TPHCM:

Đăng ký tiêm vắc-xin qua 1080: Đến lượt nhà mạng... hái tiền

Xếp hàng đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ tại TPHCM. Ảnh: Lê Nguyễn.
Xếp hàng đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ tại TPHCM. Ảnh: Lê Nguyễn.
TP - Ngày đầu tiên thực hiện đăng ký tiêm vắc-xin  dịch vụ qua tổng đài 1080 tại TPHCM đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Trong số gần 30 nghìn cuộc gọi, chỉ có khoảng 3 nghìn người được xác nhận thành công, số còn lại có nhu cầu tiêm cho con đều thất vọng dập máy. Chưa biết người dân được lợi gì trong việc tìm kiếm vắc-xin dịch vụ, nhưng trước mắt, đã thấy nhà mạng thu bộn tiền.

Rất đông người dân trong sáng 29/12 không thể thực hiện cuộc gọi vào tổng đài 1080 đã quay sang gọi cho các cơ quan báo đài phản ánh tình trạng nghẽn mạng. Ngay trong chiều cùng ngày, Sở Y tế TPHCM đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo VNPT nhằm đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp tức thời đáp ứng nhu cầu đăng ký tiêm vắc-xin Pentaxim 5 trong 1 của người dân trong những ngày sắp tới.

Tăng gấp hai điện thoại viên cũng không xuể

Theo phản ánh của bạn đọc và ghi nhận thực tế của phóng viên, tổng đài 1080 bận liên tục ngay trong những phút đầu tiên tiếp nhận đăng ký tiêm vắc-xin  dịch vụ. Nhiều người cho biết đã gọi hàng chục cuộc mà vẫn không thể gặp điện thoại viên. Có người cho rằng mình sử dụng thuê bao Viettel nên không đăng ký được. Cũng có người đã được tiếp nhận nhưng điện thoại viên lại bố trí địa điểm tiêm quá xa nơi ở v.v…

Trả lời báo chí về tất cả những phàn nàn này, ông Nguyễn Ngọc Tâm - Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT - cho biết, từ 8h đến 12h30 sáng 29/12, tổng đài 1080 đã tiếp nhận 29.276 cuộc gọi đăng ký tiêm vắc-xin. Số cuộc gọi gặp được điện thoại viên là 16.491 cuộc. Tuy nhiên, do chỉ có 52/75 điểm tiêm chủng tiếp nhận đăng ký và số lượng vắc-xin có hạn, nên chỉ có 2.870 cuộc gọi được bố trí nơi tiêm. Đến 11h, số lượng vắc-xin hiện có tại các cơ sở tiêm chủng đã hết.

“Cần làm sao để sự thật vẫn là sự thật. Tránh vì cảm tính mà chúng ta quá thiên về một cái hướng nào đó, bởi bất cứ cái gì cực đoan cũng có hại. Trách nhiệm chính vẫn thuộc ngành y tế. Chúng tôi có nhiệm vụ phải làm cho người dân hiểu và tin, nếu người dân chưa tin chúng tôi đó là lỗi của chúng tôi”.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Phạm Khánh Phong Lan.

“Có thời điểm cùng một lúc tổng đài chúng tôi nhận đến 2 nghìn cuộc gọi. Trong số này có cả lượng gọi ảo như người dân bấm redial nhiều lần hoặc có người nóng ruột gọi đi gọi lại. Ngoài ra, số lượng cuộc gọi từ các tỉnh cũng khá lớn. Dự báo được lượng gọi tăng đột biến này, từ sáng sớm chúng tôi đã huy động 170 điện thoại viên, tăng gấp đôi so với ngày thường, để túc trực nhận đăng ký”, ông Tâm nói.

Về thông tin cho rằng tổng đài 1080 không tiếp nhận cuộc gọi từ mạng Viettel, theo VNPT là không đúng. Ông Tâm cho biết, khi phụ huynh đăng ký thành công, 1080 sẽ có tin nhắn trở lại các thuê bao Vinaphone và Mobiphone. “Riêng đối với thuê bao Viettel, phụ huynh sẽ không nhận được tin nhắn trở lại này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không đăng ký được, các đăng ký trước đó từ thuê bao Viettel vẫn thành công”, ông Tâm nói.

