Đau với rau 1.000 đồng: Dân dùng cho bò ăn, bón phân

Bao xà lách 3 người khiêng oằn vai, giá chưa tới 100 ngàn đồng. Ảnh: L.V.C
Bao xà lách 3 người khiêng oằn vai, giá chưa tới 100 ngàn đồng. Ảnh: L.V.C
TP - Bò ăn không hết rau. Rau không ai mua, kể cả rau sạch trồng trên cánh đồng mẫu. Để bớt rầu rĩ với giá rau 1.000 đồng/kg, nhiều nông dân đã chọn giải pháp biến rau thành phân bón. Đó là thực trạng chung trên diện tích 1.000 ha rau xanh vụ đông xuân ở Quảng Ngãi.

Mùng 9 Tết. Không khí xuân vẫn rộn ràng trên những con đường ở thành phố Quảng Ngãi. Nhưng cách đó không xa, tại các cánh đồng rau xanh chuyên canh của các xã lân cận, bao người nông dân đã ra đồng với khuôn mặt rầu rĩ vì rau rớt giá. “Chưa bao giờ rau rớt giá nặng như năm nay”, đó là lời chia sẻ của bà con nông dân. Hiện tại, giá rau thu mua tại các ruộng của bà con nông dân là 1.000 đồng/kg, rớt giá 20 lần, thậm chí tới 50 lần so với năm ngoái! Trong đó có những loại rau ngon hay được bán kèm với các món ăn trong các nhà hàng như: xà lách cuốn Đà Lạt, rau cải thảo, xà lách quắn.    

Bà già 92 kiếm bạc lẻ         

Phần lớn những người nông dân tôi gặp trên cánh đồng đều đã lớn tuổi. Lúc 12 giờ trưa nắng hanh hao, trên cánh đồng rau ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng vẫn thấp thoáng bóng người. Cụ bà Nguyễn Thị Lớn (92 tuổi) vẫn lúi húi ngồi nhổ rau cải xếp đầy giỏ. Người bà lấm lem bùn đất, chân mang tất ướt bùn nhão, vạt áo đứt nút.

Tôi nhìn công việc của một bà lão và bất giác so sánh với cuộc du xuân chưa dứt của nhiều người. Giỏ rau cải đầy tới miệng, nhưng giá bán khoảng 8 ngàn đồng. Cái giá thật chát đắng. Bà cho biết, chồng là liệt sĩ. Hiện nay bà sống với con gái làm nghề nông và chạy chợ bán rau. Thấy con gái cực nhọc nên bà cũng ráng làm để kiếm thêm ít đồng bạc lẻ.   

Đau với rau 1.000 đồng: Dân dùng cho bò ăn, bón phân ảnh 1 Cụ Nguyễn Thị Lớn (92 tuổi), thu hoạch cả giỏ rau được chưa tới 10 ngàn đồng. Ảnh: Lê Văn Chương.

Đi khắp các vùng chuyên canh rau ở Quảng Ngãi, vào huyện Đức Phổ, huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, nơi nào cũng rơi vào tình trạng giá rau 1.000 đồng. Ông Nguyễn Hiệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi cho biết, cuối năm 2017, giá rau xanh bán ra trước, trong và sau tết là khoảng 16 ngàn đồng/kg, có khi rau có giá trên 20 ngàn đồng/kg. Năm đó bà con nông dân đón tết vui vẻ, con em đi học ở Sài Gòn về thăm nhà có chút tiền mang vô đóng học phí. Nhưng năm nay thì hơn 10 ha rau ở xã thất bại, vì giá rau 1.000 đồng.          

Vì sao giá rau tụt giảm thê thảm? Giá đậu cô-ve trong Tết là 50 ngàn đồng/kg, giờ chỉ còn vài ngàn. Bà con nông dân không rõ nguyên nhân. Gặp các tiểu thương bán rau ở chợ Quảng Ngãi, các chị cho biết, năm nay rau xanh Đà Lạt không tràn về Quảng Ngãi nhưng rau của bà con nông dân vẫn “chết giá”. Qua khảo sát, giá rau bán lẻ ở chợ đầu mối Quảng Ngãi vẫn giữ giá 8–10 ngàn đồng. Ông Phạm Bá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân rau rớt giá là do thời tiết tốt, nơi nào cũng… trúng rau!

Ghim rau, chờ… cỏ!          

Đi đến các làng rau chuyên canh ở tỉnh Quảng Ngãi, rất nhiều nơi còn cánh đồng rau xanh mượt và đẹp mắt dưới ánh nắng vàng. Đẹp, nhưng lại làm người nông dân buồn rầu và than vãn “trời ơi, rau gì mà thua cỏ!”. Tại vườn rau xà lách búp vuông vắn và đẹp mắt của ông Đỗ Khôi ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, phải tinh mắt thì mới nhận ra, đây là một trong nhiều vườn có cảnh tượng rau thi đua với cỏ.

Hơn 1,5 sào xà lách búp đã tới kỳ thu hoạch nhưng bỏ hoang để thi mọc với cỏ. Bà con nông dân cho biết, nếu thu hoạch vườn này thì được hơn 1,5 tấn xà lách. Vào thời điểm được giá thì bán ra khoảng 12 ngàn đồng/kg. Nhưng hiện nay giá xà lách búp chỉ 1.000 đồng, thậm chí là vài trăm, hoặc không có người thu mua.          

Đi khắp các vùng trồng rau chuyên canh ở Quảng Ngãi, những nơi nào càng trồng nhiều rau thì nông dân càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra. Giải pháp trước mắt của bà con là cứ để mọc với cỏ và chờ đợi với hy vọng le lói rằng “biết đâu mai này lại được giá, bán ra thu hồi vốn”. Niềm mong đợi đó được bà con đặt vào những ngày cận Tết. Tết xong rồi ra giêng thì vẫn không có tín hiệu gì khả quan, giá cũng không nhích lên. Nhiều nông dân hiện nay bắt đầu quay sang phá rau làm phân bón.       

Đau với rau 1.000 đồng: Dân dùng cho bò ăn, bón phân ảnh 2 Anh Trần Phụng băm nát vườn rau xà lách để làm phân cho cây đu đủ.

Giữa trưa nắng, anh Trần Phụng băm những nhát cuốc chán nản xuống vườn rau xà lách búp xanh mơn mởn. Anh thâm canh xà lách Đà Lạt chung với cây đu đủ và dự định khi đu đủ lớn thì sẽ kết thúc vụ rau xen canh. Chờ đợi giá mãi đâm ra nản. Anh quyết định đánh rạch dưới gốc đu đủ và biến hơn 2 sào xà lách búp thành phân bón.

Anh cho biết: “Vợ chồng tôi mua giống xà lách Đà Lạt về trồng tại 2 vườn, chi phí riêng cho giống cây là 3,4 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền giống, tiền công. Bây giờ làm nông không thành công thì chỉ có cách đi làm thuê để nuôi con”.          

Bên cạnh vườn rau của anh là rất nhiều ruộng rau khác thẳng tắp đường cày. Vườn rau có diện tích 1,5 sào rau của ông Phạm Đình Hân đã cho xe máy cày san bằng 1 sào và tạo luống để chuẩn bị trồng loại cây khác. Ông Thành, một nông dân cho biết “nhiều bà con nông dân đang gọi máy cày tới phá rau. Từ mùng 10 Tết sắp tới thì cơ bản là sẽ cho máy cày phá hết. Vì công bỏ ra là 10 mà chỉ bán có 1 thì phá làm phân cho xong”.          

Lang thang trên những cánh đồng trồng rau, thỉnh thoảng bắt gặp gánh rau héo bỏ bên đường. Bà con cho biết, nhiều người gánh rau ra chợ, bán một ít, còn đổ vào hố rác. Gặp bà con nông dân dồn rau vào bao và hì hục khiêng lên xe để chở lên chợ đầu mối, khi được hỏi “giá bao rau 3 người khiêng oằn vai là bao nhiêu?”. Bà con nông dân nghe hỏi thì đều nở nụ cười méo xệch và cho biết: “Chưa tới một trăm ngàn đó chú ơi, nay mai không biết lấy tiền đâu cho mấy đứa nhỏ vô Sài Gòn nộp học phí!”.          

Rau rẻ. Nhiều gia đình nông dân chia sẻ về việc lúng túng vì cuối năm con cái đi học xa về thăm nhà rồi xin tiền bố mẹ vào Nam đóng học phí. Cô Nguyễn Thị Hoa ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi cho biết, gia đình trồng 2 sào rau và làm đủ thứ để kiếm tiền lo cho 2 đứa con đang ăn học ở Sài Gòn, một đứa đang học năm thứ 4, một đứa học năm đầu. Cứ sau Tết là phải lo cho hai anh em hơn 25 triệu đồng. Nhưng mà hiện nay bán hết đám rau cũng chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng nên chị phải đi vay mượn tiền để lo cho con.          

Tôi rời làng rau Nghĩa Dũng khi nắng cuối chiều đã chuyển sang sắc đỏ soi xuống dòng sông Trà nằm bên cạnh làng. Khi băng qua ngôi nhà cũ kỹ của cụ bà Nguyễn Thị Lớn thì vẫn thấy vai bà trĩu xuống với giỏ rau nặng trĩu. Mỗi giỏ rau chưa tới 10 ngàn. Cụ cho biết: “1 giờ sáng là con gái của bà chở rau ra chợ bỏ mối, bà ráng làm để đỡ đần cho con”.

Đi khắp các vùng trồng rau chuyên canh ở Quảng Ngãi, những nơi nào càng trồng nhiều rau thì nông dân càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra. Giải pháp trước mắt của bà con là cứ để mọc với cỏ và chờ đợi với hy vọng le lói rằng “biết đâu mai này lại được giá, bán ra thu hồi vốn”. Niềm mong đợi đó được bà con đặt vào những ngày cận Tết. Tết xong rồi ra giêng thì vẫn không có tín hiệu gì khả quan, giá cũng không nhích lên. Nhiều nông dân hiện nay bắt đầu quay sang phá rau làm phân bón. 

 

Ông Phan Kế Toán (76 tuổi), một nông dân ở xã Nghĩa Dũng cho biết, hiện nay bà con chỉ còn trông chờ vào đầu ra của ớt. Nhưng ớt chủ yếu bán sang thị trường Trung Quốc, nhưng tới giờ này thì vẫn chưa thấy người thu mua nhúc nhích gì cả.                                                          

MỚI - NÓNG