Đánh giá động đất kích thích cho Thủy điện cỡ vừa: Lỗ hổng pháp lý

Đánh giá động đất kích thích cho Thủy điện cỡ vừa: Lỗ hổng pháp lý
TP - Xung quanh nghi vấn sao chép bản đánh giá tác động môi trường của thủy điện Sông Tranh 2, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với PGS Cao Đình Triều- Tổng Thư ký Hội Địa Vật lý, nguyên trưởng phòng Địa Động lực, Viện Vật lý Địa cầu.

> Bắc Trà My lại rung chuyển: Tin số liệu nào?

Thưa ông, có hiện tượng sao chép số liệu lẫn nhau trong các báo cáo đánh giá nguy cơ động đất cho ba dự án thủy điện Sông Tranh 2, A Vương 1, và Đăk Mi 4?

Sao chép hay không, chỉ cần đối chiếu câu chữ trong từng báo cáo thì người bình thường cũng có thể nhận ra. Có điều, cần lưu ý đến việc sử dụng các số liệu địa chất nền khi đánh giá tình hình địa chấn của một vùng nào đó.

Ba công trình thủy điện nêu trên nằm trên một diện tích khá nhỏ nên khó tránh khỏi việc sử dụng các thông số địa chất cơ bản trên bản đồ địa chất quốc gia.

Nhưng lẽ ra nhóm các nhà khoa học ở Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC) phải cụ thể hóa các số liệu nền cho từng vùng thủy điện? Họ đã không có điều tra cụ thể tại ba vùng thủy điện trên?

 Sao chép hay không, chỉ cần đối chiếu câu chữ trong từng báo cáo thì người bình thường cũng có thể nhận ra

Phải căn cứ vào hợp đồng cụ thể vào thời điểm đó giữa chủ đầu tư với Viện VLĐC xem họ có đặt hàng các nhà khoa học làm nghiên cứu vi phân vùng động đất địa phương không, có khoản kinh phí cụ thể nào được chủ đầu tư bố trí chi cho các nhà khoa học tiến hành quan trắc và khảo sát vùng không. Nếu có, Viện VLĐC phải chịu trách nhiệm.

Nếu phải nghiên cứu vi phân vùng động đất cho từng khu vực dự kiến xây dựng công trình thủy điện, cụ thể phải làm những gì?

Phải tìm hiểu kỹ các đứt gãy địa chất địa phương bên cạnh các đứt gãy lớn thể hiện trên bản đồ phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam lập từ năm 1994 cũng như bản đồ phân vùng gia tốc lãnh thổ Việt Nam.

Phải tìm hiểu xem có các mối liên hệ nào không giữa nơi định đặt hồ chứa với các đứt gãy địa phương mà bản đồ quốc gia không thể hiện được.

Tôi cam đoan, nếu dự án Sông Tranh 2 làm được nghiên cứu vi phân vùng động đất một cách bài bản như thế trước khi thiết kế và thi công, rất có thể chúng ta không đến nỗi giật mình bởi hàng loạt trận động đất vừa qua.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cả chủ đầu tư và các nhà khoa học được đặt hàng bỏ qua khâu nghiên cứu vi phân vùng động đất?

Tôi được biết rất ít chủ đầu tư công trình thủy điện vừa và nhỏ nào ở Việt Nam (VN) tự giác bỏ tiền để thuê nghiên cứu nguy cơ động đất kích thích do công trình thủy điện của mình gây ra. Nhiều nguyên nhân có thể khiến họ lờ đầu việc này.

Thứ nhất là kinh phí cho nghiên cứu không hề nhỏ và thời gian cho nghiên cứu không hề ngắn. Thứ hai, về lý thuyết, khi thấy dung tích hồ chứa của mình chưa đủ lớn, dưới một tỷ m3, là họ gần như yên tâm. Thứ ba, tại VN, mà cụ thể là tỉnh Quảng Nam, ít xảy ra động đất.

Hơn nữa, ngoài động đất kích thích xảy ra cách đây hơn 20 năm ở Thủy điện Hòa Bình với dung tích hồ chứa lớn gấp đôi Sông Tranh 2, hầu như chưa có trận động đất kích thích nào do hồ chứa ở nước ta được ghi nhận.

Những yếu tố ấy dễ gây tâm lý chủ quan cho tất cả các bên. Và, cuối cùng nhưng quan trọng hơn cả, chưa có bất cứ văn bản pháp lý nào quy định chủ các công trình thủy điện cỡ vừa kiểu như Thủy điện Sông Tranh 2 trở xuống phải điều tra đánh giá nguy cơ động đất kích thích.

Với những gì đang xảy ra ở Sông Tranh 2, mọi lý do nêu trên không còn cơ sở nữa?

Đã đến lúc phải rà soát lại tất cả các văn bản pháp lý liên quan đến an toàn hồ đập, liên quan đến việc điều tra địa chất bắt buộc các công trình xây dựng.

Cũng đã đến lúc không chỉ tìm cách đổ lỗi cho các nhà khoa học. Thay vào đó, cần nhìn lại xem sự quan tâm của xã hội, của các cấp chính quyền đến nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu cơ bản ra sao. Sự quan tâm ấy đã tương xứng với mong đợi mà xã hội đặt lên vai họ mỗi khi xảy ra biến cố chưa?

Cám ơn ông.

QD thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG