Đặng Hùng Võ - Ông Thứ trưởng “dị tướng”

Đặng Hùng Võ - Ông Thứ trưởng “dị tướng”
Từ khi Luật Đất đai 2003 được soạn thảo đến nay, nhiều người thấy ông Thứ trưởng “dị tướng” Đặng Hùng Võ xuất hiện nhiều và trình bày rất thuyết phục về đổi mới chính sách pháp luật đất đai.

Thế nhưng ít người biết ông từng là người luyện thi đại học có tiếng và rất đểnh đoảng với đồng tiền như ông tự nhận.

Ông là người có vóc dáng bé nhỏ nhưng ông từng nói chưa có ai bắt nạt được ông?

(Cười). Thường thì những người nhỏ bé hay bị những người lớn hơn bắt nạt, lẽ thường là như thế. Nhưng tôi có cách để những người lớn hơn không bắt nạt nổi mình.

Khi bị những người có vóc dáng to lớn hơn bắt nạt, tôi đã quyết tâm chiến đấu lại, cũng có khi phải chuồn khỏi những cuộc xung đột một cách mau lẹ để tránh tổn thất cho mình. Nhỏ có kiểu đánh của người nhỏ, lớn có kiểu đánh của người lớn. Tư duy như vậy nên tôi thường không sợ khi bị bắt nạt, chèn ép.

Đó là chuyện thời ông còn nhỏ tuổi. Khi trưởng thành, đi làm rồi ông có còn bị bắt nạt ?

Vẫn bị bắt nạt nhiều chứ. Khi mới ra trường về dạy ở Đại học Mỏ địa chất chẳng hạn, tôi thường bị cấp trên phê phán là buông thả, buông lỏng kỷ luật… nhưng nhiều trường hợp không phải là như vậy. Chỉ có điều tính tôi thì khôi hài, nhiều khi hay trêu chọc các bậc lãnh đạo thế nên người ta thường lấy chuyện đó ra để quy tôi là không tôn trọng lãnh đạo, có khi họ còn quy kết tôi có tư tưởng chống đối nữa!

Dù nhận một đồng, tôi vẫn làm hết trách nhiệm

Nhiều người biết đến ông với tư cách là một nhà khoa học, một nhà quản lý về đất đai nhưng rất ít người biết ông từng là một chuyên gia luyện thi đại học có tiếng, việc ấy cụ thể thế nào?

Gia đình tôi chịu ảnh hưởng bởi lễ giáo phong kiến. Trước đây, thời bao cấp người ta thường đấu tranh để được phân phối một chiếc lốp xe đạp, cái quần đùi, áo may ô, bán đi thì cũng kiếm được ít tiền giúp đỡ gia đình, riêng tôi không bao giờ làm được việc ấy.

Cứ đi bán một cái gì tôi cảm thấy như mình có lỗi. Đây là một nhược điểm nhưng tính tôi là như vậy. Tôi vẫn tự hào là trong suốt hơn 30 năm công tác tôi chưa hề nhận phân phối bất kỳ một vật gì. Thế nhưng cuộc sống đòi hỏi phải có tiền, nó không tha thứ cho việc không có tiền, nên tôi chọn phương án dạy học để kiếm thêm.

Tuy không chuyên về Toán nhưng tôi đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Toán. Có một số anh em bạn ở Đại học Bách khoa khuyên nên đi dạy, đi với bọn mình cũng kiếm tiền được. Và khi dạy, tôi cũng là một trong số những người có tên tuổi trong  làng luyện thi hồi đó. Tôi dạy luyện thi từ năm 1977 cho đến năm 1980 trước khi bước chân lên máy bay đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài.

Luyện thi thì cũng phải tư duy về phương pháp để sao cho học sinh thi đỗ nhiều. Càng nhiều người thi đỗ thì học sinh càng đông. Ngày đó học sinh đóng tiền cũng ít thôi nhưng cũng mang lại cho tôi một khoản gấp đôi lương của tôi khi ấy là 73 đồng.

Một năm tôi luyện thi được khoảng 5 lớp, trong bốn năm tôi luyện thi 20 lớp. Sau này gặp lại thì thấy đa số học sinh tôi dạy đã thi đỗ đại học. Đó cũng là một niềm vui của tôi, đời được thêm chữ, mình có thêm tiền giúp gia đình.

