Đầu năm thăm lăng ông nội vua Hùng

Đầu năm thăm lăng ông nội vua Hùng
TP - Lâu nay, con dân nước Việt luôn hướng về đất Tổ ngày 10-3 âm lịch, nhưng ít người biết, dịp tháng Giêng còn có ngày giỗ Thuỷ tổ nước Nam Kinh Dư­­­ơng Vương, là ông nội vua Hùng ở làng Á Lữ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

> Giải thiêng lễ hội

Đầu năm thăm lăng ông nội vua Hùng ảnh 1

Tam Thánh Tổ

Đầu xuân, chúng tôi tản bộ dọc theo bờ đê con sông Đuống, lần đầu tiên tôi dừng chân thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành thắp nén nhang lăng mộ Vua Thuỷ Tổ Kinh Dương Vương.

Anh Ngọc, Phó phòng Văn hóa huyện Thuận Thành bảo: “Các anh nên vào dâng hương Đền thờ Vua Thủy Tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ trước, đền thiêng lắm”.

Ngồi trên chiếc chiếu hoa trước điện, nhấp chén trà nóng, ông Biện Xuân Phẩm, thủ nhang Đền thờ Kinh Dương Vương, tự giới thiệu chỉ học qua lớp 4, nhưng ông tỏ ra thông thạo, thuộc lòng truyền thuyết Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ cho đến vua Hùng.

Ông bảo: “Các nhà báo muốn tìm hiểu gì, cứ dâng hương trước, vì mới hôm qua, nhóm phóng viên truyền hình tỉnh về quay, vừa đưa máy lên thì mất điện. Hỏi ra mới biết họ chưa kịp làm lễ dâng hương. Tôi làm lễ dâng hương, sau vài phút lại có điện ngay…”.

Không biết chuyện mất điện mà ông Phẩm kể có phải do bị cắt điện ngẫu nhiên, hay do điện quá tải nhảy át-tô-mát, nhưng sau khi thắp nén nhang, làm lễ dâng hương, tôi thấy lòng nhè nhẹ, lâng lâng khó tả.

Quả thực, trong vốn kiến thức hạn hẹp, lâu nay tôi cũng chỉ biết đến đất Tổ, vua Hùng ở Phú Thọ, ngày giỗ mùng 10-3 âm lịch hàng năm.

Ngay cả sách giáo khoa viết về truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ, Vua Hùng, cũng tuyệt nhiên không nhắc tới địa danh Á Lữ, có ngôi đền thờ Kinh Dương Vương và Lăng mộ của ngài, thuộc loại cổ nhất Việt Nam.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam-Trung Quốc) gặp một nàng tiên, lấy nhau, sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vu phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam), tự xưng là Kinh Dương Vương.

Kinh Dương Vương làm vua năm Nhâm Tuất (2879 TCN), lập nước lấy quốc hiệu là Xích Qủy, đóng đô ở Ngũ Lĩnh (Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh ngày nay). Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân (còn có tên là Thần Long) là Long Nữ, đẻ ra Sùng Lãm.

Sau này Sùng Lãm kế vị, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, đẻ một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hóa khắc nhau, chung hợp thật khó”.

Vợ chồng từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về miền biển, phong cho con trưởng là Hùng Vương, nối ngôi vua. Cứ theo truyền thuyết ấy, thì vua Hùng, là cháu nội Kinh Dương Vương.

Sinh thời, Kinh Dương Vương đi kinh lý khắp núi cao, rừng sâu, biển xa nước Việt. Vương trông nom, gây dựng, mở mang, gìn giữ bờ cõi giang san.

Vương lấy đức mà cảm hóa dân. Trên đường đi kinh lý, Ngài qua đất Phúc Khang (làng Á Lữ ngày nay) phát hiện ra thế đất quý, có tứ linh: long, ly, quy, phượng, có sông núi bao quanh, rồng chầu, hổ phục.

Vì vậy Ngài đã đem những cư dân Việt cổ quy tụ về lập nên những xóm làng đầu tiên. Vùng đất Phúc Khang bắt đầu trỗi dậy sức sống mạnh liệt và trở thành “Thánh địa” của thị tộc, bộ lạc người Việt.

Vương cho xây một tòa hành cung ở chốn này để quy tụ những hiền tài khắp vùng luận bàn việc non sông xã tắc. Nước cường, dân thịnh, trăm họ yên vui.

Sau này, để ghi nhớ công lao của đấng Tổ tiên, người dân nơi đây dựng lăng, lập miếu thờ để con cháu đời đời ghi nhớ. Bởi thế ngôi đền Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, thiết kế thờ cả tam vị Thánh Tổ (Thủy Tổ Kinh Dương Vương; Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ).

Hiện cả giới sử gia, chưa xác định được ngôi đền thờ tam vị Thánh Tổ có từ bao giờ, chỉ biết nó được trùng tu, tôn tạo lại thời Lê-Trịnh (cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XVII). Sau đó, đến thời vua Gia Long, trùng tu lại đền Kinh Dương Vương.

