Đất sau quy hoạch: Sốt sắng với doanh nghiệp, lơ là với dân?

Đất sau quy hoạch: Sốt sắng với doanh nghiệp, lơ là với dân?
TP - Sau khi quy hoạch, đất đai người dân đang sử dụng có thêm chủ mới: Doanh nghiệp đầu tư dự án. Phần đất còn lại vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân. Một số quận huyện ở TP Cần Thơ thể hiện sự “nhất bên trọng nhất bên khinh” quá lộ liễu.

Sáng 27-1, tại phường Hưng Phú (Cái Răng, Cần Thơ) xuất hiện đông đảo đại diện ban ngành đoàn thể cùng công an, cảnh sát 113 và xe cộ, súng ống, roi điện. Nơi xuất hiện, kế bên đường dẫn lên cầu Cần Thơ, địa điểm dự kiến xây dựng Trung tâm - Siêu thị - Thương mại. Đây là “Đoàn hỗ trợ thi công”.

Trưởng đoàn Đồng Việt Hải (Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận Cái Răng) nói, không có điều khoản luật pháp nào để thành lập đoàn hỗ trợ doanh nghiệp thi công nhưng các ông là “lính” trên bảo sao làm vậy.

Đoàn được thành lập theo quyết định ngày 22-1-2010 của UBND quận Cái Răng, do Phó Chủ tịch Mai Hồng Châu ký. Qua điện thoại, ông Châu giải thích với PV Tiền Phong: “Vận dụng để đảm bảo an toàn trật tự cho đơn vị thi công”.

Quyết định thành lập “đoàn hỗ trợ” chỉ rõ vị trí làm việc cụ thể là “trên phần đất của ông Bùi Văn Sơn”.

Nguyên do, Cty Phát triển và Kinh doanh nhà Cần Thơ được giao làm chủ đầu tư khu dân cư rộng hơn 59ha, và Cty này đã bán hơn 6,4ha cho Cty Nam Cửu Long do ông Nguyễn Hoàng Kiếm làm giám đốc. Trong phần đất bán, có gần 2.000 m2 đất của ông Sơn chưa được bồi hoàn.

Ngày 29-12-2008, ông Nguyễn Hoàng Kiếm thỏa thuận với ông Sơn mua giá 5 triệu đồng/m2 và đặt cọc 200 triệu đồng. Ngày 10-12-2009, Cty Kinh doanh và Phát triển nhà Cần Thơ lại thỏa thuận với ông Sơn giá 1 triệu đồng/m2 đất ruộng, 1,5 triệu đồng/m2 đất ở.

Thế nhưng, trước đó, ngày 8-12-2009, Hội đồng bồi thường quận Cái Răng thông báo chỉ bồi thường cho ông Sơn hơn 425 triệu đồng và trao cho ông quyết định thu hồi đất của UBND quận Cái Răng.

Ông Bùi Văn Sơn cho biết, giá thỏa thuận 5 triệu đồng/m2 cuối năm 2008 có hơi cao vì lúc đó chủ đầu tư đang bị thanh tra. Nhưng ông sẵn sàng thỏa thuận lại và cuối năm 2009, ông đã gặp ông Kiếm bàn việc này.

Rõ ràng, với mục đích kinh doanh và chủ đầu tư đang thương thảo với ông Sơn, quận Cái Răng vào cuộc như thế là quá sốt sắng với doanh nghiệp và không đúng các quy định hiện hành.

PV Tiền Phong hỏi Phó Chủ tịch UBND quận Mai Hồng Châu: “Ở quận Cái Răng có nhiều dự án, làm sao đủ lực lượng để hỗ trợ cho khắp?”. Ông Châu trả lời: “Đây là trường hợp đặc biệt và quận đã xin ý kiến của thành phố”.

Lơ là với dân

Dự án Trung tâm hành chính huyện Thới Lai còn cắt ngang con kênh dẫn nước từ sông vào cánh đồng, làm cho ruộng của khoảng 50 hộ dân không có nước để canh tác. Nhiều hộ lâm cảnh tái nghèo.

Khi sốt sắng với doanh nghiệp thì lơ là với quyền lợi của người dân, và trường hợp với nhiều hộ dân ở thị trấn Cờ Đỏ còn điển hình hơn trường hợp của ông Sơn kể trên. Năm 2005, mở ra dự án xây dựng khu hành chính huyện Cờ Đỏ (nay là huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) thu hồi đất của 31 hộ dân.

Ông Lê Văn Khiêm ở thị trấn Thới Lai có gần 19.000 m2 đất. Ngày 9-11-2005, UBND huyện Cờ Đỏ ra quyết định thu hồi 16.590m2. Phần đất thu hồi nằm giữa thửa đất, còn lại hai bên hai miếng tổng cộng gần 2.500m2.

Ông Khiêm đem sổ đỏ toàn bộ đám đất nộp cho ban quản lý dự án và yêu cầu cấp sổ đỏ cho phần đất còn lại. Năm 2006, Phòng TN&MT huyện cử cán bộ đo đạc thực địa, xong rồi... để đó.

Thế nhưng, năm 2008, đất của ông Khiêm tiếp tục bị san lấp. Ông Khiêm ngăn cản thì UBND huyện đưa ra một quyết định thu hồi thêm 212 m2 đất của ông để xây trường học. Ông chấp nhận và lại chờ giải quyết sổ đỏ phần còn lại.

“Hồi mới lập dự án, huyện hứa đưa sổ đỏ cấp lại đến tận nhà dân, cán bộ không biết giữ lời hứa, thật ngán ngẩm”, ông Khiêm thở dài.

Gần hộ ông Khiêm, ông Nguyễn Văn Bình có 5.200 m2 đất và bị thu hồi hơn 3.440 m2. Ông Bình cũng trải qua 5 năm đi xin cấp lại sổ đỏ nhưng chưa được. Chạy ngược chạy xuôi “đất không có sổ đỏ, muốn vay mượn tiền làm ăn không được, khốn khổ trăm bề”, ông Bình than thở.

Thật ra cũng có một số hộ đã được cấp lại sổ đỏ, có hộ được cấp khi dự án đang triển khai. Hiện tại, bên cạnh trung tâm hành chính huyện là những khoảnh ruộng, chỗ có sổ đỏ xen chỗ chưa có càng gây mâu thuẫn và bất bình.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Ái Việt, Trưởng phòng TN&MT huyện Thới Lai, cho biết, các hộ bị cấp sổ đỏ chậm là do cuối năm 2008, chia tách huyện Cờ Đỏ và Thới Lai, hồ sơ chuyển giao thiếu sót hoặc thất lạc. Để làm lại, mất nhiều thời gian.“Chúng tôi sẽ cố gắng làm nhanh cho bà con”, ông Việt nói.

Các hộ dân cho biết, họ đã nghe câu nói này suốt 5 năm qua.

MỚI - NÓNG