Đâu rồi những đội tàu vươn khơi

Cảng cá đìu hiu. Bé Đỗ 13 tuổi không biết chữ đang đợi bố đánh cá trở về. Ảnh: T.N.A
Cảng cá đìu hiu. Bé Đỗ 13 tuổi không biết chữ đang đợi bố đánh cá trở về. Ảnh: T.N.A
TP - Nhiều người cứ nghĩ TPHCM là một đô thị nằm sâu trong đất liền và được bao bọc bởi các con sông nhưng thực ra thành phố này có cửa biển Cần Giờ nổi tiếng, nơi thực dân Pháp đã đổ quân đánh chiếm Nam bộ vào nửa cuối thế kỷ XIX.

Nhiều biến thiên lịch sử cũng như sự thờ ơ của con người, ngay chính nơi có lễ hội cầu ngư là di sản quốc gia này, người dân đã không còn mặn mà với nghề sông nước nữa. 

Trầm mặc lăng Ông

Năm nay, chuẩn bị vào rằm tháng Tám, cũng là dịp lễ Nghinh Ông, chúng tôi xuống Cần Giờ vào thăm lăng Ông. Thị trấn nay khang trang hơn những năm trước, đường sá mở mang, nhà cửa kiên cố, chỉ có điều ngư phủ chẳng còn lại bao lăm.

Chị Bảy, trước gia đình sống bằng nghề biển sau cực quá lên bờ sống bằng nghề đẩy xe bán nước ngọt cho dân dùng, kể: “Người ta đi biển bây giờ gặp khó khăn lắm, hãy nhìn xem vựa cá sát bên nhà tôi, thật đìu hiu”.

Vựa cá nhỏ, trống trơn, vài thương lái bó gối nói chuyện. Chị Bảy chỉ đường tôi xuống thăm lăng Ông nằm bên chợ thị trấn. Chợ tấp nập người vào ra, nhưng các chủ vựa bảo: “Nơi này xa trung tâm thành phố hơn 50 cây số, cá về nhiều, bán không ai mua”. 

Bác Vân tóc bạc da mồi trông lăng nhiều năm, thấy khách vào vui mừng, bảo: “Công việc chuẩn bị lễ hội năm nay đã hoàn tất, dự kiến đón hàng vạn du khách và hàng trăm tàu thuyền các xứ về dự”. Trong lăng thờ một tấm bằng chứng nhận Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, TPHCM, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bác Vân nói: “Lăng Ông chúng tôi được công nhận tháng 9/2013. Chúng tôi tổ chức đón bằng đúng vào lễ hội năm ngoái”. Bác đưa cho tôi tấm giấy mời về dự hội Nghinh Ông rằm trung thu năm nay, rồi dẫn thăm nơi thờ nhiều ngọc cốt cá Ông. Bộ cốt rất lớn của cá Ông năm 1971, lại thêm nhiều ngọc cốt những năm khác nữa phối thờ.   

Trong chánh điện, thấy các ban thờ Thủy Long Công Chúa, Tiên Sư, Quan Tướng, Thủy Tướng… đặc biệt có ban thờ “tiên vãng chi vị” là những người đi biển các đời trước. Theo ghi chép, vào thế kỷ XVII khi các chúa Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu vào Nam mở cõi đã thấy có “Miếu Hải Thần” của người Việt ta ở cửa biển Cần Giờ rồi.

Năm Gia Long thứ tư (1805) triều đình lệnh địa phương hàng năm phải tế lễ, lo việc tu bổ miếu Hải Thần. Năm Gia Long thứ 15 (1816) triều đình cho dựng lăng trên nền miếu cũ, tăng phần uy nghiêm. Để tránh bão tố, sau lăng được dời sâu vào chừng năm cây số và nằm ở vị trí hiện nay.
Nhớ nghề

Đâu rồi những đội tàu vươn khơi ảnh 1

Anh Dũng, người chủ tàu cuối cùng còn bám biển khơi xa

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi hội trưởng chi hội nghề cá thị trấn Cần Thạnh kể lại: “Chúng tôi nhiều kinh nghiệm nghề đi biển. Cùng một ngư trường với nhau, dân Cần Thạnh chúng tôi đánh bắt được gấp ba các ghe thuyền xứ khác”.