Vấn đề người dân phản ánh địa điểm tiêm quá xa so với địa chỉ nơi ở, theo ông Tâm, là do thời điểm đó cơ sở tiêm gần nhà người dân nhất đã hết thuốc, buộc lòng nhân viên tổng đài phải chuyển đến cơ sở khác còn vắc-xin.

Sở Y tế thành phố cho biết, sau cuộc họp rút kinh nghiệm với VNPT, từ ngày 30/12, tổng đài 1080 sẽ cho đăng ký và hẹn ngày chích cụ thể vào các ngày tiếp theo, cho đến khi nào hết 11.640 liều Pentaxim mà các đơn vị của thành phố đã được phân bổ. VNPT cam kết theo dõi sát lưu lượng các cuộc gọi để bố trí số lượng điện thoại viên và điều chỉnh ưu tiên lưu lượng tiếp nhận phù hợp. Dự kiến, VNPT sẽ hoàn tất việc đăng ký tiêm chủng cho toàn bộ 11.640 liều vắc-xin nói trên trong ngày 30/12.

Đăng ký tiêm vắc-xin qua 1080: Đến lượt nhà mạng... hái tiền ảnh 1

Chưa biết người dân được lợi gì trong việc tìm kiếm vắc-xin dịch vụ, nhưng trước mắt, đã thấy nhà mạng thu bộn tiền. Ảnh chụp trẻ được tiêm vắc-xin  dịch vụ Pentaxim 5 trong 1 tại TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc.

Bài học cho ngành y tế

Trả lời báo chí về tình trạng “săn lùng” vắc-xin dịch vụ trong những ngày qua, bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM nói đây chính là bài học cho ngành y tế trong vấn đề quản lý cũng như công tác truyền thông cho vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. “Tôi hoàn toàn thông cảm và rất chia sẻ với sự lo lắng của phụ huynh. Ai cũng mong muốn tìm cái tốt nhất, an toàn nhất cho con em mình. Tuy nhiên, cũng xin nhắc lại, về bản chất, tất cả các loại vắc-xin đều có những tác dụng và hạn chế như nhau”, bà Lan nói.

Theo bà, việc khan hiếm vaccine dịch vụ là trách nhiệm của Cục Quản lý dược. Với tư cách là người tham gia công tác quản lý của ngành, bà cho rằng đây cũng là trách nhiệm của địa phương. “Trong năm qua, chúng tôi đã nhận thấy tình hình thiếu vắc-xin này. Chúng tôi cũng đã họp với các công ty cung ứng vắc-xin để tìm hiểu. Trong một chừng mực nào đó, nếu như đứng về phía cấp quốc gia mà chưa được, thì TPHCM phải chủ động đi tìm nguồn, không thể phó mặc cho thị trường. Đây là một bài học cho ngành y tế trong công tác hoạch định chính sách, trong công tác lập kế hoạch đối với số lượng trẻ sơ sinh ra đời hằng năm và nhu cầu về vắc-xin”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, việc thiếu vắc-xin còn liên quan đến nhiều cơ chế: “Vì sao các doanh nghiệp không mặn mà trong việc nhập vắc-xin? Vì sao ở Việt Nam thiếu nhưng các nước xung quanh thì không? Bởi người ta có công tác hoạch định và đặt hàng tốt”, bà nhận định.  Và trên tất cả, theo bà, ngành y tế phải xem lại công tác tuyên truyền trong thời gian qua, khi có những dư luận chưa an tâm về Quinvaxem 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

“Cần làm sao để sự thật vẫn là sự thật. Tránh vì cảm tính mà chúng ta quá thiên về một cái hướng nào đó, bởi bất cứ cái gì cực đoan cũng có hại. Trách nhiệm chính vẫn thuộc ngành y tế. Chúng tôi có nhiệm vụ phải làm cho người dân hiểu và tin, nếu người dân chưa tin chúng tôi đó là lỗi của chúng tôi”, bà Lan phân trần.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.