiên, dư luận, báo chí, người dân, các nhà khoa học quan ngại thì chúng tôi có trách nhiệm phải kiểm chứng lại. Thời điểm đó, giấy phép đã ghi Viện Hải dương học Nha Trang là đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học là cơ quan độc lập đánh giá hiện trạng môi trường và lấy hiện trạng môi trường để đánh giá tác động khi hoạt động nạo vét, nhận chìm xảy ra. Viện Hải dương học Nha Trang đã thực hiện xong khảo sát và đã công bố tại Cổng thông tin điện tử Bộ và Tổng cục Môi trường. Viện đã công bố xác định ở địa điểm nào, thời gian nào và hiện trạng môi trường như thế nào. Chúng tôi cho rằng hiện trạng môi trường thời đó khác với bây giờ và chúng tôi yêu cầu đánh giá lại toàn diện môi trường.

Việc Viện Hải dương học Nha Trang báo cáo không có nghĩa đấy là báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học bởi Chính phủ đã giao cho Viện Hàn lâm khoa học đứng ra độc lập, tập hợp các nhà khoa học các lĩnh vực và đánh giá toàn diện. Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm tiếp cận góc độ khoa học, xem xét từ các mô hình, các vật chất, các yếu tố lý hóa ... Bộ Tài nguyên& Môi trường thấy rằng 22 nhà khoa học trong hội đồng là những nhà khoa học đầu ngành của các lĩnh vực. Xin nói lại là các nhà khoa học thuộc hội đồng khoa học của chúng tôi không một ai bị mạo danh. Các nhà khoa học bị mạo danh thuộc bên tư vấn, thuộc về trách nhiệm pháp lý của nhà đầu tư với tư vấn chứ không thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện nay, chúng tôi đã xác lập hệ thống thông qua Viện Hải dương học Nha Trang để quan trắc các tầng nước, các vị trí, coi như tiến hành thực nghiệm để đánh giá. Như vậy, từ hoạt động đầu tiên chúng tôi có thể đánh giá được tác động đến môi trường. Quan điểm của Chính phủ là phải lấy môi trường là trên hết nhưng môi trường phải hài hòa với phát triển. Chúng ta đang đứng trước vấn đề khá bức xúc là tiến độ của dự án này để đáp ứng cho việc cân bằng năng lượng cung cấp cho các tỉnh phía Nam. Theo tôi, để đảm bảo vấn đề môi trường,  Viện Hàn lâm cần phải bình tĩnh, bài bản, tiếp tục đánh giá. Về lâu dài, nhu cầu nhận chìm rất lớn. Kinh nghiệm thế giới và các nước đã làm thì đây vẫn là phương án được chấp nhận khả thi...

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam được bổ nhiệm đúng quy trình

Tại cuộc họp báo, một vấn đề được nêu ra với đại diện Bộ GTVT là những lùm xùm của dư luận liên quan đến việc bổ nhiệm Cục trưởng cục Hàng hải Nguyễn Xuân Sang hồi tháng 7/2015, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc này được thực hiện căn cứ vào các tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ do Bộ Nội vụ ban hành.Ông Đông lưu ý, trong văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ có một tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ là người được bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên nhưng không quy định bắt buộc là người này phải đang là chuyên viên chính trở lên.

“Lúc được xem xét, ông Sang đang giữ cương vị Giám đốc Cảng vụ TPHCM, được đào tạo chuyên ngành kỹ sư tàu biển. Ông này cũng là cử nhân luật, tiến sỹ nghiên cứu về tàu biển, ô tô, đào tạo tại Nga và cũng có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành, đã từng đảm nhiệm các chức vụ quản lý thuộc lĩnh vực hàng hải.Khi chọn nhân sự bổ nhiệm Cục trưởng Cục này, Đảng uỷ Cục Hàng hải cũng ủng hộ cao. Khi bổ nhiệm, ông Sang đã hoàn thành các khoá học cao cấp chính trị như quy định. Ông Sang cũng tham gia thi nâng ngạch chuyên viên chính năm 2014 và kết quả là đạt nhưng do số lượng chỉ tiêu năm đó quá hạn chế nên không trúng” – Thứ trưởng GTVT khẳng định, các khâu bổ nhiệm thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

MỚI - NÓNG