Day dứt về khoảng cách giàu nghèo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ðỗ Văn Chiến. Ảnh: Như Ý.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ðỗ Văn Chiến. Ảnh: Như Ý.
TP - Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ðỗ Văn Chiến nói rằng, ông thấy day dứt, trăn trở khi tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc thiểu số cao, thu nhập bình quân chỉ bằng 1/5 so với cả nước.

Sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. Nêu chất vấn, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đề cập tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc thiểu số rất cao, cứ 3 người thì có 1 người nghèo. Điều đáng quan tâm là thu nhập bình quân đồng bào dân tộc thiểu số rất thấp, dẫn đến chênh lệch giàu nghèo cao. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, vấn đề đại biểu nêu ra “mang tầm chiến lược”, cũng là day dứt, trăn trở của nhiều cấp lãnh đạo, trong đó có cá nhân ông. Thực tế, thu nhập bình quân của họ chỉ 7 - 8 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/5 so với cả nước. Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chính sách đặc thù, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên quá trình thực hiện còn một số khó khăn, hiệu quả cũng chưa được như mong muốn.

Mặc dù các chính sách về y tế, văn hóa, giáo dục, hạ tầng đều đã có, nhưng tại sao vẫn chưa đảm bảo đời sống cho đồng bào dân tộc? Theo ông Chiến, có chính sách ban hành nhưng cân đối nguồn vốn thấp, chính sách lại thường kéo dài 5 năm, cái mới chưa ra, cái cũ hết hiệu lực. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ trực tiếp cũng là nguyên nhân để số ít người dựa dẫm, không muốn ra khỏi hộ nghèo. Vì vậy, chính sách tới đây sẽ phải “tăng vay ưu đãi, giảm cho không”, ông nói.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng phản ánh, qua giám sát và khảo sát cho thấy các chương trình, dự án đầu tư cho khu vực dân tộc miền núi có nhiều nội dung chồng chéo, dẫn đến phân tán nguồn lực, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Về việc này, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, hiện có 13 nhóm chính sách, phân công cho 14 bộ chủ trì. Có chính sách một số bộ đề xuất nhưng không trùng lặp, vì sự hưởng lợi khác nhau, tuy nhiên điều này cũng không tốt. Ông Chiến “thiết tha đề nghị” có nghiên cứu mang tầm quốc gia để giải quyết cho đồng bào dân tộc có đời sống tốt hơn, bởi đây là vùng có vị trí chiến lược.

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, để phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, miền núi, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể là, chỉ đạo quyết liệt thực hiện mục tiêu đề ra về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững và các chương trình dự án khá; ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho thôn bản khó khăn cho 35 tỉnh…
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".