Luyện thi đem lại thu nhập gấp đôi tiền lương, vậy ông có sao nhãng công việc chuyên môn để tập trung vào việc luyện thi?

Không có chuyện ấy, nhưng dù thế nào đi nữa tôi cũng phải đảm bảo chất lượng luyện thi. Bởi tôi nghĩ đã nhận tiền của người ta, chưa tính đến việc số tiền ấy xứng đáng ở mức nào thì mình phải có trách nhiệm. Tức là khi đã nhận dù chỉ một đồng thì cũng phải làm hết trách nhiệm của mình.

Tôi luyện thi cũng khác người khác ở chỗ dạy cho học sinh phương pháp tư duy, chứ không dạy cách giải từng bài toán cụ thể. Chính vì vậy mà học sinh rất thích.

Điều này ngày nay có lẽ không còn nữa vì thường thì người ta dạy theo bộ đề, theo các bài toán cụ thể, làm như vậy đầu học sinh có to bằng cái bồ cũng không thể học hết các bài toán được. Dạy luyện thi như thế nhưng tôi luôn xác định công việc Nhà nước giao mới là việc chính, phải luôn luôn được hoàn thành trước tiên với chất lượng cao nhất.

Ông tự hào rằng trong suốt thời bao cấp ông chưa hề nhận bất kỳ sự phân phối nào. Hiện nay ông làm nhiệm vụ quản lý đất đai - một việc có tác động lớn đến xã hội - nếu ông giúp một việc gì đó mà doanh nghiệp hay cá nhân biếu ông một khoản gì đó thì ông tiếp nhận ra sao?

Tất cả những việc kiểu như vậy đối với doanh nghiệp hay đối với người dân bao giờ tôi cũng tránh. Bởi vì cũng đã có thời tôi làm kinh tế ở nước ngoài. Và tôi xác định ranh giới rất rõ giữa làm kinh tế và làm quản lý. Làm việc gì cho một doanh nghiệp hay người dân, để được nhận lại của họ một cái gì thì tôi không bao giờ làm, vì điều đó trái đạo lý.

Ví dụ một trường hợp sử dụng đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu, người này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cần nói thêm là mảnh đất này vốn là đất lâm nghiệp nhưng nay lại rơi vào trung tâm thành phố.

Có vài cán bộ địa phương cho rằng như thế là cấp giấy sai, phải thu hồi. Khi giải quyết việc này, tôi đảm bảo nguyên tắc Nhà nước không làm chuyện trẻ con: nay cấp giấy cho người ta mai thu hồi lại. Nếu đúng là giấy cấp sai thì phải kỷ luật người đã cấp giấy, còn không kỷ luật được người đó thì không thể thu hồi giấy của dân.

Nghe tôi nói như vậy, người sử dụng mảnh đất đó nhiều lần gọi điện xin gặp tôi. Đã có lần chị bay ra Hà Nội thì tôi lại đang đi từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài, chị ấy theo lên đến Nội Bài và đề nghị gặp tôi ở TP HCM cũng được.

Tôi đành phải nói với chị ấy địa chỉ khác với nơi mà tôi sẽ ở khi làm việc tại TP HCM. Và vì chị ấy gọi điện liên tục nên tôi đành phải nói thật là tôi không thể nói được cho chị ấy chỗ ở của tôi, chị cứ yên tâm cái gì đúng thì chúng tôi phải bảo vệ.

Để mối quan hệ quản lý lẫn sang cái khác là điều tôi không muốn. Tôi luôn quan niệm, đã làm kinh tế thì làm cho đàng hoàng chứ không thể lấy cái này làm cái khác, nhất là trong vị trí của người lãnh đạo thì không nên bị chi phối về những chuyện lèm nhèm.

Nghe nói rằng, trong thời gian ở Ba Lan, ông có chuyển sang buôn bán và trở nên rất giàu có?

Cũng có. Khi tôi đã làm việc gì tôi thường tư duy một cách rất triệt để và tìm ra hiệu quả cao nhất. Thành công trong làm kinh tế của tôi là tìm chỗ mạnh, chỗ yếu của đối tác và của mình, mọi việc kinh doanh phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.

