Đầu năm học mới, tắc đường nghiêm trọng

Đầu năm học mới, tắc đường nghiêm trọng
TP - Hàng triệu học sinh, sinh viên các trường phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học nghề bước vào năm học mới cũng là lúc tình trạng kẹt xe tại TPHCM, Hà Nội lại trở nên trầm trọng.
Đầu năm học mới, tắc đường nghiêm trọng ảnh 1
Ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (chụp sáng 10/9). Ảnh: CTV

7 giờ sáng 10/9, trời mưa nặng hạt. Trục đường đường Hai Bà Trưng (TPHCM) kẹt cứng. Dòng phương tiện đội mưa xếp đuôi kéo dài ước tính gần 3 km, từ giao lộ Lý Chính Thắng - Trần Quang Khải (quận 3) đến ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Hai Bà Trưng (quận 1).

Chị Trần Thị Hồng Thắm - cán bộ Sở LĐ-TB&XH TPHCM bức xúc: “Nhà tôi ở đường Phan Đình Phùng, chỉ cách cơ quan và trường học của con 2 - 3 cây số. 6 giờ 20, tôi và ông xã đã ra khỏi nhà, mỗi người đèo một đứa đến trường nhưng hầu như hôm nào con cũng trễ học. Cha mẹ trễ giờ làm, đi đường nào cũng kẹt, kẹt từ trong hẻm ra ngoài đường”.

Nhiều người đi đường cho biết, tình trạng kẹt xe trở nên thường xuyên kể từ khi Sở GTVT TPHCM cấp phép cho nhà thầu thi công dự án vệ sinh môi trường dựng hàng loạt rào chắn trên đường Hai Bà Trưng.

Tuyến đường này hiện có hai dãy lô cốt chiếm gần trọn mặt đường, án ngữ tại hai vị trí hiểm yếu, ngã ba Trần Quốc Toản và nút giao với đường Nguyễn Văn Thủ, khiến việc chuyển hướng lưu thông sang đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Điện Biên Phủ trở nên vô cùng khó khăn.

Con đường lồi lõm, được lót nhiều tấm đan sắt để che mặt đường bị sạt lở do thi công nên rất dễ té ngã, trong khi bên cạnh là hố công trình sâu hoắm tua tủa sắt thép được rào chắn sơ sài.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, các trục đường huyết mạch như Trường Chinh - Cách mạng Tháng 8, Lê Trọng Tấn, Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, Tân Kỳ Tân Quý,  Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Hoàng Văn Thụ, 3/2, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Tri Phương, đều xảy ra kẹt xe kéo dài.

Hơn một tuần nay, kể từ khi học sinh, sinh viên tựu trường, nhiều tuyến phố, nhiều nút giao thông Hà Nội cũng rơi vào tình trạng ùn tắc. Tại các tuyến phố, nút giao thông đang triển khai phương án tổ chức lại giao thông cũng bị ùn tắc trở lại.

Tại ngã tư, ngã ba như Giảng Võ - Đê La Thành; Giải Phóng - Trường Chinh, Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng, vào các giờ cao điểm, hàng trăm ôtô, xe máy chen chúc qua hàng rào inox và dải phân cách cứng giữa đường. Cảnh ùn tắc tái diễn trầm trọng trên tuyến đường Trường Chinh, cả hai làn đường luôn trong tình trạng xếp hàng dài, lê từng bước.

Các đường khác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân), Chùa Bộc, Thái Hà, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng (Đống Đa), Hồ Tùng Mậu, Xuân Thủy (Cầu Giấy), Tạ Quang Bửu, Minh Khai (Hai Bà Trưng), cũng thường xuyên tắc cứng.

Do điểm quay đầu xe hẹp và quá gần với ngã tư, ngã ba bị bịt kín nên, mỗi khi có một chiếc xe ô tô hay xe buýt rẽ sang, phía sau hàng trăm phương tiện khác mắc kẹt, ùn ứ kéo dài.

Vẫn loay hoay

Ông Thạch Như Sỹ - Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, cho rằng, việc những ngày qua nhiều điểm xảy ra ùn tắc trở lại là do lượng người và phương tiện tăng đột biến: “Một số sinh viên, học sinh nghỉ hè, nay quay trở lại Hà Nội chưa quen việc tổ chức lại giao thông, chưa quen với các điểm quay đầu”.

Tuy vậy, ông Sỹ cũng thừa nhận, phương án tổ chức lại giao thông chỉ là giải pháp tình thế, nên đòi hỏi phải điều chỉnh khi thực tế thay đổi như điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu, điều chỉnh các điểm giao cắt, điểm quay đầu cho hợp lý hơn.

Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, việc điều chỉnh, tổ chức lại giao thông của Hà Nội hiện nay chỉ có hiệu lực trong một thời gian ngắn với mật độ phương tiện vừa phải.

Trong trường hợp lượng người và phương tiện tăng đột ngột, những tuyến đường này sẽ trở nên ùn tắc trầm trọng hơn do tất cả phương tiện đều tồn lại lâu trên đường vì các ngã ba, ngã tư đã bị bịt. Tình trạng ùn tắc trong dịp tuyển sinh ĐH, CĐ và khi học sinh, sinh viên trong đợt vừa qua là điển hình.

Theo ông Michimasa Takagi - cố vấn trưởng quy hoạch an toàn giao thông của dự án phát triển nguồn nhân lực an toàn giao thông tại Hà Nội (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản- JICA), biện pháp tổ chức lại giao thông mà Sở GTVT Hà Nội đang làm áp dụng trong điều kiện dòng phương tiện chủ đạo là xe máy.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng cho biết, cuối tháng Sáu, TPHCM cũng mới chỉ cử đoàn cán bộ chuyên gia sang Singapore học tập, trao đổi kinh nghiệm.

“Mới đây, tôi đã kiến nghị UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu các chính sách về thu phí lưu hành đối với xe cá nhân. Nếu không tập trung xây dựng và đưa vào sử dụng các tuyến đường sắt đô thị cũng như mạnh dạn áp dụng chính sách hạn chế xe cá nhân, tình hình giao thông tại TPHCM sẽ không thể cải thiện và ngày càng xấu đi” - Ông Phượng nói.

Tại cuộc giao họp của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội hôm qua, ông Đỗ Kim Tuyến, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, thừa nhận tình trạng tái ùn tắc và đề nghị liên ngành công an, giao thông đánh giá lại một cách chi tiết và tổng thể công tác tổ chức giao thông mà Sở GTVT tiến hành trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi lưu ý Sở GTVT cần thay đổi thường xuyên các biện pháp tổ chức giao thông.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.