Đau lòng người đàn ông 40 năm treo lơ lửng giữa nhà

Bà Hòe nói bà sống đến giờ này cũng là để chăm sóc anh Quát.
Bà Hòe nói bà sống đến giờ này cũng là để chăm sóc anh Quát.
Thật khó để diễn tả được cảm giác của chúng tôi khi bước vào ngôi nhà nhỏ ấy. Góc trái ngôi nhà, một người đàn ông treo lơ lửng trên không trung bằng những miếng nilon to, chằng ngang chằng dọc chẳng khác nào mạng nhện. Cảnh tượng đau lòng này đã diễn ra suốt 40 năm qua.

Mầm hy vọng trở thành vô vọng


Người đàn ông bất hạnh với tư thế nằm không giống ai ấy là anh Cao Bá Quát, 46 tuổi, trú tại số nhà 22, ngõ 162 đường Đặng Châu Tuệ, tổ 2, khu 7B, phường Quang Hanh, Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Mặc dù nằm bất động nhưng khi thấy có người lạ tới nhà, mắt anh Quát ánh lên vẻ vui mừng, miệng la ú ớ. Bà Lê Thị Hòe (83 tuổi, mẹ anh Quát) nói như giải thích: "Mang tiếng là bị bệnh viêm màng não nhưng nó biết cả đấy. Cô chú đến chơi bây giờ mà 10 năm nữa quay lại nó vẫn nhận ra được".

Người mẹ già ngồi vuốt ve mái tóc đã có sợi bạc của con trai mà nước mắt rơi lã chã. Bà Hòe nói, đời bà sống đến tuổi này rồi nhưng chưa có một ngày được hưởng hạnh phúc. "Lúc mới sinh ra nó cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng chỉ được 1 tháng 6 ngày thì con tôi bị trúng gió và mắc bệnh viêm màng não tăng trương lực cơ và phải sống cuộc đời thực vật từ đó tới nay" - bà Hòe kể lại.

Bà Hòe là người Nghệ An, lấy chồng quê Quảng Ninh. Bước chân về nhà chồng bà mới biết mẹ chồng mình mắc bệnh tâm thần. Gia cảnh nghèo khó, bà lại sinh liền tù tì 5 đứa con thơ. Cuộc sống với bộn bề lo toan chồng bà chẳng những không giúp được gì mà còn sa đà vào cờ bạc. Mọi gánh nặng trong gia đình đều do một vai bà gánh vác. Vừa phải chăm sóc mẹ chồng tâm thần vừa phải bồng bế người con trai duy nhất đi chạy chữa khắp nơi.

Bà Hòe kể: "Chẳng còn chỗ nào là tôi không mang con đến chữa. Chữa từ bệnh viện huyện đến bệnh viện tỉnh, rồi lên cả Bạch Mai. Hồi đó mà đưa con đi Bạch Mai là ghê gớm lắm. Nhưng lên đến đó bác sĩ cũng bảo chịu thôi. Không chữa được tây y, tôi đưa con đi chữa đông y nhưng cũng chẳng ăn thua. Hơn 15 năm đưa con đi khắp đó đây nhưng bệnh tình không thuyên giảm, đến năm 1985, tôi quyết định để nó ở nhà, dừng mọi chữa trị".

Mang tiếng là sinh được con trai nhưng anh Quát phải sống cuộc đời thực vật có cũng như không. Đấy cũng là cái cớ để chồng bà Hòe quay ra hành vợ. Biết được tâm lý thêm người nối dõi của chồng bà Hòe buộc phải nhắm mắt đưa chân đi tìm vợ cho chồng. Và rồi, chồng vui duyên mới, bỏ mặc bà với người con trai cả đời tật nguyền. "Nó vậy thôi nhưng mà thương tôi lắm. Nhiều lúc nó nói giá mà con có thể chết đi để cho mẹ hết khổ. Mỗi lần nó nói vậy tôi lại bảo con, mẹ sống được đến bây giờ cũng là để nuôi con đấy!".

40 năm "treo đời" trong vô vọng

Trong gian nhà rộng chừng 20 mét vuông, anh Quát nằm đó bất động, đầu ngửa ra đằng sau. Thân hình anh gầy rộc, tứ chi được bọc bằng những tấm nilon bên trong lót đệm mút và được treo lơ lửng một góc nhà. Phía dưới là chiếc giường sắt kê vài miếng đệm. Khi chúng tôi hỏi ai là người đưa ra ý tưởng treo anh Quát lơ lửng như vậy thì chị Hương, chị gái anh Quát kể: "Chứng kiến cảnh em trai lên cơn co giật, chân tay cậu ấy vùng vẫy, cọ xát xuống giường làm máu chảy nhiều lắm. Ngày nào cũng phải nhìn cảnh ấy khiến mẹ và tôi không sao cầm lòng được. Hai mẹ con mới bàn nhau hay là treo cậu ấy lên để cậu ấy không thể vùng vẫy được nữa. Mà buộc cũng có đơn giản đâu, có những chỗ phải buộc đi buộc lại nhiều lần vì cậu ấy đau không chịu được".