Làm ăn phát đạt vậy, vì sao ông lại trở về nước trong khi điều kiện trong nước lúc đó hết sức khó khăn?

Như tôi đã nói hồi tôi đi luyện thi đại học, dù có thu nhập nhiều hơn lương Nhà nước nhưng tôi luôn nghĩ đó là việc phụ. Tôi luôn phân biệt rõ việc chính và việc phụ.

Việc làm kinh tế ở Ba Lan tôi coi đó là chuyện phụ, còn nghiên cứu khoa học của tôi ở bên đó mới là việc chính. Coi việc phụ là việc chính là hỏng hết. Khi cái chính đã đòi hỏi không thể dùng dằng với cái phụ đó nữa thì phải từ giã ngay thôi.

Tôi là người có sức bền

Không bao giờ ăn cắp sức lao động của người khác

Tôi có đặc tính không lèm nhèm. Hôm nọ, có người nói rằng ông Võ được hết cái này, cái khác, được giải thưởng Hồ Chí Minh lại đang được Bộ đề nghị phong Anh hùng lao động, vậy thì anh em khác được cái gì?

Tôi cũng nói lại rằng thế thì anh chưa đọc kỹ bản báo cáo thành tích của tôi. Trong đó, về pháp luật đất đai công sá của tôi là gì, giải thưởng Hồ Chí Minh công sá của tôi thế nào tôi đều nói rõ cả.

Riêng công trình đoạt giải Hồ Chí Minh, không phải tôi chỉ đứng ra với vai trò chỉ đạo mà là có tới 70% là công trình khoa học của tôi áp dụng vào đó...

Hai cái tôi ghét nhất mà tôi đặt ra như một nguyên tắc: không đánh cắp sức lao động của người khác và không nhận tiền không do sức lao động của mình làm ra.

Dù cả đời lao động hiệu quả, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ mình lại là anh hùng lao động, mọi người động viên vì phong trào thi đua chung của cả ngành thôi mà.

Ông có vẻ như không phải là người có sức khỏe tốt nhưng được biết ông từng làm việc từ 14 - 18 tiếng một ngày, hàng chục năm qua chưa từng nghỉ phép năm. Động lực nào khiến ông làm việc như vậy?

Đúng là tôi không có sức khỏe nhưng tôi có sức bền, sức chịu đựng có lẽ là tốt hơn người khác. Hơn thế, tôi thấy rằng tổng quỹ thời gian còn lại của tôi là không nhiều, trong khi đó còn rất nhiều việc phải làm. Công việc hành chính thường nhật thì chắc chắn tôi phải giải quyết gọn ghẽ. Bên cạnh đó là tư duy cho những công việc dài hạn như về chính sách, luật pháp....

Tôi còn mong viết hai tác phẩm là Cơ sở toán học của địa tin học khoảng 1.000 trang và Hệ thống chính sách pháp luật về đất đai Việt Nam kể từ thời Hồng Bàng đến nay.

Vì thế tôi phải tăng thời gian làm việc của mình lên. Nhưng tôi cảm thấy rất vui, kéo dài thời gian làm việc như vậy là vì những việc tôi làm tạo được hiệu quả.

Có bao giờ ông thấy buồn chán hay thất vọng khi phải làm việc nhiều như thế, nhưng là “việc Nhà nước” nên không mang lại thu nhập như làm các công việc ngoài thị trường?

Có chứ! Nhưng tôi cũng có những khoản thu nhập khác ngoài lương. Ví dụ như viết lời tựa cho những cuốn sách, viết báo, tạp chí, phản biện cho một luận án. Tôi đang là Chủ nhiệm bộ môn Địa chính của Đại học Quốc gia và cũng được trả tiền. Sức tiêu của tôi cũng chỉ đến thế thôi.

Ông làm người làm quản lý Nhà nước về đất đai nhưng nghe nói vợ ông là người kinh doanh bất động sản có tiếng?

Không phải vợ tôi là người kinh doanh bất động sản. Bà ấy là giám đốc một doanh nghiệp thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường. Nhiệm vụ của doanh nghiệp này là làm tư vấn, phát triển công nghệ. Đó là doanh nghiệp nghiêm túc.

