Đất đai tại HN và TPHCM: Nóng bỏng chuyện giải tỏa, đền bù

Đất đai tại HN và TPHCM: Nóng bỏng chuyện giải tỏa, đền bù
Ngày 24/8, Thứ trưởng Đặng Hùng Võ dẫn đầu Đoàn kiểm tra số 2 xuống làm việc tại xã Trung Văn (Từ Liêm). Đây là xã ven đô nhưng nhiều năm nay rất “nóng bỏng” về đất đai.

Hàng trăm người dân kéo đến chật kín hội trường đối thoại và kiến nghị.

Ông Trần Quốc Đoan - đại diện cho 104 hộ dân tổ 18-nơi bị thu hồi đất để thực hiện dự án xây chung cư phản ánh: Khi thực hiện dự án, chính quyền xã không công khai quy hoạch, giá đền bù nhập nhằng.

Các quyết định của thành phố, của huyện ban hành tùy tiện, đẩy dân vào việc đã rồi, khiến 104 hộ (hơn 500 cư dân) từ chỗ cư trú hợp pháp, nhiều nhà có sổ đỏ và sử dụng đất lâu dài ổn định rơi vào hoàn cảnh cư trú bất hợp pháp!

Khi dân làm đơn thắc mắc thì chính quyền hạch sách, bắt dân chờ đủ 45 ngày mới trả lời! Ông Đoan cùng 100 hộ dân tố cáo: “Quyết định số 3982 ngày 28/6/2004 của UBND thành phố Hà Nội khi buộc phải cho dân xem không hiểu sao đã bị sửa chữa nhập nhèm.

“Kỳ cục hơn, quyết định này mới chỉ cho phép Cty CP Xây dựng số 3 (VINACONEX) lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, Hội đồng GPMB huyện đã cho thu hồi đất, không bàn bạc, thống nhất giá cả với dân theo quy định.

Nhưng bức xúc nhất chính là chuyện người dân đã sinh sống ổn định tại đây từ những năm 1960, đất đã có sổ đỏ nhưng địa phương lại báo cáo là “đất ao hồ, hoang hoá, chỉ có một số hộ dân sinh sống!”.

Kỳ lạ hơn, khi dự án mới ở giai đoạn khảo sát, ông Lê Văn Thư - Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm đã ra thông báo cho dân “ngừng sản xuất”. Ngay sau đó, trên một số tờ báo lập tức có đăng tin bán những lô đất mà người dân vẫn đang sử dụng với giá 35 triệu đồng/m2. (Nhưng lại chỉ đền bù cho dân với giá đất nông nghiệp)

“Vậy việc báo cáo sai, dẫn đến làm sai lệch chủ trương của thành phố, gây thiệt hại cho dân, ai phải chịu trách nhiệm?” - ông Trần Quang Bình chất vấn.

Chưa hết, nhiều hộ dân cho biết dự án xây dựng Trường THCS Trung Văn đang bị biến tấu thành dự án xây dựng thành một trường Dân lập. Dân hỏi, xã trả lời dân không có chuyện đó. Nhưng khi người dân đưa ra một Quyết định của huyện Từ Liêm thì ông Lê Văn Thư, Phó Chủ tịch im lặng không trả lời được.

Đất ở hợp pháp bị cưỡng chế vì chưa có “sổ đỏ”

Một thực tế đáng lo ngại mà đoàn công tác ghi nhận đó là khi kê khai làm sổ đỏ, người dân thường bị “hành”. Đất chưa có sổ đỏ thường dễ bị coi là đất chưa hợp pháp cho dù người dân ở ổn định nhiều chục năm.

“Nếu muốn có sổ đỏ thì phải chạy tiền (mỗi hồ sơ phải nộp từ 15-50 triệu đồng). Và tôi xin cung cấp với đoàn công tác danh sách khoảng 10 người đã chạy tiền để làm sổ đỏ”, ông Trần Quang Bình nói với đoàn công tác.

Trong buổi làm việc sáng 24/8, ông Đặng Hùng Võ đề nghị: “Bà con hãy mạnh dạn phát hiện sai phạm của địa phương, gửi đơn và gọi điện đường dây nóng cho Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ luôn sẵn sàng giải quyết những vướng mắc của dân”, ông Võ khuyến khích.

