Đất lành bên bờ Biển Tây

Phơi cá bên cửa biển Sông Đốc.
Phơi cá bên cửa biển Sông Đốc.
TP - Ở ven bờ Biển Tây Cà Mau, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời) nhộn nhịp, đông đúc, tấp nập theo nhịp điệu chuyến biển. Nắng gió mang theo hương vị đặc sản khô cá đón Tết càng làm cho không khí mặn mà, níu chân người.

“Cha truyền, con nối” vươn ra biển

Ở Sông Đốc, nhiều dòng họ vài ba đời sống khá giả bằng nghề khai thác biển “cha truyền con nối” vươn xa khơi. Trong ngôi nhà rộng rãi, khang trang, mới xây cất để dưỡng già ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc, ông Nguyễn Tấn Biểu (Tư Biểu), 66 tuổi, mở đầu câu chuyện: “Tui nghỉ hưu, truyền cho con cháu nhưng phải theo dõi, hỗ trợ kinh nghiệm để làm nghề “lớn thuyền, lớn sóng”.

Ông Tư Biểu kể rằng, cha ông làm nghề nò Xiêm ven bờ, bắt tôm cá, nuôi 7 người con khôn lớn, lập nghiệp ở Sông Đốc và sang Úc. Là con trai, ông Tư Biểu được cho đi học lớp Đệ Nhất, Đệ Nhị (lớp 6-7 bây giờ), rồi về gia đình phụ nghề biển lúc đôi mươi, nối nghề cha.

Những ký ức “biển bạc” của ông Tư Biểu hiện ra qua lời kể: “Hồi trước, cá rúng vô nò hàng trăm tấn, bắt vài chục tấn, lại bắt từ từ vì không có chỗ bán, phải làm khô để dành”.

“Nghề biển dễ kiếm tiền tỷ nhưng chi phí rất cao, rủi ro cũng lớn nên biết cách tích lũy, vốn lớn mới làm ăn lớn được”. 

Ông Nguyễn Tấn Biểu

Sau giải phóng miền Nam, cha mẹ già, ông Tư Biểu tận dụng 2 chiếc tàu nhỏ đi biển làm nghề xiệp, lưới cào, lưới vây ven cửa Sông Đốc. Ông Tư Biểu đóng tàu lớn hơn, gắn máy mạnh hơn để chia cho 4 người con tiếp tục vươn xa, với đội tàu 20 chiếc, mang nhãn hiệu Phi Yến.

Bà Trần Thị Dung, 64 tuổi, vợ ông Tư Biểu vừa trông coi hàng trăm người vá lưới, vừa kể chuyện: “Giá xăng dầu giảm, bà con đỡ hết sức, giảm chi phí, tàu đi lâu hơn, xa hơn”.

Trong đoàn tàu gia đình ông Tư Biểu có 5 chiếc tàu lưới giá từ 3-4 tỷ đồng/chiếc, còn lại tàu trông đèn giá vài trăm triệu đồng. Mấy căn nhà rộng thênh thang của ông Tư Biểu làm xưởng có hàng trăm lao động nữ vá lưới, lo hậu cần chuyến biển và tiêu thụ sản phẩm.

Để giữ chân bạn chài lưới, vợ chồng ông xây dựng mấy chục phòng trọ cho gia đình ngư phủ ở.

Mô hình gia đình ngư phủ của vợ chồng ông Tư Biểu dần được các con nối bước. Ai cũng có tàu lớn, nhà rộng... Con lớn là Nguyễn Thanh Kỳ, 44 tuổi, học hết lớp 12, về đi biển. Rồi các cô gái Nguyễn Phi Yến, Nguyễn Thị Nhi Đào… có chồng làm ngư phủ giỏi, làm giàu từ biển.

Ông Tư Biểu nói: “Các con tôi làm ăn được mới lo nổi cháu nội, cháu ngoại lên thành phố học, rồi đi du học bên Úc. May lắm, đứa nào cũng ham học, học giỏi”.

