Đảng tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Đảng tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo
“Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”.
Đảng tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ảnh 1
Quang cảnh buổi họp báo.

Ông Ngô Yên Thi, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã nói rõ điều này tại buổi họp báo về “Chính sách tôn giáo và việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân ở Việt Nam”, được tổ chức chiều nay (24/4), nhân dịp diễn ra Đại hội Đảng X.

Theo báo cáo của ông Thi, quan điểm của Đảng tiếp tục khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

Cũng về chính sách tôn giáo ở Việt Nam, báo cáo nêu rõ: “Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, có cả những hình thức tín ngưỡng dân gian, đồng thời cũng có những tôn giáo hoàn chỉnh đan xen trong các khu vực dân cư.

Với số tín đồ các tôn giáo hơn 20 triệu người, chiếm 25% dân số trong cả nước; hơn 60.000 chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo; hơn 22.000 cơ sở thờ tự tôn giáo; 16 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và còn một số tôn giáo như: Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Baha’i và các hệ phái Tin lành như Cơ Đốc Truyền giáo, Cơ Đốc Phục Lâm, Báp tít... Mặc dù chưa được công nhận nhưng tín đồ vẫn được duy trì sinh hoạt tôn giáo bình thường, tạo nên mặt đời sống tâm linh tôn giáo phong phú ở khắp các vùng, miền ở Việt Nam”.

Ông Ngô Yên Thi cũng cho biết: chính sách tôn giáo của Việt Nam tiếp tục được khẳng định nhất quán trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và ngày càng được cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động tôn giáo nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, bảo đảm sự đoàn kết, hòa hợp giữa cộng đồng những người có tín ngưỡng, tôn giáo và những người không có tín ngưỡng, tôn giáo, những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Về những kết quả chủ yếu trong việc thực hiện chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam thời gian qua, ông Thi nêu rõ: Nhà nước Việt Nam đã triển khai các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trong đó đặc biệt chú trọng đến các vùng sâu, vùng xa, vùng miến núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào các tôn giáo; Bảo đảm và tạo điều kiện để sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ được diễn ra bình thường trên các lĩnh vực.

Báo cáo đã dẫn ra các số liệu thống kê tôn giáo của 38/64 tỉnh, thành phố trên cả nước, (từ 2003 – 2005): số chức sắc được phong chức, bổ nhiệm và thuyên chuyển là 3.621 vị; số chức sắc đang được đào tạo tại các trường lớp tôn giáo là 14.446; số tốt nghiệp ra trường là 12.380; các tôn giáo được tạo điều kiện in, ấn xuất bản kinh, sách gần 1.000 đầu kinh, sách tôn giáo với hàng triệu bản in; số cơ sở thờ tự được xây mới là 832, tu bổ, sửa chữa là 1.051.

Cũng theo báo cáo của ông Ngô Yên Thi, Chính phủ đã tập trung triển khai việc bảo đảm và tạo các điều kiện cần thiết để đồng bào tín đồ các tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên sinh hoạt tôn giáo ổn định.

Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên có 47 chi hội đã được công nhận; hướng dẫn và giúp đỡ cho gần 700 điểm, nhóm đăng ký sinh hoạt tôn giáo, riêng lễ Noel năm 2005 có 600 điểm nhóm tổ chức lễ cho tín đồ; Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đã mở 03 lớp bồi dưỡng thần học cho 113 truyền đạo, chấp sự; 22 tín hữu được cử đi học tại Việt Thánh kinh thần học; một số chi hội mới thành lập được cấp đất xây dựng nhà thờ.

Các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc hiện đang triển khai kế hoạch hướng dẫn các điểm, nhóm Tin lành chưa được công nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo và từng bước xem xét công nhận, tạo điều kiện về nơi sinh hoạt tôn giáo cho đồng bào theo đạo Tin lành.

Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân tôn giáo được tạo điều kiện mở rộng quan hệ đối ngoại với các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong khu vực và quốc tế; tham gia các cuộc hội thảo quốc tế về tôn giáo và các sinh hoạt tôn giáo ở nước ngoài; mời các tổ chức, cá nhân tôn giáo nước ngoài vào thăm và tổ chức một số hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, tạo được sự hiểu biết lẫn nhau. Các tín đồ tôn giáo là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam được các tỉnh, thành phố tạo điều kiện giúp đỡ về địa điểm sinh hoạt, được các tổ chức tôn giáo cử chức sắc hướng dẫn việc đạo.

Đối với các tổ chức, hệ phái tôn giáo chưa được công nhận như: Tịnh Độ Cư Sỹ Phật Hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Baha’i và các hệ phái Tin lành Cơ Đốc Truyền giáo, Cơ Đốc Phục Lâm, Báp tít.v.v... thời gian qua vẫn duy trì sinh hoạt tôn giáo bình thường. Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương cho đăng ký hoạt động tôn giáo, từng bước xem xét để công nhận về mặt tổ chức theo quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Ông Yên Thi cũng cho rằng: “Từ những kết quả trên đã khẳng định một thực tế là chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam và việc thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian qua đã đáp ứng về cơ bản nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng và hợp pháp của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành của các tổ chức tôn giáo.

Mặc dù trong quá trình thực hiện có lúc, có nơi còn gặp một số vướng mắc nhưng những chuyển biến trong hoạt động tôn giáo bước đầu đã khẳng định việc thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chỉ trên văn bản mà đã đi vào đời sống tôn giáo, đời sống xã hội.

Đông đảo tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo yên tâm, phấn khởi tin tưởng vào chính sách và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

TTXVN 

MỚI - NÓNG