Hôm nay, 25/8 đoàn công tác sẽ tiếp xúc với nhân dân phường Tứ Liên (Tây Hồ), Thịnh Liệt (Hoàng Mai) những vấn đề “nóng” về đất đai, sổ đỏ, đền bù giải phóng mặt bằng...

Dân bức xúc không chỉ vì giá đền bù quá thấp

Ngày 24/8, Đoàn Kiểm tra số 1 (Bộ Tài nguyên – Môi trường) đã tiến hành kiểm tra việc thi hành Luật đất đai năm 2003 trên địa bàn quận 9.

Mặc dù ông Trưởng đoàn Nguyễn Khải đã nhiều lần khẳng định: Bộ TN-MT chỉ lắng nghe dân phản ánh chứ không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo nhưng đã có hơn 500 hộ dân chầu chực chờ Đoàn công tác trong suốt nhiều giờ, khiến trụ sở UBND quận quá tải, phải dời địa điểm sang Nhà thiếu nhi quận.

“Vì sao, lí do gì khiến người dân bức xúc nhiều đến như vậy?”. Đó là những vấn đề cần làm rõ đã được đoàn kiểm tra đặt ra đối với chính quyền địa phương …

Theo ông Lê Trọng Sang, Chủ tịch UBND quận, quận 9 hiện có 186 dự án đã và đang được triển khai với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 8.380 hộ.

Người dân bị giải tỏa tại các dự án sử dụng vốn ngân sách, xây dựng các công trình công cộng khiếu nại vì giá đền bù thấp hơn so với các dự án kinh doanh liền kề và giá đền bù không thống nhất.

Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, cùng một khu vực (phường Tân Phú), giá đền bù tại 3 dự án Khu công nghệ cao (KCNC), đường vào  KCNC và nút giao thông đường xuyên á khác nhau.

Chẳng hạn 2 dự án KCNC và nút giao đường xuyên Á cùng triển khai năm 2002, giá đất ở mặt tiền xa lộ Hà Nội là 1,5 triệu đồng/m2 nhưng nút giao đường xuyên á triển khai thành 2 giai đoạn, giai đoạn 2 (2003) giá đất ở tại vị trí nói trên được điều chỉnh tăng thêm 10%, thành 1,65 triệu đồng. Vì vậy, nhiều hộ dân bị giải tỏa dự án KCNC thắc mắc và phát sinh khiếu nại.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND quận, cái khó không chỉ là vấn đề bồi thường mà là áp lực tái định cư (TĐC) cho số hộ bị giải tỏa. Hiện nay, quận 9 đang đối mặt với tình trạng “giải tỏa chống giải tỏa”.

Để TĐC cho các hộ dân bị giải tỏa của dự án A, quận phải giải tỏa nhiều hộ dân ở dự án B để tạo quỹ nhà, nền đất TĐC và cứ thực hiện theo kiểu rượt đuổi như thế, trong khi, vấn đề giải phóng mặt bằng hiện nay hết sức khó khăn.

Hiện tại, quận đang xây dựng 6 khu TĐC (quy mô 143ha) phục vụ các dự án trọng điểm nhưng hầu hết đều chưa hoàn chỉnh với tổng số nền nhà có thể bố trí ngay chỉ hơn 1000 - rất khiêm tốn so với con số TĐC.

Do những khó khăn trên nên “Người dân bị thu hồi đất đã rất bức xúc vì không biết sẽ được tái định cư ở đâu. Nếu biết trước giá đền bù và điều kiện tái định cư, tôi tin khiếu nại của người dân sẽ giảm đáng kể” - ông Phan Nguyễn Như Khuê, Bí thư quận 9 khẳng định.

Ông Nguyễn Khải đồng tình: TĐC tại chỗ là biện pháp thỏa đáng và khả thi nhất. Tại sao nơi người dân cần thì địa phương không tái bố trí mà lại đi tìm những nơi mà người dân không muốn, làm công tác này vừa trở nên phức tạp, vừa kéo dài gây bức xúc cho người dân. 

MỚI - NÓNG