Đất lành bên bờ Biển Tây ảnh 1

Công nhân bốc hải sản lên bờ.

Gia sản lão ngư hà tiện

Lần này trở lại thị trấn Sông Đốc, ông Đặng Đốc (Huế Bụng) vừa qua đời ở tuổi 87. Sinh thời, ông nổi tiếng hà tiện với vô số giai thoại như: Cả đời không mua tờ vé số, chỉ mặc quần bà ba để lâu cũ, không mang dép khi đi gần… vì sợ mòn. Nhưng ông giàu có, thành đạt với 4 người con trai làm ăn giỏi giang, học hành đỗ đạt cao nổi tiếng.

Ông Đặng Đốc, quê ở xã Cát Sơn (Phù Cát, Bình Định) vào Sông Đốc làm mướn cho hãng nước mắm, vừa gánh nước mắm bán dạo, có cái bụng phệ, nói giọng miền Trung nên người dân ở đây gọi là ông Huế Bụng.

Quãng đời thơ ấu cơ hàn, mồ côi, ly tán nên ông phải giữ bò mướn, trồng khoai, cấy lúa trên nương rẫy tự nuôi sống. Rồi ông tha phương vào Nam. Cửa biển Sông Đốc là điểm dừng chân vì không thể đi xa hơn nữa. Từ căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo, làm thuê, giờ có cơ ngơi đồ sộ ở Sông Đốc đều được ông tính bằng trọng lượng gạo.

“Thị trấn Sông Đốc đang nâng cấp thành thị xã là một trong ba đô thị động lực tỉnh Cà Mau. Với hàng ngàn tỷ phú với đoàn tàu khai thác biển hùng mạnh, hơn 1.000 cơ sở kinh doanh hậu cần nghề cá sẽ là đô thị công nghiệp nghề cá vững mạnh”.

Anh Đặng Thành, 53 tuổi, con trai lớn đang ở ngôi nhà của ông Huế Bụng được tính bằng 170 tấn gạo khi xây dựng, rồi tàu đánh cá trị giá 70 tấn gạo của cha mẹ cho ra riêng. Khi cha mẹ cho làm ăn riêng đã là tỷ phú trẻ với con tàu đánh cá thì nay đang làm chủ cửa hàng xăng dầu, 4 chiếc tàu khai thác biển, xí nghiệp chế biến cá cơm, vuông tôm rộng…

Vợ chồng anh Đặng Thành có 4 người con đều học đại học, du học ở Úc, Nhật. Anh Đặng Thành nhìn thằng con trai vừa tốt nghiệp đại học ở Úc nói: “Con trai tôi đó- Đặng Thạnh mới cưới vợ đang học đại học. Vài năm nữa, con dâu về giao cho tàu cá sắp sửa hoàn thành trị giá hơn 3 tỷ đồng và xí nghiệp chế biến cá cơm làm ăn”.

Anh Đặng Thành nói: “Tôi có 4 anh em trai. Tôi học lớp 9, nghỉ học, phụ giúp cha mẹ làm ăn. Còn các em học cao hơn, có cơ ngơi làm ăn riêng. Riêng thằng em là Đặng Tâm là tiến sĩ y khoa, làm việc tại TPHCM và vợ con đang ở Mỹ”.

Cũng nằm trên bờ bắc Sông Đốc, cơ ngơi anh em Đặng Thành khó lẫn với ai. Ông em Đặng Lợi có nhà máy chế biến bột cá, xí nghiệp cơ khí. Em nữa Đặng Lộc có xí nghiệp sản xuất bọc ni - lông, hãng nước mắm...

Chàng kỹ sư nửa chừng của Khoa điện - cơ Trường Đại học Bách khoa TPHCM Đặng Lợi nổi tiếng là nhà sáng chế. Được ông Huế Bụng đầu tư cho Đặng Lợi hàng trăm triệu đồng mua sắm thiết bị thành lập xưởng điện - cơ phục vụ đoàn tàu khai thác biển khi bỏ ngang đại học.

