Đấu thầu tập trung để tránh loạn giá

TP - “Một viên thuốc có nơi một đồng nhưng có nơi lại 1,5 đồng, dù tất cả đều làm đúng luật nên không thể can thiệp được. Phải đấu thầu tập trung thì mới tránh tình trạng mỗi nơi một giá”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi bên lề kỳ họp.

Vậy còn đang vướng chỗ nào mà chưa thực hiện được đấu thầu giá thuốc tập trung?

Mới đầu Bộ Y tế đề xuất khoảng 50 danh mục để đấu thầu tập trung, nhưng hiện nay dự thảo rút xuống và cái khó hiện nay là lần đầu tiên đấu thầu tập trung trên quy mô quốc gia, mà chúng ta lại chưa có kinh nghiệm. Các nước đấu thầu tập trung lâu rồi, còn ở Việt Nam thì bắt đầu làm nên các bước triển khai phải rất thận trọng. Hiện nay ngành Y tế đang tìm phương án tốt nhất để tổ chức đấu thầu tập trung hiệu quả để giá hợp lý và đặc biệt là không thiếu thuốc. Hy vọng rằng, trong năm nay, sẽ tổ chức đấu thầu tập trung được một số mặt hàng thuốc, khi thuận lợi rồi trong một vài năm tới sẽ mở rộng hơn.

Thế giới đã chứng minh rồi phải đấu thầu tập trung thì mới hiệu quả. Nước ta hiện nay mới có 53/64 tỉnh đấu thầu tập trung ở các Sở Y tế. Còn các nơi khác giao cho các bệnh viện tự đấu thầu. Rồi 60 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng tự đấu thầu. Mà thực ra, những người làm công tác đấu thầu y tế rất ngại, vì rất khó, phức tạp, dễ dính vào vòng lao lý. Như trường hợp ở Gia Lai đã phải đi tù tất cả bộ phận đấu thầu nên họ rất mong muốn Bộ Y tế tổ chức đấu thầu tập trung, với giá nhất định để họ đi mua là tốt nhất.

Ông có phát biểu không được đầu hàng trước giá thuốc cao, phải chăng trước nay chúng ta đang phải mua thuốc với giá cao?

Không phải giá thuốc quá cao, mà trong kết quả đấu thầu thuốc Việt Nam công bố có tình trạng giá thuốc khác nhau, giữa các hội đồng thầu, giữa các tỉnh khác nhau. Nhưng khi kiểm tra thì tất cả đều làm đúng Luật Đấu thầu. Chỉ trừ trường hợp phát hiện ra có gian lận gì đó thì công an mới vào cuộc, còn bình thường khi công bố kết quả tất cả đều đúng thủ tục rồi thì chúng ta chịu.

Tôi có trao đổi lại với bộ phận làm Luật Đấu thầu của Bộ KH&ĐT thì hiện nay không có quy định về giá cả. Cho nên mới đề nghị trong Luật Dược này khi phát hiện ra giá thuốc cao bất thường, chênh lệch giữa các khu vực thì Chính phủ phải vào cuộc, phải đàm phán lại cho giá hợp lý, chứ không thể để mất tiền của Nhà nước do chính sách.

MỚI - NÓNG