Đầu tư 15 tỉ đồng làm kênh mương chỉ để ngắm

Đầu tư 15 tỉ đồng làm kênh mương chỉ để ngắm
TP - 15 tỉ đồng là số tiền mà huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đầu tư làm tuyến kênh cấp 1 để đón nước hồ Rào Đá về 2 xã Duy Ninh và Hàm Ninh. Tuy nhiên, công trình này chỉ để ngắm, trong lúc hàng trăm ha lúa của dân chết cháy trong cơn đại hạn vừa rồi.

Để đưa nước hồ Rào Đá (công trình thuỷ lợi lớn nhất tỉnh Quảng Bình) về Duy Ninh và Hàm Ninh, Ban 5 (Bộ NN&PTNT) đã cho xây dựng tuyến đường ống vượt sông Kiến Giang, 1 trạm bơm có công suất 10.000 m3/giờ và tuyến kênh chính nối từ trạm bơm dài 2km. Phía huyện Quảng Ninh xây dựng 2 tuyến kênh cấp 1 có chiều dài gần 8km nối từ kênh chính về 2 xã nói trên từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Ngày 15-6, khi nước Rào Đá thông trên toàn tuyến thì trạm bơm Duy Ninh cũng chính thức hoạt động để chống hạn cho gần 1.000ha lúa hè – thu của 2 xã Duy Ninh và Hàm Ninh. Lúc này người ta mới tá hỏa, nước bơm lên tràn lênh láng ở phía đầu nguồn kênh, còn ở giữa và cuối kênh thì không có lấy 1 giọt nước.

Một nông dân của xã Hàm Ninh bức xúc: “Đại hội Đảng bộ xã ra nghị quyết khuyến khích nông dân trồng lúa trên diện tích lâu nay trồng dưa hấu vì sẽ có nước Rào Đá. Dân chúng tôi ai cũng háo hức vì trồng được lúa sẽ lãi gấp nhiều lần trồng dưa hấu. Lúa gieo xuống rồi, ruộng đồng nứt nẻ, đợi mãi nước không về, hàng trăm ha lúa chết cháy. Tưởng chuyển đổi cây trồng sẽ giúp nông dân chúng tôi có thêm thu nhập, ai ngờ lại thêm nợ nần, đói kém”.

Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh ngao ngán: “Đây là công trình đầu tư theo dạng “chìa khóa trao tay” do Ban quản lí XDCB huyện Quảng Ninh thực hiện, chúng tôi không được tham gia công đoạn nào trong quá trình thi công. Không hiểu là do thiết kế, hay lí do nào đó mà nước không thể về. Điều đáng nói là, khi chưa thử nước trên toàn tuyến thì họ đã vội vàng bàn giao cho chúng tôi quản lí”.

Giải thích về sự cố nói trên, về phía Ban 5 khẳng định: “Trạm bơm Duy Ninh và 2 km tuyến kênh chính đã đảm bảo các thông số kỹ thuật”.

Còn phía Ban quản lí XDCB huyện Quảng Ninh, ông Trương Văn Quý (phó ban) thì cho rằng: “Chúng tôi đã cho đơn vị tư vấn, đơn vị thi công và ban quản lý kiểm tra lại toàn bộ các tuyến kênh. Tất cả các tuyến kênh chúng tôi quản lí đều thi công theo thiết kế được duyệt. Riêng về kênh chính Rào Đá do Ban 5 xây dựng, bằng mắt thường thì chúng tôi cũng nhận thấy là chưa đạt so với thiết kế. Do đó, lưu lượng nước chảy vào các kênh cấp 1 là còn yếu”.

Trước sự bức xúc của người dân, mới đây, ngày 14-7, các ban ngành chức năng của huyện Quảng Ninh đã tiến hành đóng tất cả toàn bộ tuyến để cưỡng bức nước vào tuyến kênh cấp 1 của xã Hàm Ninh và Duy Ninh nhưng nước cũng không thể về trên toàn bộ tuyến kênh này.

Trong khi quả bóng trách nhiệm vẫn còn vô chủ thì hàng ngàn người dân của 2 xã Hàm Ninh và Duy Ninh vẫn phải cay đắng nhìn kênh khô nước và chịu một vụ mùa thất bát.

Như Tiền Phong đã phản ánh, hồ chứa nước Rào Đá có sức chứa hơn 80 triệu m3 nước, với tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng, phục vụ cho 6.000 ha lúa và 7 vạn dân của 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Cuối năm 2009, hồ Rào Đá hoàn thành mà không thể vận hành vì vướng một đoạn kênh dẫn 20m đi qua đường Hồ Chí Minh. Mãi đến khi, báo chí lên tiếng, hai Bộ là NN&PTNT và GTVT mới ngồi lại và thống nhất với nhau về phương án thi công.

Ngày 15-6-2010, sau hơn 7 tháng hoàn thành nước Rào Đá mới chính thức thông trên toàn tuyến. Và đến nay nhiều địa phương vẫn chưa được hưởng lợi từ nguồn nước Rào Đá vì những lí do nói trên.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.