Nói thật, vợ tôi cũng là người có thú vui về đất cát. Cũng có chung nhau với bạn bè mua được một hai mảnh đất, nhưng đến nay chưa bán được mảnh nào cả. Bà ấy còn nói chính ông là người hại tôi, vì Luật Đất đai mà tôi là một trong những người soạn thảo ra làm cho đất xuống giá, không bán được.

Ông nói rằng ông là người có sức bền, sức chịu đựng tốt hơn một số người khác. Ông có thể nêu ví dụ cụ thể về việc này?

Nhiều khi tôi có khả năng làm việc liền tù tì từ 7 giờ sáng đến 4 giờ sáng hôm sau. Ví dụ như khi “vật nhau” với Nghị định 181 chẳng hạn, tôi đã làm việc như thế kể cả thứ Bảy, Chủ Nhật bởi vì Nghị định đó quá lớn, người ta gọi là siêu nghị định.

Chỉ riêng việc rà soát sự mâu thuẫn nội tại giữa điều này với điều kia phải làm thật cẩn thận, thời gian đòi hỏi quá nhiều để bảo đảm tính thống nhất. Mọi người có thể hỏi anh Trực (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Mai ái Trực) - người xem lại lần cuối bản dự thảo trước khi trình Chính phủ - thì anh ấy sẽ nói rõ về việc này.

Tôi đã là người cầu toàn, không chấp nhận công văn cấp dưới trình sai một chữ nhưng anh Trực còn cầu toàn gấp đôi. 

Tôi có năng khiếu về văn học nghệ thuật

Ngoài công việc chuyên môn ông giải trí thế nào?

Sự thật là tôi có năng khiếu về văn học nghệ thuật, nên cách giải trí tốt nhất của tôi là đọc sách văn học nghệ thuật. Tôi đang đọc lại tiểu thuyết mà tôi cho là viết về đất đai khá hay Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

Ông tự nhận là người sinh hoạt giản dị , có ý thức tạo cho mình cuộc sống tiết kiệm. Thế nhưng chỉ riêng thuốc lá thì ông thường hút loại rất đắt tiền?

Đó là nói một cách khái quát. Còn rõ hơn thì tôi có thể nói thế này. Tôi là người rất giản dị và ít để ý đến những cái tinh tế trong cuộc sống thường nhật. Ví dụ, mặc gì cũng được, ăn gì cũng được, nhiều khi bữa trưa chỉ một cái bánh mỳ không cần cái gì kẹp vào trong cũng xong.

Tất cả mọi thứ tôi chẳng kén gì cả, chỉ có thuốc lá là tôi kén ở nước ta có nhiều loại rởm, kén là để không phải dùng hàng rởm, hại sức khoẻ chứ không phải vì thời thượng, chạy theo mốt.

Hay bị đàn anh, thủ trưởng không ưa

Khi ông trúng tuyển đi nghiên cứu sinh ông có vài sự lựa chọn, vì sao ông lại chọn Ba Lan ?

Sự thật tôi là người hay bị thầy giáo, những bậc đàn anh và thủ trưởng không ưa. Cũng xin được mở ngoặc là đến cuối đời làm việc lại được thủ trưởng là anh Trực quý tôi. Tình thực là như thế chứ không phải hiện nay anh Trực là thủ trưởng của tôi mà tôi sợ hay nịnh.

Tôi cũng không hiểu vì sao, nhưng có lẽ là do tôi phớt đời, chả cần đến người ta và khi người ta nói sai thì tôi thường bầy tỏ ý kiến ngược lại. Trở lại chuyện nghiên cứu sinh, tôi nộp đơn đi Liên Xô nhưng tôi nghe kể rằng một số bậc đàn anh của tôi ở Liên Xô có nói với bạn là đừng nhận người này.

Tôi không hiểu đó là thật hay đùa nhưng đơn của tôi không được Liên Xô chấp nhận. Lúc ấy tôi có nói rằng rất tiếc cho Liên Xô chứ không phải là cho tôi.

Còn lại vài sự lựa chọn. Anh em bảo tôi đi Đức là trúng lắm, nên tìm cách này, cách kia tế nhị để mà đi. Tôi nói luôn nếu trúng thì tôi lại không muốn đi đến đó.

Trong số nước còn lại có thể là Tiệp Khắc hoặc Ba Lan. Tôi chọn Ba Lan vì đó là nơi có sự giao thoa của văn hoá Tây Âu và Đông Âu.

