Đang giải cứu con tàu bị thủy triều “ép chặt” vào gầm cầu

Con tàu đang mắc kẹt dưới gầm cầu (ảnh: Trúc Hà)
Con tàu đang mắc kẹt dưới gầm cầu (ảnh: Trúc Hà)
Sáng 23/6, một chiếc tàu thu mua hải sản bị đứt neo và trôi tự do rồi mắc kẹt dưới gầm cầu Lê Hồng phong (TP Phan Thiết, Bình Thuận). Hiện triều đang lên, đẩy tàu lên cao, có thể gây nguy hiểm cho cầu Lê Hồng Phong. Các cơ quan chức năng đang khẩn cấp giải cứu con tàu và cây cầu.

Con tàu trên do ông Đỗ Văn Vưỡng (ngụ tại xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý) làm thuyền trưởng. Theo các thuyền viên, khoảng 0h sáng ngày 23/6, tàu đang neo đậu để sửa chữa thì bị nước chảy siết kéo đứt neo rồi trôi tự do. Dù các thuyền viên đã nổ máy để điều khiển tàu di chuyển vào bờ nhưng chân vịt tàu bị vướng lục bình nên không thể chạy được.

Tàu trôi dọc sông Cà Ty đến dưới gầm cầu Lê Hồng Phong thì mắc kẹt lại dưới gầm cầu. Khi triều lên cao, phần cabin tàu dính chặt vào đoạn giữa cầu Lê Hồng Phong nên không thể thoát ra.

Đang giải cứu con tàu bị thủy triều “ép chặt” vào gầm cầu ảnh 1

Các cơ quan chức năng đang khẩn trương giải cứu tàu

Nhận được thông tin, các lực lượng chức năng gồm: Biên phòng, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các đơn vị liên quan khẩn cấp điều phương tiện đến giải cứu con tàu này vì hôm nay nước sông Cà Ty đang lên cao, có nguy cơ đẩy tàu lên và đội cầu Lê Hồng Phong, gây nguy hiểm cho cả cây cầu.


Theo ngư dân địa phương, hôm nay thủy triều sông Cà Ty đang lên cao và đến 15h chiều nay sẽ đạt đỉnh. Khi đó, nước sông sẽ cao hơn mực nước hiện nay đến 50cm và khả năng tàu này đội cầu là rất cao. Do đó, các cơ quan chức năng đang khẩn cấp lên phương án giải cứu con tàu.

Lực lượng chức năng đã sớm phong tỏa cầu Lê Hồng Phong để giải cứu tàu. Có mặt tại hiện trường, ông Phạm Văn Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ để bảo vệ thành cầu và tàu an toàn. Lực lượng cứu hộ đã tính phương án là cưa thành cabin và bơm nước vào để chìm tàu.

Đến 11g phần trên cabin tàu đã được cắt nóc tuy nhiên lại xuất hiện thêm tình huống khó khăn bởi cắt cabin đến đâu thì nước lại dâng lên đến đó và phần cabin tiếp theo lại tiếp tục dính chặt vào lòng cầu.

Tính đến thời điểm này từ mặt nước lên đến thành cầu chỉ còn có chiều cao 5m, nước đang dâng cao, nhanh và khó có thể chờ đến 15g để cho thủy triều rút.

Trong khi đó, báo Dân trí đưa tin, khoảng 11h bắt đầu Bơm nước vào khoang tàu. Phương án bơm nước vào khoang tàu nhằm đánh chìm tàu đến điểm có thể kéo tàu ra. Khó khăn đang gặp phải là nước triều đang lên từng giờ, nếu tàu chìm quá sâu, nước vượt qua mạn tàu mà vẫn chưa hết kẹt thì tàu có thể chìm hẳn.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho cầu Lê Hồng Phong, cơ quan chức năng vẫn chọn phương án này vì thời gian đang rất gấp rút.

Đang giải cứu con tàu bị thủy triều “ép chặt” vào gầm cầu ảnh 2

Nước triều đang lên cao từng giờ, đẩy con tàu kẹt cứng dưới gầm cầu (ảnh: Trúc Hà)

Mọi công tác đang được tiến hành hết sức khẩn trương để đảm bảo an toàn cho cả tàu lẫn cầu. Nếu trong trường hợp không thể cứu tàu cũng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cầu Lê Hồng Phong.

Được biết, phương án làm chìm tàu cũng được tính đến, tuy nhiên do con tàu trên vừa đóng mới với giá 8 tỉ đồng nhưng lại chưa mua bảo hiểm nên nếu đánh chìm tàu thì thiệt hại cho chủ tàu là rất lớn.

Theo Sở GTVT Bình Thuận, đoạn sông này không phải là tuyến vận tải đường thủy và chỉ có ghe, thuyền nhỏ lưu thông. Theo quy định từ cầu Trần Hưng Đạo (cách cầu Lê Hồng Phong khoảng hơn 1km) trở ra cửa biển mới là nơi để các tàu thuyền neo đậu và tránh trú bão.

Được biết, trước đây, Phan Thiết chỉ có duy nhất chỉ có một cây cầu bắc qua con đường cái quan huyết mạch giữa thành phố gọi cầu Quan.

Cầu Quan ban đầu làm bằng gỗ. Nhưng sau bị trận lũ lịch sử năm Thìn 1952 cuốn trôi một cây cầu mới bằng sắt được dựng lên và đến năm 2002 tỉnh Bình Thuận đã cho xây một cây cầu mới bằng bê tông cốt thép. Bên trên được thiết kế kiểu cách giả dây văng.

Cầu được đặt tên mới là cầu Lê Hồng Phong cùng tên với con đường nối nhịp cầu đi qua. Tuy nhiên khi thiết kế cầu người ta lại thiết kế độ tĩnh không quá thấp với chủ trương không cho ghe thuyền vào mà buộc phải đậu ở khu vực Cảng Phan Thiết cho an toàn. 

Điều đáng nói là phía trên cầu Lê Hồng Phong là khu vực Văn Thánh dọc sông Cà Ty là nơi tái định cư của nhiều chủ tàu, ngư dân và nhiều cơ sở sửa chữa tàu thuyền và sau mỗi chuyến biển họ đều đưa tàu thuyền về đậu ở khúc sông này.

Theo Theo Dân trí, Pháp Luật TPHCM
MỚI - NÓNG