Đăng kiểm lên tiếng vụ cháy tàu cánh ngầm

Tàu cánh ngầm cháy rụi, gần trăm hành khách nhảy xuống sông Sài Gòn thoát thân. ảnh: ngô bình
Tàu cánh ngầm cháy rụi, gần trăm hành khách nhảy xuống sông Sài Gòn thoát thân. ảnh: ngô bình
TP - “Nếu ai nói tất cả sự cố liên quan đến đăng kiểm thì nên nhìn nhận lại. Hai tàu chạy đua rồi đâm nhau, quá trình vận hành nhiên liệu không đảm bảo… làm sao đổ lỗi cho đăng kiểm được”-trao đổi với báo chí ngày 22/1, Chi cục trưởng chi cục đăng kiểm số 6 Phạm Ninh nói.

Theo ông Ninh, tàu cánh ngầm (TCN) Vina Express SG 3837 lưu hành từ năm 1994, hoán cải máy hai lần vào năm 1995 và năm 2010. Dù mới hoàn tất việc kiểm định 3 ngày nhưng hiện nay nguyên nhân cháy chưa rõ nên không thể nói đăng kiểm có trách nhiệm.

Đăng kiểm lên tiếng vụ cháy tàu cánh ngầm ảnh 1

Chi cục trưởng chi cục đăng kiểm số 6 Phạm Ninh

Thưa ông, cả con tàu chỉ kiểm tra trong 3 ngày thì có chu toàn?

Tôi từng đi giám sát việc sửa chữa một tàu nước ngoài. Tàu ba vạn tấn mà người ta kiểm tra trên đà (kiểm tra toàn bộ phần chìm của tàu) chỉ có ba ngày, gồm cả phun sơn,… Con tàu này làm trong ba ngày là bình thường. Chúng tôi kiểm tra trên đà, xác định toàn bộ phần chìm của tàu như vỏ không mòn, không biến dạng, chân vịt không bị sứt mẻ, bánh lái vẫn nguyên vẹn…

Thời gian kiểm tra tùy thuộc vật tư. Nếu khó tìm, có khi mất hàng tháng. Vấn đề không nằm ở thời gian mà là khối lượng kiểm tra có đảm bảo.

Thiết bị kiểm định của cơ quan đăng kiểm hiện nay có đảm bảo yêu cầu?

Thiết bị của chúng tôi có thể kiểm tra, đăng kiểm cho tất cả con tàu được sản xuất bởi các nền công nghiệp đóng tàu trên thế giới, không phải chỉ có mấy chiếc tàu cánh ngầm.

Sau khi xảy ra sự cố, các cá nhân, đơn vị liên quan phải báo cáo giải trình. Chắc chắn sắp tới, Bộ GTVT sẽ thanh kiểm tra.

Vừa qua, Bộ GTVT kiểm tra, phát hiện nhiều TCN lắp hộp đen của ô tô. Con tàu này có nằm trong số này?

Tàu Vina Express SG 3837 có hai máy. Đúng là trước đây, hộp đen của loại TCN chưa có. Trong giai đoạn đầu, nhiều tàu lắp hộp đen dành cho ô tô. Sau khi kiểm tra, Bộ GTVT quyết định TCN phải lắp hộp đen do Bộ duyệt kiểu và giao cho các Cảng vụ (hàng hải, đường thủy nội địa) kiểm tra việc lắp hộp đen của các TCN.

Trách nhiệm của Chi cục Đăng kiểm số 6 tới đâu?

Chúng tôi đang xem xét tất cả các khâu, kể cả hồ sơ, giấy tờ. Vừa qua, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ GTVT ban hành quy định về ứng phó tình huống khẩn cấp. Quy định này trước đây các phương tiện thủy nội địa không có. Cháy tàu nếu xảy ra mấy năm trước thì hậu quả không dừng ở đó. Mọi người sẽ hoảng loạn và chỉ riêng chuyện chen lấn, xô, đẩy thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. Tôi cho rằng sự cố vừa qua, chủ tàu đã làm rất tốt. Người ta ưu tiên cứu người, thay vì chỉ tập trung chữa cháy phương tiện.