Một số người gần gũi với ông lại nói rằng sở dĩ ông chọn đi Ba Lan là vì đất nước này có nhiều phụ nữ đẹp?

Đó không phải là sự ham muốn của tôi. Dù trước một phụ nữ đẹp thì tôi cũng như nhiều người khác sẽ ngả mũ trọng vọng và cảm ơn tạo hoá. Nhưng đó không phải là lý do để tôi quyết định đi học ở Ba Lan.

Nhiều người có dịp tiếp xúc với ông nói rằng ông là người dị tướng, hay nói một cách nôm na là trông rất “quái”, ông nghĩ sao về nhận xét ấy?

Tôi là người có tướng ngũ đoản, như thế là dị tướng, thuật ngữ bây giờ nói là trông không giống ai cả. Tôi cho những nhận xét đó là bình thường. Như ở Việt Nam ta có nhiều người hói nhưng lại để một bên tóc dài rồi vắt tóc sang một bên để che đậy sự hói.

Tôi cũng bị hói, nhưng tôi cứ để bình thường thế này mà trông có sao đâu. Có đi mỹ viện cũng chẳng chữa được nội dung. Cha mẹ sinh ra hình hài, hình hài đó bị cuộc đời đẽo gọt, thành thế nào cứ để nguyên như vậy. Hình thức có xấu thì cố gắng làm cho nội dung tốt hơn.

Nhưng được biết vợ ông lại là phụ nữ  đẹp, chắc ông phải là người rất giỏi trong việc chinh phục phái đẹp?

Tôi không có thuật gì trong chinh phục phụ nữ. Tôi chỉ nghĩ một là duyên, hai là nợ, thế thôi! Có những người bảo tôi số may, tôi nói: “ Ừ, may thật!”. Điều tôi muốn nói ở đây là tôi đánh giá rất cao sự giúp đỡ của vợ tôi đối với các thành công của tôi trên con đường sự nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

pham vu hong ly; Email: phamly@sympatico.ca

Toi la mot nha khoa hoc, co le la cung o cai tuoi cua cua ong Vo, nhung con duong cong danh su nghiep cua toi xuoi se, de dang hon so voi ong Vo rat nhieu. Vay ma nhung gi ong Vo da lam duoc (neu dung su that nhu bai viet) thi that dang khen, dang de chung toi ton sung.

Xin cam on Toa bao da co mot bai viet hay ve chan dung mot can bo lanh dao tai gioi, tan tuy, liem chinh nhu ong Vo ma lau nay chung toi nghi rang kho tim thay o VN, nhat la trong mot nganh ma mot chu ky co the mang lai vai tram ngan dola hay ca trieu luon.

Nhan day xin Toa soan chuyen den ong Vo va Tac gia bai phong van kha thang than va ly thu nay. Chuc ca hai ong thanh cong trong su nghiep. Toi cao rao, kha dien trai, co toi hai bang Ph.D. o ca Lien Xo cu lan My, bay gio la cong dan cua ca Ca nada va My. Nhung toi phai ghen voi ong Vo ve tat ca nhung gi ong ay da lam duoc, chiem duoc, nhat la cho Que huong VN. Mot Viet kieu o Bo ston, My.

Tên: Một bạn đọc

Email: anvpqh@yahoo.com

Giá có nhiều Thứ trưởng như ông Võ thì rất tốt !

Qua thuc nhung gi ma ong Vo da lam duoc la rat dang tran trong (Qua bai viet tren va qua nhung lan ong xuat hien tren truyen hinh). O cai tuoi sap ve h­uu nhu ong Vo toi tin la ong da noi that vi ong chang can gi phai "danh bong ten tuoi" ca. Toi con biet ong la mot nha toan hoc kha noi tieng o Dai hoc Bach Khoa Ha Noi. Neu dat nuoc ta co nhieu ong thu truong (va ca Bo truong) vua co tam vua co tam nhu ong Vo thi rat tot, do thuc su la cong boc cua dan.

Tên: PHAM DANG QUY

Email: dangquy@gmail.com

CHÚ VÕ TRẢ LỜI HAY QUÁ

Chú Võ trả lời phỏng vấn hay quá. Cháu rất nể. Phạm Đăng Quý

MỚI - NÓNG