“TPHCM trước đây sở hữu đội tàu đánh bắt xa bờ rất mạnh, nhưng giờ đây khi chuyển sang kinh tế thị trường, các doanh nghiệp lớn không mặn mà với kinh tế biển nữa mà đầu tư vào bất động sản thôi”.

Ông Nguyễn Hồng Cẩn

Nghề đánh bắt ở Cần Thạnh mang nhiều điểm riêng. Nghề cá của người Hoa thường chia ra người làm chủ và làm thuê, riêng người Việt ở Cần Giờ chủ yếu hình thức đi bạn.

Mỗi chuyến đi biển, sau khi trừ chi phí, người đầu tư vào ghe lưới thu 50%, số lãi còn lại chia đều cho anh em bạn đi cùng thuyền”. Người đi bạn nỗ lực đánh bắt nhiều cá, họ sẽ được chia nhiều sản phẩm hơn (chia tiền, hoặc chia tôm cá). Anh em quần tụ với nhau vươn khơi vào lộng. 

Lúc hưng thịnh, Cần Thạnh có 140 chiếc ghe, công suất từ vài chục đến cả ngàn mã lực. Họ đi đánh bắt cá khắp nơi, xuôi về tận Kiên Giang, đi ra biển khơi xa đến hải phận quốc tế. Tàu đánh cá mấy trăm mã lực, địa phương có mấy chục chiếc. Từ năm 2000 đến nay bỗng dưng đội tàu cứ rơi rụng dần.

“Hiện chúng tôi chỉ còn chừng 110 chiếc ghe thuyền, phần nhiều công suất dưới 60 mã lực, chỉ đánh bắt cách bờ vài chục hải lý đổ lại”.

Ông Minh bán chiếc ghe của mình vì lý do các con không ai theo nghề chài lưới. Ông cũng vừa nộp đơn xin nghỉ việc ở hội nghề cá cách đây mấy hôm với lý do sức khỏe. “Căn cứ theo số ghe tàu, người đi biển hiện còn chừng 500, nhưng hội viên hội nghề cá thì chưa tới 20 người” - ông Minh tâm sự. 

Vài chục năm trước, thuyền ra chừng chục hải lý, đánh bắt một chuyến vài ngày được vài tấn tôm cá, nhưng giờ, cố lắm cũng chỉ kiếm chừng nửa tấn. “Những loại cá xuất khẩu thì đếm bằng con, còn lại toàn cá tiêu thụ nội địa giá rất rẻ”. Các ngư dân nói đi từ Cần Giờ lên trung tâm TPHCM mất hơn 50 cây số, phải qua phà, trong khi vượt eo biển sang Vũng Tàu chỉ mất 18 cây.

“Tôm cá đánh bắt được thường đem bán bên Vũng Tàu, nên cơ sở vật chất nghề cá ở Cần Giờ hầu như chẳng có gì”. Người thị trấn cười kể: “Thuyền về chừng một tấn cá, cả chợ rối tinh, bán mãi không hết. Trong khi bên thành phố Vũng Tàu, cá về hàng trăm hàng ngàn tấn, các vựa họ cũng thu mua bằng hết!”. 

Chúng tôi ra cầu cảng, những người thu gom cá đang đợi ở đó. Họ nói: “Chúng tôi gom tôm cá đánh bắt được, chở sang Vũng Tàu”. Không có cảng cá nên tôm cá Cần Giờ đi một vòng tròn, từ TPHCM vòng ra ngoại tỉnh, rồi lại vòng về TPHCM.

Ngư dân cuối cùng vươn khơi

Bác Nguyễn Thanh Sơn, là vạn phó, một tổ chức truyền thống của nghề cá thị trấn Cần Thạnh, trước cũng đi biển nhiều năm. Bác nói: “Chúng tôi vốn có đội đánh bắt xa bờ với hơn 30 chiếc tàu lớn, thậm chí đi ra nước ngoài được. Chương trình đánh bắt xa bờ phá sản, đội tàu của chúng tôi cũng không còn”. Chương trình đánh bắt xa bờ thua lỗ nhiều, người dân hầu như không trả được nợ ngân hàng, việc vay mượn vốn liếng đâm ra khó khăn.