Năm 1940, vua Bảo Đại tôn tạo hai đại tự “Nam Tổ Miếu” (thờ Thủy Tổ) và Thần Truyền, Thành Kê (thờ các vị thánh, thần).

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định lăng và đền thờ Kinh Dương Vương phải có từ trước đó rất lâu, bởi nơi đây vẫn đang lưu dấu tích xưa, như: những sắc phong, thần phả, câu đối, đồ thờ… từ các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn.

Theo ông Nguyễn Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Thành, kiêm Trưởng ban quản lý Lăng và đền Kinh Dương Vương, hiện xã còn lưu giữ 18 sắc phong, trong đó có hai sắc phong đời Trần và 16 sắc phong triều Nguyễn. Ngoài ra, còn có một số đồ vật được các đời vua Nguyễn dâng lên tổ tiên, như: Bát đời vua Lê, mâm đồng…

Sẽ thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử

Cổng đền thờ Kinh Dương Vương có bốn chữ Hán đắp nổi THỦY TỔ ĐÀI MÔN (cửa đền thờ Đức Thủy Tổ)
Cổng đền thờ Kinh Dương Vương có bốn chữ Hán đắp nổi THỦY TỔ ĐÀI MÔN (cửa đền thờ Đức Thủy Tổ).

Từ Đền Kinh Dương Vương, qua bên kia bờ đê, là Lăng Kinh Dương Vương, tựa vào đê, phía trước là dòng sông Đuống “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”, và bên kia sông là chùa Phật Tích.

Lăng Thủy Tổ Kinh Dương Vương không rõ được xây dựng từ bao giờ, hiện chỉ còn bia đá đề bốn chữ Hán: Kinh Dương Vương Lăng, thể hiện được trùng tu thời Minh Mạng nhà Nguyễn năm 1840. Trên lăng có hai chữ Hán: Bất Vong (không bao giờ mất).

Ngoài ra, khu lăng còn có khá nhiều câu đối, như: Thần Nông tứ thế phân/Việt Nam sơ đầu xuất (Thế hệ thứ tư của vua Thần Nông/Nước Việt Nam bắt đầu xuất hiện); Vạn cổ giang sơn tư duy tổ/Nhất khâu phong vũ ngật hồng bi (Hàng vạn năm cháu con quy về miếu Tổ/Một nấm mồ phong ba bão táp vẫn ửng hồng)…

Năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, về dâng hương tại đền và lăng, để lại bút tích: “Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và trân trọng cám ơn nhân dân và lãnh đạo địa phương đã giữ gìn, tôn tạo một di tích lịch sử, một trong những cội nguồn dân tộc để đời đời con cháu mai sau chiêm ngưỡng, học tập”.

Hiếm có nơi nào như đất Thuận Thành, Bắc Ninh, chỉ gọn trong một huyện, có đến ba thủy tổ: Kinh Dương Vương, vua Thủy Tổ; Sĩ Nhiếp, Thủy Tổ sự học; chùa Dâu, Tổ chùa của Phật giáo Việt Nam.

Năm 2004, ông Nguyễn Khoa Điềm, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, cũng ghi bút tích đề nghị tỉnh Bắc Ninh, huyện Thuận Thành, có kế hoạch, đề nghị trung ương “nâng cấp cơ sở thờ tự của tổ tiên khang trang, vững chắc, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cả nước”. Nhưng đến nay, khu di tích vẫn còn khá sơ sài.

Ông Biện Xuân Phẩm, giới thiệu chiếc bát từ thời vua Lê - Chúa Trịnh dâng lễ tại đền
Ông Biện Xuân Phẩm, giới thiệu chiếc bát từ thời vua Lê - Chúa Trịnh dâng lễ tại đền.

Ông Lê Đình Thanh, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, cho biết: Hiện tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt quy hoạch khu quần thể di tích Kinh Dương Vương, với diện tích khoảng 30 hec-ta. Có thể sẽ làm cầu hoặc cầu treo nối từ Lăng Kinh Dương Vương sang chùa Phật Tích (huyện Tiên Du), để kết nối, tạo thành các điểm du lịch văn hóa-lịch sử thu hút khách thập phương. Từ đó để người dân Việt Nam biết thêm một địa danh lịch sử, ở đó có vua Thủy Tổ Việt Nam.

Hàng năm, người dân thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành đều tổ chức lễ hội Kinh Dương Vương. Lễ hội chính được tổ chức vào ngày 18 tháng Giêng (ngày mất của Kinh Dương Vương).

Dân làng cùng khách thập phương tổ chức dâng hương, tế lễ tại đền và lăng. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức như đấu vật, cờ tướng, chọi gà, tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật, hát dân ca quan họ Bắc Ninh…

Năm nay, lần đầu tiên tỉnh Bắc Ninh đứng ra chỉ đạo tổ chức lễ hội, diễn ra trong ba ngày từ 16 đến 18 tháng Giêng, lễ dâng hương chính thức vào ngày 17 tháng Giêng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành Lê Đình Thanh, đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ và tri ân vua Thủy Tổ Việt Nam, thể hiện niềm tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, từ đó nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG