Lật lại hồ sơ vụ sập lò ở mỏ than Mông Dương (Cẩm Phả - Quảng Ninh):

Đáng lẽ, vụ tai nạn đã không xảy ra

Đáng lẽ, vụ tai nạn đã không xảy ra
TP - Đã 10 ngày trôi qua, một số thợ lò, người dân vùng than và chuyên gia đã bình tĩnh trở lại và thẳng thắn cho rằng: Đáng lẽ, vụ sập lò tại mỏ than Mông Dương đã không xảy ra nếu ngành than chăm lo nhiều hơn cho thợ mỏ.
Đáng lẽ, vụ tai nạn đã không xảy ra ảnh 1
Đội cứu hộ, cứu nạn trước cửa Vũ Môn sáng 1/4/2006

Dù sao thì vụ việc cũng đã xảy ra, giờ là lúc chúng ta nhìn nhận trách nhiệm của ngành than.

Nguyên nhân của vụ sập lò này, ông Đoàn Văn Kiển - Tổng giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định là do quá trình nổ mìn làm bục “túi nước” trong lòng núi được tích tụ hơn chục năm trước (do nạn khai thác than “thổ phỉ” gây ra).

Sau khi vụ việc xảy ra mấy ngày, xuất hiện tại chương trình truyền hình trực tiếp Người đương thời trên VTV1, ngày 7/4/2006, khi được hỏi về trách nhiệm trước vụ tai nạn và làm gì để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc thế này.

Ông Kiển khẳng định (ít nhất 2 lần): Không thể chắc chắn không để xảy ra những vụ việc thế này mà chỉ khẳng định sẽ làm tất cả để hạn chế tối đa tai nạn hầm mỏ…

Chúng tôi nghĩ (PV), nếu cứ trả lời theo cách này thì chẳng có tai nạn hầm mỏ nào là không đáng xảy ra và chẳng có nỗ lực nhằm “hạn chế tối đa tai nạn hầm mỏ” lại khẳng định chắc chắn 100%. Và khi tai nạn xảy ra cứ đổ cho nguyên nhân “bất khả kháng” sẽ luôn luôn đúng.

Thế nhưng, nếu làm rõ những câu hỏi mà dư luận đặt ra dưới đây với ngành Than (mà cụ thể là ông Kiển) thì việc không hoàn toàn như cách lập luận của ông Kiển.

Ông Vũ Hồng Đức (thợ lò bậc 6/6) - tổ 14, khu I Mông Dương (Cẩm Phả - Quảng Ninh):

Tại lò này đã từng xảy ra bục “túi nước” Nghe nói, cách đây không lâu, tại đây cũng đã từng xảy ra vụ bục “túi nước”?

Đúng thế. Cách đây 3 năm, tại lò này cũng đã từng có “túi nước” bị bục. “Túi nước” này tương đối lớn nhưng rất may không có thiệt hại về người, vì lúc đó đang đổi ca làm…

Việc nổ mìn có ảnh hưởng đến những người đang khai thác dưới hầm lò không?

Tất nhiên là có. Theo tôi được biết, hôm đó, do thiếu người nên đội khai thác 3 (đội bị kẹt trong lò) phải thuê công nhân của đội đào lò 2 nổ mìn nhưng công nhân của đội khai thác 3 không được thông báo việc này nên không kịp đề phòng.

Thứ nhất - Tại sao “túi nước” này đã tồn tại hàng chục năm nay lại không được phát hiện (mặc dù cả ông Kiển và ông Doãn Văn Quang - Giám đốc Cty Than Mông Dương trả lời báo chí là biết rất rõ nguyên nhân này)?

Thứ hai -Tại sao khi nổ mìn, các công nhân đang khai thác dưới hầm lò lại không được thông báo?

Thứ ba - Tại sao không tiến hành cứu người ở cửa Vũ Môn ngay từ khi sự cố xảy ra?

Về nguyên tắc, trước khi tiến hành khai thác than, công việc khoan thăm dò địa chất phải được tiến hành nghiêm túc, chu đáo. Thế nhưng, thực tế, việc thăm dò đã không được tiến hành hoặc tiến hành qua loa ở khu vực vỉa số 2, cao trình từ -80 đến +16, thuộc Cty Than Mông Dương – nơi xảy ra sập lò. Hơn nữa, “túi nước” bị bục (nguyên nhân sập lò) là rất lớn, ước khoảng 1.000 m3 (theo lời Tổng giám đốc TKV Đoàn Văn Kiển).

Túi nước lớn như vậy, tại sao nói là “không phát hiện được”?!  Một số thợ lò cho biết, cách đây 4 năm, người ta đã biết sự tồn tại của “túi nước” này. Thế nhưng, với phương tiện thăm dò địa chất khá hiện đại của ngành than mà khẳng định là không phát hiện ra “túi nước” này là không “lọt tai”.

Không những vậy, khi tiến hành nổ mìn, chỉ những công nhân công trường 2 (phía trên núi) mới được thông báo; còn những công nhân công trường 3 đang khai thác than dưới hầm cách đó khoảng 100 m thì không được thông báo.

Tiếp xúc với PV Tiền Phong, một số thợ lò thoát nạn cho rằng, nếu được thông báo việc nổ mìn ở vị trí trên thì chắc chắn chẳng thợ lò nào dám ở dưới lò; hoặc nếu ở thì cũng núp tránh, đảm bảo an toàn…

Trao đổi về vấn đề này, nhiều thợ mỏ có kinh nghiệm không mấy ngạc nhiên. Bởi lẽ, quy trình làm việc kiểu này vẫn hằng ngày hằng giờ diễn ra tại đây. Điều đó thể hiện sự cẩu thả và thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn lao động của các nhà quản lý ngành than và cả những người thợ mỏ.

Lật lại hồ sơ vụ việc: Đến 20 giờ ngày 1/4, tức là sau 27 tiếng đồng hồ tiến hành đào bới từ cửa chính vào khu vực cửa Vũ Môn vẫn không có kết quả, các tốp cứu hộ mới được lệnh chuyển hướng đào từ cửa Vũ Môn.

Và chỉ sau 4 tiếng đồng hồ (lúc 23 h 30 phút), lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã cứu được 6 người; đồng thời xác định được vị trí 8 người khác. Từ kết quả này, người ta đã nhanh chóng đưa được những người bị mắc kẹt lên mặt đất, nhanh chóng hoàn thành công việc cứu hộ, cứu nạn.

Tại sao không đào ngay từ đầu ở cửa Vũ Môn? Có người cho rằng, đây là khu vực chưa được phê duyệt khai thác nên nếu tiến hành tại đây thì sẽ bị bại lộ (?)

Chưa biết ý kiến này đúng sai ra sao nhưng dư luận không khỏi thắc mắc: Tại sao ngay sau khi biết chúng tôi về tìm hiểu vụ việc, ông Doãn Văn Quang - Giám đốc Cty Than Mông Dương đã yêu cầu các thợ lò thoát nạn không được tiếp xúc và trả lời báo chí.

Đằng sau việc cấm công nhân tiếp xúc với báo chí là sự uẩn khúc nào đấy chăng?

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.