Đặt lợi ích người dân lên hàng đầu khi áp thuế tự vệ

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đề nghị khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu.
TP - “Khi chúng ta áp dụng biện pháp phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước, thì phải vì lợi ích của người tiêu dùng, của nền kinh tế. Chứ cứ để tình trạng hàng hóa mua ở nước ngoài rẻ hơn trong nước là rất bất cập, không phù hợp”, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nói trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) chiều 25/3.

Theo ông Bảo, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập rất sâu với thế giới. Nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong và ngoài khu vực cũng đã được ký kết, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất và thương mại. Để bảo vệ cho sản xuất trong nước, các quốc gia đều sử dụng công cụ thuế để làm hàng rào bảo vệ. Tuy nhiên, nếu áp dụng các biện pháp phòng vệ không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

“Thời gian qua, khi chúng ta áp dụng biện pháp bảo vệ cho sản xuất thép trong nước, lập tức giá tăng cao ngay, khiến người dân và nền kinh tế thiệt. Vì thế, khi áp dụng các biện pháp bảo vệ, việc đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến là quyền lợi của người dân. Chúng ta đừng để tình trạng mua ở nước ngoài rẻ hơn trong nước cứ mãi xảy ra như sắt thép, xăng dầu…”, đại biểu Bảo nói.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) thì đề nghị, cần thông qua ngay Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) ngay trong kỳ họp này, chứ không cần đợi Hiệp định TPP được thông qua. Bởi việc ban hành luật này sẽ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận cũng có một số ý kiến đề nghị đợi Hiệp định TPP được ký kết mới tiến hành sửa đổi luật trên cho phù hợp. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mỗi quốc gia có quy trình, thẩm quyền và thời gian thông qua TPP khác nhau.

Trong khi đó, đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia 10 hiệp định thương mại khác nên việc thông qua Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đối với các quy định về thuế phòng vệ thương mại, ông Hiển cho rằng, đây là loại thuế nhập khẩu mang tính đặc thù, đánh vào hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, là một trong nhiều biện pháp về phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Các biện pháp này chỉ được quyết định dựa trên kết quả điều tra về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ do Bộ Công Thương tiến hành khi có dấu hiệu về thiệt hại đối với thị trường trong nước do hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài.

“Việc không quy định cụ thể về mức hoặc khung thuế suất trong Dự thảo Luật là phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời là lợi thế và tạo thuận lợi, chủ động cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều hành hoạt động thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu”, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

MỚI - NÓNG