Đang đại hạn sao lại phá rừng?

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đi khảo sát thực địa tại khu bảo tồn. Ảnh: Konchurang.vn.
Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đi khảo sát thực địa tại khu bảo tồn. Ảnh: Konchurang.vn.
TP - Trước đề xuất của Công ty TNHH Một thành viên 30/4 Gia Lai về việc xây dựng hai  công trình thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2 trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, các nhà khoa học cho rằng, điều này có thể vi phạm Luật Đa dạng sinh học.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thuộc địa bàn xã Sơn Lang, huyện K’ Bang tỉnh Gia Lai, có ranh giới giáp ba tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Kon Tum, do Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai quản lý. Khu bảo tồn có diện tích rừng tự nhiên 15.900 ha, có chức năng  phòng hộ đầu nguồn cho vùng hạ lưu sông Côn, điều tiết nguồn nước cho thủy điện Vĩnh Sơn, Vĩnh Sơn 2, 3, 4, 5. Đây là nơi có hệ sinh thái rất đa dạng với nhiều loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam.

Theo đề xuất của Công ty TNHH một thành viên 30/4 Gia Lai (phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, Gia Lai) thủy điện Suối Say 1 và Suối Say 2 có tổng công suất 40MW, mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Khi chặn dòng sẽ chiếm dụng 25ha rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trong đó có 6,1 ha rừng đặc dụng.  Vị trí dự kiến đặt công trình thủy điện Suối Say 1, 2 nằm trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt, rừng thuộc nhóm trung bình, sản lượng gỗ ước đạt 200 m3/ha, tiềm năng khai thác đạt 10-15 m3/ha, có nhiều nhóm gỗ từ nhóm III đến nhóm V.

Vi phạm Luật Đa dạng Sinh học?

Trước đề xuất xây dựng thủy điện nói trên, nhiều nhà khoa học không đồng tình. Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), về mặt pháp lý, có nhiều quy định liên quan đến bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên. Nếu thủy điện được xây dựng tại phân khu bảo tồn nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng sẽ gây ra thay đổi thủy văn, dòng chảy, cắt đứt sinh cảnh trong rừng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. 

Ngoài ra, theo TS Lê Anh Tuấn, rừng đóng vai trò quan trọng trong lưu giữ, điều tiết nước. Tây Nguyên đang đại hạn, việc bảo vệ rừng càng cấp thiết để điều tiết, lưu giữ nước. “Tôi không ủng hộ việc xây dựng những công trình như Suối Say 1 và Suối Say 2”, TS Lê Anh Tuấn nói.

TS Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, tài nguyên rừng còn lại ít ỏi. Việc đánh đổi rừng nguyên sinh lấy công trình thủy điện công suất 40MW là điều không đáng.

Theo TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì  Điều 7, Luật Đa dạng sinh học quy định những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học. Trong đó cấm hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Cũng theo TS Nguyễn Khắc Kinh, với các dự án như này, địa phương sẽ không có quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là đơn vị thực hiện chức năng này.

Ông Ngô Tiến Dũng, Vụ Bảo tồn Thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho rằng, để dự án này được phê duyệt phải trải qua rất nhiều quy định pháp luật. Theo ông Dũng “dù dự án mới đang khảo sát xin chủ trương nhưng đứng trên quan điểm bảo tồn, tôi hoàn toàn không đồng ý với việc xây dựng các công trình thủy điện trong khu bảo tồn thiên nhiên như thế này”.

MỚI - NÓNG