Bà Hạnh, chủ tàu lâu năm, mới đây cũng bán đôi tàu của mình để mưu sinh trong bờ. Bà Tám Út cũng đã bán đôi tàu xa bờ nổi tiếng của mình.

Đâu rồi những đội tàu vươn khơi ảnh 2

Lăng Ông nơi thờ các vị thần biển Đông

Bác Sơn đưa tôi đến thăm nhà anh Dũng, giới thiệu: “Anh này là người duy nhất trong thị trấn Cần Thạnh chúng tôi hiện còn tàu đánh bắt xa bờ”. Anh Dũng còn 3 cặp tàu từ 300-700 mã lực, đều cập cảng bên Vũng Tàu.

“Chúng tôi kết hợp với các tàu bạn ở Vũng Tàu, thường đánh bắt xa bờ 200 hải lý, vài tháng mới về”. Hồi trước, mỗi năm đoàn tàu đánh sáu chuyến, giờ chỉ được bốn chuyến. Anh em cố bám biển, khi nào có lãi mới vào bờ. Lãi chia chủ tàu sáu phần, anh em bạn đi đánh cá bốn phần. Cứ chừng một tháng phải thuê tàu vận tải dịch vụ mất vài trăm triệu để đưa cá đánh được vào Vũng Tàu. 

“Những năm trước, trừ chi phí còn lãi được bốn tỷ đồng, năm 2013 vừa rồi giá xăng dầu chi phí cao, giá cá lúc lên lúc xuống, cuối năm cả đội 6 chiếc tàu mà chỉ lãi được hai tỷ bạc, chưa tính chi phí bảo dưỡng cho tàu”. Anh Dũng phân trần: “Mọi người đều đã bán tàu lên bờ hết rồi, riêng tôi nhiều năm gom góp, không vay nợ ngân hàng, cố gắng cầm cự xem thế nào đây”.

Hướng về ngày mai 

Ngày hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, sắp sửa khai màn mà câu chuyện về người ngư dân cuối cùng đánh bắt xa bờ chưa dứt. 

5 đứa con trai, anh Dũng không cho đứa nào theo nghề chài lưới và chúng đều đang ổn định công việc nhà nước trong huyện ly. “Biển khơi nhiều giông tố mà làm ăn ngày một khó khăn” - anh Dũng nói. 

Chương trình triển khai tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ cũng vừa về tới huyện, gia đình anh được mời lên lấy ý kiến. Vợ anh Dũng nói: “Họ khuyên chúng tôi nên chuyển sang tàu vỏ thép.

Họ bảo: gia đình muốn đóng tàu sắt đi khơi hiệu quả hơn thì phải nộp tiền trước, đến khi giao tàu phải trả gần hết tiền, nếu thiếu chỉ cho thiếu vài trăm triệu thôi”.

Vốn đóng tàu đâu ra? Họ nói chủ trương đã có rồi, còn nguồn thì từ phía các ngân hàng. Một con tàu sắt đánh bắt khơi xa, giá cả dăm đến 7 tỷ bạc. Nhà anh hiện có sáu chiếc tàu gỗ, mỗi năm lãi vài tỷ đồng nên gia đình anh vẫn đang băn khoăn dùng dằng chuyển đổi. 

Chúng tôi chợt nhớ một lần gặp bác Nguyễn Hồng Cẩn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản trò chuyện về vai trò của TPHCM trong chủ trương bám biển, giữ đảo quốc gia.

Bác Cẩn tâm huyết: “TPHCM trước đây sở hữu đội tàu đánh bắt xa bờ rất mạnh, nhưng giờ đây khi chuyển sang kinh tế thị trường, các doanh nghiệp lớn không mặn mà với kinh tế biển nữa mà đầu tư vào bất động sản thôi”.

Theo bác Cẩn, với tư cách chuyên gia của ngành thủy sản, với tiềm lực kinh tế và thị trường rộng lớn, TPHCM chắc chắn đóng góp được nhiều hơn nữa đối với chủ quyền biển đảo và kinh tế biển của đất nước. Một trong những việc đầu tiên, thiết thực là vực dậy nghề cá xa bờ của người dân Cần Thạnh, nơi có lễ hội Nghinh Ông là di sản quốc gia.

MỚI - NÓNG