Dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:

Đầu tư sai: Cả thủ trưởng và tham mưu đều bị xử lý

Đầu tư sai: Cả thủ trưởng và tham mưu đều bị xử lý
Uỷ ban Kinh tế Ngân sách của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật tiết kiệm và chống lãng phí. Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hữu Lợi- Vụ pháp chế (Bộ Tài chính), Tổ phó Tổ soạn thảo dự luật nói trên.
Đầu tư sai: Cả thủ trưởng và tham mưu đều bị xử lý ảnh 1
Ngô Hữu Lợi- Vụ pháp chế, Bộ Tài chính

Dự luật giải thích lãng phí là làm tốn kém, hao tổn tiền, tài sản, lao động và tài nguyên thiên nhiên. Đối với việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản Nhà nước, lao động trong khu vực Nhà nước và tài nguyên thiên nhiên ở những lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành việc sử dụng vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng chỉ đạt mục tiêu đã định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng không đạt mục tiêu đã định.

Lãng phí đến mức nào thì kỷ luật và mức nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự?

Đây là dự luật khung nên không thể quy định lãng phí đến mức nào thì bị xử lý. Tuy nhiên, đi theo luật này sẽ có 3 nghị định để cụ thể hoá, một là nghị định quy định chi tiết thi hành luật, hai là nghị định về xử phạt, ba là nghị định về trách nhiệm của người đứng đầu. Vấn đề là không phải trong lĩnh vực nào cũng có định mức, mà định mức, tiêu chuẩn, chế độ là thước đo để đánh giá thực hành tiết kiệm, nếu muốn kết luận lãng phí hay không cũng phải dựa vào định mức.

 Hơn nữa, dự luật còn hướng đến cả khu vực dân cư, mà khu vực này thì không có định mức, nên khái niệm đó  đã được mở rộng ra. Trong dự luật, tất cả các hành vi vi phạm thì đều quy định rất rõ trách nhiệm cá nhân, đến người đứng đầu hoặc người liên đới, để tránh các quy định chung chung về trách nhiệm của tổ chức như trước đây.

Đi xe quá định mức có thể bị xử lý hình sự

Thưa ông, một cán bộ cấp trưởng phòng cho biết hiện ông ta có hàng chục chiếc cặp da còn mới nhưng không dùng đến, vì nhiều lần đi họp được phát cặp da. Như vậy có phải là lãng phí?

Trong thực tế diễn ra rất nhiều hình thức lãng phí khác nhau, nhưng dự luật chỉ tập trung vào những lĩnh vực, những nhóm hành vi lãng phí đang diễn ra “nóng bỏng”.

Vậy dự luật chú trọng điều chỉnh những nhóm hành vi lãng phí nào?

Khi tiến hành xây dựng dự luật, chúng tôi lấy “cái lõi” là khu vực Nhà nước, trong khu vực Nhà nước thì trọng tâm là chống lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước, và trong đầu tư xây dựng các dự án có sử dụng tiền, tài sản Nhà nước. So với Pháp lệnh thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, dự luật còn “mở rộng” ở vấn đề chống lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực Nhà nước.

Đầu tư sai: Cả thủ trưởng và tham mưu đều bị xử lý ảnh 2
Chiếc xe Lexus này trị giá gần 3.000 con trâu được một quan chức sử dụng từng là tiêu điểm chú ý của công luận ảnh: B.K

Hay như với pháp lệnh thì chỉ quy định tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên bằng một điều rất nhỏ, nay dự luật có cả 1 chương về tiết kiệm trong quản lý  sử dụng tài nguyên thiên nhiên...Đối với khu vực dân cư chủ yếu là các quy định mang tính khuyến khích. Ngoài những chuyện tiết kiệm trong tiêu dùng hàng ngày, dự luật có những quy định rõ ràng về đầu tư các dự án xây dựng trong dân cư phải theo đúng quy hoạch sử dụng đất, để tránh tình trạng nhà xây trong khu quy hoạch lại phải đập đi, vừa tốn kinh phí giải phóng mặt bằng của Nhà nước lại vừa tốn cho người dân.

Nhiều cơ quan Nhà nước được cấp trụ sở nhưng không sử dụng hết mà lại cho thuê, sự lãng phí đó được dự luật điều chỉnh thế nào?

Dự luật đã dành hẳn 1 chương về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước và nhà công vụ. Theo đó, trụ sở làm việc không được sử dụng sai mục đích hoặc không sử dụng thì phải bị thu hồi; Mọi khoản thu phát sinh do việc sử dụng trụ sở làm việc không đúng mục đích phải được thu hồi và nộp vào ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, người được giao nhà công vụ phải quản lý, sử dụng đúng mục đích, chế độ và phải trả lại Nhà nước khi thôi trách nhiệm công vụ.

Được biết, đã có 55 địa phương, 40 bộ ngành mua ô tô vượt số lượng và giá quy định, dự luật giải quyết những vấn đề tương tự ra sao?

Dự luật nghiêm cấm việc mua sắm, trang thiết bị phương tiện đi lại sai đối tượng, vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Đặc biệt, hàng năm các bộ, ngành và địa phương phải rà soát, kiểm tra các phương tiện đi lại của các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của mình để xây dựng kế hoạch mua sắm, trang bị mới phương tiện đi lại hoặc thực hiện điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Việc thay thế phương tiện đi lại cũng phải đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ và chỉ được thực hiện khi phương tiện đi lại đã hết khấu hao hoặc được cơ quan chức năng giám định xác nhận xe không còn sử dụng được, để tránh trường hợp phương tiện còn tốt nhưng có đối tượng vẫn muốn thay xe mới.

Nhưng thông thường người sử dụng xe không trực tiếp mua mà do văn phòng mua. Như vậy làm sao xử lý, thưa ông?

Người quyết định mua sắm, trang bị phương tiện đi lại và những người có liên quan, nếu đi xe quá định mức, gây lãng phí thì phải bồi thường và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Dự luật sẽ đặt ra vấn đề thí điểm lập các doanh nghiệp công ích quản lý và phục vụ xe công.

Thế còn việc dùng điện thoại vượt quá định mức, mua máy vượt giá quy định… thì xử lý ra sao?

Dự luật nghiêm cấm sử dụng điện thoại công vào việc riêng.

Đầu tư sai: Cả thủ trưởng và tham mưu đều bị trách nhiệm

Đầu tư xây dựng cơ bản là lĩnh vực bị lãng phí nhiều nhất, thể hiện ở quy hoạch kém, đầu tư dàn trải, thất thoát. Dự luật điều chỉnh vấn đề này thế nào, thưa ông?

Về đầu tư xây dựng cơ bản, chủ yếu dự luật điều chỉnh các dự án có sử dụng tiền, tài sản Nhà nước: Từ khâu lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, và danh mục các dự toán đầu tư, đến thẩm định phê duyệt, khảo sát, thiết kế, thẩm định phê duyệt tổng dự án, dự toán công trình… Nếu lập quy hoạch gây lãng phí thì những người quyết định dự án và các cá nhân liên quan sẽ bị xử lý, vì trong lập quy hoạch thì có rất nhiều bộ phận tham mưu.

Nếu để xảy ra lãng phí trong đơn vị, người đứng đầu sẽ bị xử lý ra sao, thưa ông?

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không những phải xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan tổ chức của mình, mà phải có trách nhiệm cả trong lĩnh vực mình quản lý, ví dụ ông giám đốc sở tài chính thì không chỉ lo việc tiết kiệm trong văn phòng sở mà cả lĩnh vực tài chính do ông ấy quản lý.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.