Những ngày đầu nhìn em bị treo như vậy chị Hương cứ khóc mãi. Chị bảo, giá mà em chị vô tri vô giác đã đành. Đằng này anh Quát vẫn biết đau, vẫn có cảm xúc. "Hôm mới rồi con gái tôi bị sảy thai, cậu Quát còn nhắc nhở nó lần sau phải cẩn thận hơn. Nhiều lúc đau quá nó khóc nói với mẹ: Sao ông trời không để con chết đi. Sống thế này còn khổ hơn là chết!".

Cũng vì thương anh Quát mà trước khi lấy chồng, chị Hương đã giao kèo với chồng mình rằng, "nếu anh chấp nhận ở rể cùng em chăm sóc mẹ già, em dại thì em mới dám lấy anh làm chồng. Bằng không thì chúng ta chỉ có duyên mà không có nợ". Thương chị Hương, anh Quân đã đồng ý ở nhà vợ từ đó đến nay. Chị Hương chia sẻ: "Khi nói thế với anh ấy là tôi cũng xác định trước rồi. Nếu anh ấy không chấp nhận thì tôi sẽ ở vậy cùng mẹ chăm em. Chị và em gái tôi đều đi lấy chồng xa, mẹ thì ngày một già đi, thương lắm!".

Đúng là, trong hoàn cảnh ấy nếu không có vợ chồng chị Hương bên cạnh thì bà Hòe cũng không biết xoay xở ra sao. Bởi lẽ, cơ thể của anh Quát thì cứ hoại tử dần, thịt thối nhiều chỗ do không hoạt động. "Mỗi lần tắm cho cậu ấy gia đình tôi phải mất cả 1 ngày. Nào là tháo từng sợi dây chằng, rồi đến bọc nilon và gỡ từng miếng đệm mút ra. Mỗi lần tắm là mỗi lần chứng kiến thêm những chỗ thịt của cậu bị thối, xót xa lắm. Lần nào cậu ấy cũng khóc, một phần vì đau một phần vì tủi phận. Từng đó năm nằm lơ lửng trong trạng thái bất động thế không tủi thân sao được".

Hằng ngày, việc cho anh Quát ăn cũng là cả một hành trình gian nan. Với cái đầu dốc ngược, nếu cho ăn mà không biết lựa thì sẽ khiến anh Quát bị sặc rất mạnh. Công việc "bảo mẫu" khó khăn này cũng chỉ có chị Hương và bà Hòe làm được.

Đau lòng người đàn ông 40 năm treo lơ lửng giữa nhà ảnh 1 Quyết định của chính quyền địa phương về việc hỗ trợ chế độ người tàn tật cho anh Cao Bá Quát.
Với hầu hết những người mắc chứng viêm màng não khác họ đều có triệu chứng vô tri vô giác nhưng anh Quát thì không thế. Anh Quát cảm nhận được hết thảy mọi thứ diễn ra xung quanh mình và vẫn có thể nói được tuy rằng việc phát âm gặp rất nhiều khó khăn. Bà Hòe tâm sự rằng: "Có lẽ nó là trường hợp đặc biệt. Nhiều người bị mắc bệnh này không sống được lâu như thế đâu. Nó phải nghị lực lắm mới chống chọi được với bệnh tật chừng ấy năm. Mà nào có nằm không, các vi rút nó ăn mòn từng thớ thịt, đau đến tận xương tận tủy".

Hồi đầu nhiều người đến chơi nhìn thấy bà Hòe treo anh Quát lơ lửng như vậy đã trách cứ. Họ bảo, bà làm thế thì tội cho anh Quát quá. Nhưng họ không hiểu được chỉ có cách ấy cơ thể anh Quát mới thôi không trầy da, tróc vẩy và bật máu liên miên. Nhiều đêm đang ngủ, bà Hòe nghe tiếng anh Quát ú ớ: "Mẹ ơi con gì đốt, ngứa quá". Mỗi lần như thế bà lại dậy bật đèn ngồi xoa những chỗ nào còn hở của con và ước giá mình có thể gánh cái nghiệp chướng này cho con. 

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.