Gần đây, TCN liên tục gặp sự cố trong quá trình hoạt động chở khách. Phải chăng công tác kiểm định có vấn đề?

Chưa nói, tần suất xảy ra sự cố so với tiêu chí nào mà bảo là nhiều? Sự việc như thế nào mới được coi là sự cố. Từ trước đến nay, tuyến TPHCM – Vũng Tàu mới xảy ra hai vụ cháy TCN. Vụ trước là do bất cẩn của nhân viên tàu, trong quá trình nạp nhiên liệu đã không trực, nhiên liệu xì ra ngoài, trong khi máy còn đang nóng. Còn vụ này thì chưa biết nguyên nhân.

Sự cố lớn nhất là gây chết người thì trong 30 năm qua, TCN chưa xảy ra. So với vận tải hành khách đường bộ thì tàu cánh ngầm ưu việt hơn hẳn. Lớn nhất là vụ hai tàu chạy đua rồi đâm nhau làm hơn chục người bị thương. Sự cố máy thì rất nhiều do ảnh hưởng của môi trường trong quá trình khai thác. Có nhiều sự cố các đơn vị, chủ tàu lại không báo cho chúng tôi biết để dừng phương tiện kiểm tra an toàn.

Các TCN tuyến TPHCM – Vũng Tàu đều khai thác trên 20 năm, có còn đảm bảo an toàn? Có cần phải quy định niên hạn sử dụng?

Những quy định về yêu cầu cơ bản của phương tiện, chúng tôi đã kiểm tra và chứng nhận phương tiện đủ điều kiện hoạt động. Vừa qua, nguyên nhân của hầu hết các sự cố là do tàu cũ. Vì vậy, ngành đăng kiểm đã rút ngắn thời hạn kiểm định xuống còn 6 tháng/kỳ.

Tuyến TPHCM – Vũng Tàu có 21 TCN, hiện nay chỉ còn 10 tàu đang hoạt động, còn lại đang duy tu, sửa chữa hoặc không đủ điều kiện cấp phép hoạt động. Hiện nay một số đơn vị mua tàu của Trung Quốc, tuy mới 4-5 tuổi nhưng chất lượng không bằng những tàu đã 15 tuổi đóng ở châu Âu. Chất lượng ban đầu, quá trình sử dụng có duy tu, bảo dưỡng chu đáo hay không quyết định đến chất lượng và độ an toàn của con tàu. Một con tàu mới 7 tuổi của Trung Quốc thua xa so với tàu đã 20 tuổi của Đức.

Tuổi càng cao đúng là chất lượng và độ an toàn càng giảm. Quy định niên hạn là cần thiết. Theo tôi biết, dự thảo quy định về niên hạn tàu đã có, chỉ còn chờ cơ quan có thẩm quyền ký ban hành.

Cảm ơn ông.

Tặng 30 triệu đồng cho 3 hộ dân cứu người bị nạn

Ngày 22/1, được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ủy quyền, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TPHCM Nguyễn Xuân Sang đến thăm và đọc thư cảm ơn của bộ trưởng và tặng quà 3 hộ dân gia đình tham gia cứu người bị nạn trong vụ cháy tàu cánh ngầm vào trưa 20/1, trị giá mỗi suất quà là 10 triệu đồng. Khi vụ cháy xảy ra, anh Trần Văn Có và chị Nguyễn Thị Thu Thủy cứu được 15 người; anh Ngô Huỳnh Long và chị Kiều Thúy Hà cứu được 20 người; anh Ngô Văn Hồng và chị Huỳnh Thị Nhan cứu được 15 người. Cả 3 hộ chuyên buôn bán nhỏ trên sông, có hoàn cảnh rất khó khăn, trong đó hộ anh Long chưa có nhà, cả gia đình sống trên ghe.

MỚI - NÓNG