Đăng ký kết hôn xong phải cam kết... không đốt pháo

Một vụ bắt giữ pháo nổ nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam với số lượng lớn.
Một vụ bắt giữ pháo nổ nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam với số lượng lớn.
Tại hội nghị do Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức sáng 28/1, đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đang yêu cầu các đôi nam nữ khi tới UBND phường đăng ký kết hôn sẽ phải ký thêm một bản cam kết không đốt pháo nổ.

Theo đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh, việc yêu cầu các đôi nam nữ khi đăng ký kết hôn phải ký luôn cam kết không đốt pháo nổ diễn ra chủ yếu ở huyện Đông Triều, do đây là địa bàn giáp ranh với tỉnh Hải Dương, nơi xảy ra hiện tượng đốt pháo nhiều vào dịp Tết Nguyên đán các năm trước.

“Một bánh pháo mua ở biên giới có khi chỉ 500 nghìn đồng nhưng vào nội địa có thể bán được 2 triệu đồng, lãi gấp 3-5 lần nên các đối tượng luôn tìm mọi cách xé lẻ, cất giấu kỹ lưỡng để trốn tránh kiểm tra của cơ quan chức năng. Hơn nữa có một lực lượng người Việt Nam ở các tỉnh thành làm thuê ở khu vực biên giới, khi về quê ăn Tết Nguyên đán cũng luôn kèm theo chút pháo nổ”- đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh nói.

Đại diện Công an Hà Nội cho biết nhờ áp dụng rất nhiều biện pháp như yêu cầu người dân ký cam kết không đốt, không sử dụng pháo trong dịp Tết nên những năm qua trên địa bàn Thủ đô gần như không có tiếng pháo nổ.

“Ở làng xã phát hiện hộ dân nào đốt pháo thì người dân đều gọi điện báo cho lực lượng chức năng biết ngay để có biện pháp răn đe, giáo dục, xử lý”- đại diện Công an Hà Nội cho biết.

Trong khi đó, Đại tá Hoàng Văn Trực - Cục trưởng Cục cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), khẳng định tình hình buôn bán vận chuyển pháo nổ trong suốt năm 2014 và những ngày đầu năm 2015 vẫn rất phức tạp, nhức nhối. Các đầu nậu tìm mọi cách để vận chuyển pháo nổ sản xuất tại Trung Quốc sâu vào nội địa Việt Nam nhằm tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.

“Phương thức nổi lên là sang Trung Quốc mua pháo rồi tập kết sát biên giới và thuê các đối tượng vận chuyển về Việt Nam bằng đủ mọi con đường, liên tục thay đổi thời gian giao nhận hàng, xé lẻ để vận chuyển,… gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.  Đáng chú ý, từ ngay sau Tết Nguyên đán các đối tượng đã xé lẻ, vận chuyển pháo về Việt Nam để tàng trữ, chờ thời điểm để bán rồi nên dịp từ nay tới Tết Nguyên đán số vụ buôn bán ở khu vực biên giới sẽ giảm. Các lực lượng sẽ phải tập trung phát hiện, triệt phá các kho pháo mà các đối tượng đang cất giấu và tìm cách đưa ra tiêu thụ”- ông Trực nói.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - cho biết năm 2014 công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ 582 vụ, 696 đối tượng tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo; thu giữ 19.086 kg pháo, 5.378 quả, 193 bánh pháo các loại.

“Nguồn gốc pháo chủ yếu được nhập lậu từ Trung Quốc qua tuyến biên giới phía Bắc và tuyến biển; nhiều vụ số lượng rất lớn, thủ đoạn mua bán, vận chuyển ngày càng tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng. Khi bị phát hiện và bắt giữ thường chỉ bắt được các đối tượng vận chuyển thuê, các đối tượng chính thường rất ít khi xuất hiện”- ông Vệ cho biết.

Tướng Vệ khẳng định các lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát công khai tại các tuyến địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết các hành vi sử dụng pháo, đốt thả “đèn trời” trái phép…

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG