Đằng sau những chuyến hàng cứu trợ

Sắp xếp, phân loại quần áo quyên góp cứu trợ cho miền Trung tại TƯ Hội Chữ thập đỏ VN. Ảnh: Bee.net
Sắp xếp, phân loại quần áo quyên góp cứu trợ cho miền Trung tại TƯ Hội Chữ thập đỏ VN. Ảnh: Bee.net
“Hội chữ thập đỏ các địa phương đều không có phương tiện chuyên chở, nên mỗi khi vận chuyển hàng cứu trợ cho bà con đều phải thuê xe, chưa kể việc thiếu kho bãi, thiếu người… là những khó khăn dễ thấy nhất”.

Vượt khó đi cứu trợ

Là người trực tiếp vào cứu trợ người dân miền Trung, ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch TƯ Hội Chữ thập đỏ VN cho hay: "Cuối tháng 10, TƯ Hội Chữ thập đỏ VN đã chuyển ba toa tàu hàng cứu trợ cho Nghệ An và Hà Tĩnh. Do thời điểm đó đường sắt chưa được nối thông nên khi đến ga Vinh (Nghệ An), số hàng cứu trợ cho Hà Tĩnh phải chuyển sang chở bằng ô tô. Vì không có phương tiện vận chuyển riêng, nên chúng tôi phải thuê phương tiện vận chuyển".

Cũng theo ông Thái, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Hội chữ thập đỏ tại các địa phương, là thiếu kho hàng, con người, phương tiện chuyên chở...

Hiện nay, kho của các Hội địa phương chỉ là một vài phòng làm việc được chính quyền bố trí cho “mượn tạm” để chứa hàng khi cần thiết. Đặc biệt là phần nhân sự, mỗi Hội tỉnh cũng chỉ có vài người, trong khi đó nhận được hàng cứu trợ họ còn phải tiến hành phân loại, lựa chọn, đóng gói… sau đó đem phân phát cho người dân.

Ngoài ra, kinh phí hoạt động của Hội cũng là một vấn đề lớn. Phương tiện vận chuyển đều phải đi thuê, nhiều lúc đến kho chứa hàng cũng phải thuê, trong khi đó, hàng mua cứu trợ vẫn phải chịu thuế 10%... tất cả chi phí do Hội chịu hết, Nhà nước chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ.

“Năm ngoái chúng tôi mua hàng cứu trợ mất hơn 6 tỉ tiền thuế, còn Nhà nước chỉ hỗ trợ thuế có 900 triệu, cùng vài trăm triệu tiền vận chuyển, kinh phí hoạt động… Tới giờ tiền thuế vẫn chưa được hoàn lại. Số chênh lệnh chúng tôi phải kêu gọi những sự ủng hộ khác để bù vào. Nếu Nhà nước không thu tiền thuế đối với hàng cứu trợ, số tiền đó chắc chắn sẽ còn giúp được nhiều người dân hơn nữa”, ông Thái nhẩm tính.

Sân của TƯ Hội Chữ thập đỏ VN chật kín hàng cứu trợ, nhưng từng giờ vẫn có xe chở hàng cứu trợ tới. Ảnh: Bee.net
Sân của TƯ Hội Chữ thập đỏ VN chật kín hàng cứu trợ, nhưng từng giờ vẫn có xe chở hàng cứu trợ tới. Ảnh: Bee.net.

Ngoài ra, hiện nay việc phối hợp cứu trợ giữa Hội và các tổ chức, cá nhân chưa được tốt, mỗi ngày các tỉnh miền Trung tiếp đón khoảng 200-300 đoàn vào cứu trợ, lãnh đạo địa phương mất gần như cả ngày chỉ để tiếp các đoàn cứu trợ.

“Thế nên mới có chuyện, một ngày người dân được xã gọi lên cả chục lần để nhận hàng cứu trợ, lần ít chỉ 1kg gạo, lần nhiều thì một bao gạo, người thì nhận tới 900 gói mỳ tôm…” ông Thái ví dụ.

Hàng chuyển xuống tận xóm ở xã Hưng Lam đã được sàng lọc kĩ. Ảnh: Bee.net
Hàng chuyển xuống tận xóm ở xã Hưng Lam đã được sàng lọc kĩ. Ảnh: Bee.net.

“Có được manh áo mặc quý lắm”

Sau khi dư luận phản ánh vụ “Hàng cứu trợ thành... giẻ rách”, có nhiều ý kiến trái chiều: Có độc giả cảm thông: Không ít quần áo cũ đã quá bẩn hoặc quá rách, thì việc làm ở xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An không hề hạ thấp “uy tín” hay không tin tưởng tấm lòng của đồng bào mà nó còn “nâng cao giá trị của quà” như cách nói của ông Nguyễn Văn Hào - Chủ tịch UBND xã Hưng Lam.

Các lô quần áo cũ được chuyển về địa phương này, cán bộ xã đã huy động mọi người tiến hành phân loại, chọn lọc: Quần áo này thì ở xóm này cần; cái khác xóm kia cần; thứ khác thì ưu tiên cho chỗ kia còn nhiều trẻ em đáng thương; trường này thì nhu cầu cấp thiết là chăn ấm cho các em; bà cụ nọ lại cần manh áo ấm để mặc khi mùa đông đến…

“Hàng cứu trợ về nhất là quần áo là anh em lại lao vào chọn lọc ngay. Không phải anh em không tin tưởng đâu. Mà cái chính là làm sao tấm lòng của người dân cả nước về đến tận tay người nhận một cách thiết thực”, ông Hào nói.

“Chọn lọc quần áo cũ để nâng cao giá trị”. Ảnh: Bee.net
“Chọn lọc quần áo cũ để nâng cao giá trị”. Ảnh: Bee.net.

Việc làm này tưởng quá nhỏ bé nhưng lại rất cần thiết. “Quần áo chuyển về là chúng tôi được ngay. Xã tui còn nghèo lắm. Có được manh áo để mặc quý lắm”, chị Nguyễn Thị Lê ở xóm 5 tâm sự.

Giải thích về cái sự “kỹ tính” của xã mình, ông Nguyễn Văn Hào cho rằng tất nhiên trong nhiều tấn hàng cứu trợ là quần áo thì không tránh được cái này cái nọ. “Để đưa hàng cứu trợ đến tận tay người nhận anh em phải có trách nhiệm sàng lọc lại. Việc làm này có tính chất là nâng cao giá trị quà của các tổ chức cá nhân”.

Dân mình nghèo nên trân trọng tất cả các mặt hàng gửi về cho mình. Hàng phát về cho dân, dân sử dụng một cách trân trọng. “Tâm lý của người phát động, ủng hộ gom hàng cứu trợ thì càng nhiều càng tốt. Nhiều lúc người đưa đi ủng hộ cũng vì cái tâm, vì tấm lòng thơm thảo cả nên khi có chuyện gì sơ suất cũng nên chia sẻ…”, chủ tịch xã Hưng Lam nói.

Mới đây trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Đường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng tâm sự: “Tấm lòng của nhà hảo tâm đối với người dân vùng gặp nạn là cao cả. Nhưng giá như khi hàng cứu trợ về, đơn vị tiếp nhận kiểm tra lại: Quần áo bẩn thì mình đem đi giặt lại cho thơm tho. Cái rách thì mình may lại. Sau đó đem trao đến tận tay cho người dân thì quý biết mấy…”.

Theo Lê Việt - Trọng Đức
Khoa học đời sống online

MỚI - NÓNG