Đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản theo Nghị định 67: Èo uột vì thiếu vốn

Tàu thuyền neo đậu ở cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh: PV
Tàu thuyền neo đậu ở cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng). Ảnh: PV
TP - Nghị định 67 của Chính phủ không chỉ hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi mà còn đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển ngành thủy sản. Thế nhưng, gần một năm triển khai, nguồn kinh phí bố trí cho lĩnh vực này rất nhỏ giọt, làm cho các dự án khó hoàn thành đúng tiến độ.

Tàu thuyền thiếu nơi tránh bão

Vũng neo trú tàu thuyền huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã hoàn thành giai đoạn 1, nhưng hiện vẫn chưa đảm bảo an toàn cho tàu neo đậu khi có bão lớn xảy ra. Trong khi giai đoạn 2 triển khai rất chậm, bởi thiếu vốn đầu tư.

Ông Đặng Quốc Việt - Chỉ huy trưởng Cty Xây lăap xây dựng Phú Xuân (đơn vị đang thi công nạo vét mở rộng luồng lạch và tuyến đê chắn sóng), cho biết: Hiện, gói thầu công ty đảm nhận đã hoàn thành trên 70% khối lượng, nhưng vốn rót về không đủ và “nhỏ giọt” nên ảnh hưởng đến tiến độ. Cao điểm tại công trường này mỗi ngày có hàng trăm kỹ sư, công nhân cùng các trang thiết bị máy móc làm việc suốt ngày đêm, nhưng nay hết vốn để duy trì sản xuất đơn vị phải cho phần lớn công nhân tạm nghỉ việc và bỏ vốn để tiếp tục thi công.

Theo thiết kế, khi hoàn thành giai đoạn 2, công trình sẽ tiếp nhận cùng lúc từ 500-600 phương tiện tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi và miền Trung vào neo đậu tránh trú. Ngoài ra hiện tại ở đây có hơn 60 lồng bè nuôi tôm hùm của người dân, chiếm 1/4 diện tích trong khu vực Vũng. Theo lãnh đạo huyện Lý Sơn, nếu số lồng tôm này được kéo vào tránh bão thì rất khó khăn cho tàu cá của ngư dân vào neo đậu vì quá sức chứa. Ông Nguyễn Văn Lê – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng nông thôn huyện, cho biết: Ngoài là khu vực neo đậu của tàu thuyền, phía trong sẽ hình thành nhiều cơ sở chế biến hải sản, sản xuất đá lạnh, ngư cụ... Tuy nhiên, vì hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng nên chỉ vài cơ sở lèo tèo mọc lên, phần lớn các cá nhân, tập thể đầu tư vào đây chưa có động tĩnh nên trong khu vực cảng còn nhiều khu đất trống.

Tại xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) hàng trăm chủ tàu cá địa phương rất lo lắng khi mùa mưa bão đến gần, bởi cửa biển luôn bị cát vùi lấp, tàu cá không thể ra vào neo đậu tránh trú bão. Ông Huỳnh Hiển (thôn Thạch Bi 1), nói: Cứ đến mùa mưa bão, chúng tôi lại cho tàu chạy vào Quy Nhơn hoặc Đà Nẵng neo đậu, địa phương có nơi neo trú thì cũng như không vì cát vùi lấp cửa biển. “Đã có nhiều tàu cá bị hư hỏng vì sóng biển nhấn chìm khi vào neo đậu, chính quyền và ngư dân đề nghị cần sớm tiến hành thi công giai đoạn 2 Cảng neo trú tàu thuyền Sa Huỳnh”, ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết.

Vốn nhỏ giọt

Mới đây, câu chuyện mở rộng hay không cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) cũng gây tranh cãi giữa các ban ngành ở thành phố này. Nhiều ý kiến cho rằng, mở rộng cảng cá sẽ làm ảnh hưởng môi trường, không tốt cho ngành du lịch, được xác định là kinh tế mũi nhọn.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, phát triển cảng cá hoàn toàn có thể gắn với phát triển du lịch chứ không nhất thiết phải lựa chọn “có cái này sẽ không có cái kia”. Theo một số chuyên gia, nếu nói không với mở rộng cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng có thể đi chệch hướng của Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã xác định “Đà Nẵng là một trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước”. Chưa kể Đà Nẵng là địa phương được nhà nước giao nhiệm vụ quản lý huyện đảo Hoàng Sa. Trên thực tế, cảng cá Thọ Quang, nơi neo đậu của hàng ngàn tàu cá miền Trung, là nơi giao thương buôn bán hải sản, xuất khẩu của các nhà máy chế biến hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển ngư nghiệp như kỳ vọng. “Muốn phát triển kinh tế biển và tăng cường sự hiện diện của ngư dân bám biển bảo vệ chủ quyền thì không thể không có một trung tâm nghề cá mạnh”, ông Lĩnh cho biết.

Theo lãnh đạo UBND thành phố, phải tổ chức lại cơ cấu hoạt động, sạch sẽ đàng hoàng thì mới phát triển, mở rộng cảng cá. “Nếu thành phố có một cảng cá đàng hoàng, sạch sẽ thì sẽ nâng cấp mở rộng, còn như hiện tại không thể được”, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy nói. Theo ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó GĐ Sở NN&PTNT, nguồn vốn Nghị định 67 đúng là có phần để phát triển hạ tầng thủy sản, nhưng hiện Đà Nẵng vẫn chưa rục rịch vấn đề này.

Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2) dự kiến đầu tư trên 400 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 100% ngân sách trung ương, thực hiện đến cuối năm 2015. Thế nhưng, cuối năm 2014, trung ương mới cho ứng trước kế hoạch vốn năm 2015 là 10 tỷ đồng, năm 2015 bố trí kế hoạch vốn cho dự án 20 tỷ đồng. Dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ được đầu tư trên 107 tỷ đồng, khối lượng thực hiện đến nay cũng chỉ đạt 85%, do thiếu vốn. Ngoài 2 dự án này, 11 dự án đầu tư mới chưa được trung ương bố trí vốn.

Ông Phan Huy Hoàng, Phó GĐ Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, cho biết: Các dự án nêu trên đều nằm trong kế hoạch tổng thể xây dựng cơ sở hạ tầng thủy sản thực hiện theo Nghị định 67. Cả tỉnh có 13 dự án được duyệt. Trong đó, có 2 dự án xây dựng dở dang, chuyển tiếp là Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn 2) và dự án Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ; số còn lại là dự án đầu tư mới, với tổng mức đầu tư dự kiến 2.060 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, trung ương chỉ mới bố trí một phần vốn cho 2 dự án là Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2) và Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ.

MỚI - NÓNG