Đào thất thốn Đà Lạt bung sắc dịp tết Canh Tý

Đào thất thốn đặc hữu Đà Lạt
Đào thất thốn đặc hữu Đà Lạt
TPO - Trong khi nhà nông ở nhiều địa phương âu lo vì đa số các loài mai và đào đều nở rộ trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thì đào thất thốn đặc hữu quý hiếm của TP.Đà Lạt lại nở đúng Tết, được người chơi hoa sành điệu săn lùng.

Ghé thăm vườn của một số nghệ nhân trồng đào thất thốn, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những chậu đào thất thốn đặc hữu Đà Lạt nở những đóa hoa 5 cánh chúm chím màu hồng phấn đẹp đến nao lòng, tỏa hương dìu dịu. Mỗi đóa có 1 vòi nhụy cái và khoảng 25 cuống cùng với những túi phấn hoa màu vàng duyên dáng. Hoa nở cả ở gốc, cành và thân cây thật lạ mắt.

Đặc biệt, các nghệ nhân chơi đào lão luyện ở Đà Lạt đã dày công nghiên cứu, “ép” cho cây đào thất thốn vừa nở hoa vừa kết trái trông thật đẹp mắt và nâng cao giá trị của cây. 

Đào thất thốn Đà Lạt bung sắc dịp tết Canh Tý ảnh 1 Cây vừa trổ hoa vừa kết quả rất đẹp..

Loài cây này có giá trị trang trí đến hai lần, một lần vào dịp Tết Nguyên đán khi cây ra hoa và một lần vào khoảng tháng tư Âm lịch khi trái chín trĩu cành. Quả đào khá lớn (đường kính trung bình từ 4-6cm) ngọt và thơm, màu vàng với má hồng sậm, hạt nhỏ, vỏ mỏng, ít lông, quả rất sai.

Đào thất thốn Đà Lạt bung sắc dịp tết Canh Tý ảnh 2 Bon sai quả đào thất thốn Đà Lạt.

Đây là loại đào siêu lùn, cây mấy chục năm tuổi cũng chỉ cao chưa tới 1m, thường phải trồng đến năm thứ 3 mới đơm hoa. Chiều cao của cây phát triển rất chậm, mỗi năm cành và thân đào chỉ dài thêm được khoảng 3-4cm.

Từ gốc đến cành đào đều nổi u, mấu xù xì, mang dáng vẻ cổ kính, tựa như gốc đa già phong trần sương gió. Là loài cây cứng và dòn nên rất khó uốn nhưng với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, hầu hết các cây đào thất thốn Đà Lạt đều có dáng thế đẹp, giá trị nghệ thuật cao.

Đào thất thốn Đà Lạt bung sắc dịp tết Canh Tý ảnh 3 Đào thất thốn có dáng thế đẹp.

“Đào Thất Thốn Đà Lạt là giống đào quý có tên khoa học Prunus Persica; để tạo được cây có dáng đẹp phải mất từ 15 - 30 năm trồng và chăm sóc nên rất kén người chơi”, nghệ nhân Vũ Thành Hưng (Phường 2, TP.Đà Lạt) quả quyết.

Ông Hưng cho biết cụ Vũ Hữu Sửu là người đầu tiên gây giống và phát triển loài cây này (năm 1968). Sau đó cụ Ngô Nhật Tiên (ấp Hà Đông) đưa cây vào trồng trong chậu và tạo dáng thế để phát triển thêm về mặt nghệ thuật. Cả hai cụ nay đã mất.

Hiện nay ở Đà Lạt, anh Bùi Văn Sang (Phường 4) là người sở hữu nhiều cây đào thất thốn nhất, trong đó có 10 cây từ 10-50 năm tuổi. Những mùa hoa trước, anh đã bán 4 cây đào thất thốn lâu niên với giá cả trăm triệu đồng mỗi cây. Năm nay vườn của anh có gần 20 cây nở hoa, gồm đào thất thốn nguồn gốc từ làng đào Nhật Tân (Hà Nội) và đào thất thốn đặc hữu Đà Lạt. Cây 50 năm có giá 100 triệu đồng, nếu cho thuê chưng Tết thì 30 triệu đồng/cây.

Đào thất thốn Đà Lạt bung sắc dịp tết Canh Tý ảnh 4 Đào thất thốn được chăm sóc công phu, tỉ mỉ..

Năm nay, tại Đà Lạt, hầu hết các cây đào thất thốn nguồn gốc từ làng đào Nhật Tân đều nở hoa trước Tết, trong khi đào thất thốn đặc hữu cao nguyên vẫn nở vào đúng dịp Tết. Là loài hoa đẹp, quý hiếm, lại chưa bao giờ lỡ hẹn với Tết Nguyên đán dẫu cho thời tiết mưa nắng thất thường, do đó đào thất thốn Đà lạt rất được ưa chuộng.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.