Ở đây, Đặng Lợi thiết kế, chế tạo, lắp đặt dây chuyền công nghệ chế biến bột cá hoàn toàn nội địa, đáp ứng nhu cầu khách hàng cả nước về chế biến bột cá.

Từ xưởng cơ khí Đặng Lợi, dây chuyền chế biến đến 9 nhà máy chế biến bột cá ở Sông Đốc, các cửa biển Cà Mau, Kiên Giang, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Dây chuyền chế biến bột cá do Đặng Lợi sáng chế cải tiến chất truyền nhiệt bằng nước thay thế cho dầu dẫn nhiệt. Khi ống dẫn nhiệt bị bào mòn, hư hỏng, nước chỉ làm cho sản phẩm chậm khô, sản phẩm giữ sạch, không nhiễm hóa chất. Bộ Khoa học - Công nghệ tặng cúp vàng năm 2007 và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2014 cho dây chuyền chế biến bột cá này.

Lật hồ sơ dự án cầu dân sinh có thu phí (BOT) nối đôi bờ Sông Đốc, với dự toán gần 60 tỷ đồng, Đặng Lợi nói: “Tôi đã lập dự án, khoan thăm dò địa chất, chuẩn bị đấu thầu. Nếu trúng thầu, tôi sẽ phát huy công trình bê - tông cốt thép kết hợp với cơ khí có thiết bị từ kinh nghiệm những năm qua”.

Đất lành bên bờ Biển Tây ảnh 2

Ông Đặng Lợi, nhà sáng chế dây chuyền chế biến bột cá.

Để tàu vươn xa

Thị trấn Sông Đốc gần 50 ngàn dân, đang chuyển mình thành thị xã Sông Đốc trong tương lai gần. Bà Nguyễn Thị Hường, tuổi 80, ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc nói: “Thấm thoắt đã 60 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Nhiều người rời cửa biển Sông Đốc nay không nhận ra nơi tiễn cán bộ, bộ đội ra Bắc”.

Trong số 1.373 tàu khai thác biển của ngư dân Sông Đốc có 895 tàu có công suất từ 90CV trở lên, có khả năng khai thác xa bờ dài ngày. Đoàn tàu ngư dân Sông Đốc vươn ra biển Tây, rồi lại sang biển Đông tùy theo mùa vụ khai thác biển.

Các doanh nghiệp Quang Bình, Quốc Hùng, Quốc Đạt, Bích Khải… đầu tư đội tàu có công suất mạnh, trọng tải lớn làm hậu cần nghề cá trên biển. Đoàn tàu các doanh nghiệp bán gì ngư dân cần, mua lại sản phẩm ngư dân ngay trên biển. Hải sản từ Sông Đốc lại lên xe đi các chợ đầu mối bán buôn.

Ngư dân Nguyễn Văn Hưng (Sáu Hưng) tâm đắc: “Có đội tàu hậu cần nghề cá các doanh nghiệp thu mua hải sản ngay trên biển, sản phẩm tươi, giá cao rất có lợi cho ngư dân. Nhất là, đoàn tàu có thể hoạt động khai thác vài tháng mà không cần vào đất liền tiếp nhiên liệu, nước đá muối ướp, bán sản phẩm”.

Vợ chồng ông Lê Huy Kiệt, Trần Kiều Oanh chưa đến 50 tuổi, đã làm chủ Cty TNHH MTV Quốc Đạt có đoàn tàu hậu cần nghề cá hùng mạnh, tạo thành “chợ hải sản” trên biển. Ông Lê Huy Kiệt nói: “Sang năm mới sẽ triển khai Nhà máy đông lạnh hải sản, không xuất bán thô, chế biến sâu để có giá trị gia tăng sản phẩm từ biển”. 

MỚI - NÓNG