Dạy học sinh từ những trải nghiệm thực tế

Cô Trần Thị Dung
Cô Trần Thị Dung
TP - Hơn chục năm làm nghề giáo, ngoài những giờ cặm cụi soạn giáo án và đứng lớp, cô giáo Dương Thị Thu Hà và Trần Thị Dung ở Hà Nội lại mày mò, nghiên cứu nhiều thiết bị, giải pháp để hỗ trợ học sinh học tập hiệu quả đồng thời truyền ngọn lửa nhiệt huyết để học sinh ham mê nghiên cứu khoa học.

Dạy học không chỉ trên bục giảng

Cô Dương Thị Thu Hà giáo viên Trường THPT Lê Lợi, Hà Đông (Hà Nội) là người được học sinh biết đến bởi rất nhiều ý tưởng để có những giờ học không nhàm chán. Là giáo viên dạy Sinh học nhưng những sáng tạo của cô Hà không dừng lại ở kiến thức môn học. Riêng năm học 2017-2018, cô Hà đã xây dựng được nhiều kế hoạch để học sinh có nhiều chuyến thực nghiệm học đi đôi với hành. Cụ thể như: tìm hiểu dinh dưỡng và hoạt động nấu ăn tại công ty Ajnomoto Việt Nam; Tìm hiểu các ký sinh trùng gây bệnh tại Học viện Edufarm…

Đặc biệt, phải kể đến dự án cùng học sinh làm từ thiện từ chính thành quả lao động của mình. Cô Hà chia sẻ, thi thoảng ở trường học, học sinh cũng được kêu gọi làm từ thiện bằng việc quyên góp quần áo, xin tiền bố mẹ để mua quà tặng học sinh nghèo, vùng lũ lụt. Tuy nhiên, những cách làm đó khó có thể giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của sự cho đi. Vì thế, cô đã lên dự án cùng học sinh trồng hoa tulip để lấy tiền gây quỹ từ thiện.

Dạy học sinh từ những trải nghiệm thực tế ảnh 1 Cô Dương Thị Thu Hà

Ngoài giờ học, cô đưa học sinh đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam để học hỏi kỹ thuật trồng hoa tulip từ thầy Hồ Minh Việt, một giảng viên tài năng về kỹ thuật trồng cây. Sau khi học sinh tự lĩnh hội được kiến thức, kỹ thuật cô đã bỏ ra gần 14 triệu đồng mua giống cho tất cả học sinh trong lớp để mỗi em tự chăm sóc khoảng 2 chậu hoa đặt ở trường. Từ đó, mỗi ngày lên lớp, học sinh hào hứng và có trách nhiệm hơn khi phải canh giờ tưới nước, bón phân. Trời mưa, nắng đều phải bê hoa ra rồi lại bê vào. Ngày lễ, tết học sinh cũng cắt cử nhau đến chăm sóc nếu không hoa sẽ chết. “Khó khăn như vậy nên khi những chậu hoa nở, không chỉ các em được gặt hái thành quả mà còn hiểu được giá trị của công sức lao động”, cô Hà chia sẻ.

Cũng theo cô Hà, khi những chậu hoa Tulip khoe sắc, học sinh được giao phải tự mình bán hoa và lấy tiền đó đi làm từ thiện. Số tiền thu được đầu tiên gần 5 triệu đồng/ lớp, tuy chưa nhiều nhưng các em sau đó chia sẻ rằng, đã hiểu ra để làm được một việc gì đó có kết quả không hề đơn giản.

Sáng tạo nhiều thiết bị dạy học

Cô Trần Thị Dung, giáo viên Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cũng là một trong những giáo viên được Sở GD&ĐT Hà Nội tuyên dương vì nhiều sáng tạo trong dạy học.

Là giáo viên dạy môn Vật lý, ngoài các giờ dạy trên lớp cô mày mò, sáng tạo ra nhiều thiết bị, đồ dùng để học sinh vừa học vừa thực hành. Cụ thể như: Thiết bị thí nghiệm khảo sát tác dụng làm quay của lực; Bộ thí nghiệm khúc xạ ánh sáng giữa không khí, thuỷ tinh; thiết kế phần mềm tự động xử lý số liệu thí nghiệm trên nền tảng Microsoft Excel. Các thiết bị do cô Dung sáng chế hiện được sử dụng trong dạy học tại trường. Cô Dung cũng là người sử dụng phần mềm công nghệ để thiết kế mô hình “Học tập trực tuyến” trên lớp nhằm giúp kết nối trực tuyến và chia sẻ kết quả học tập giữa các nhóm học sinh trong giờ học.

Cô tâm sự, ngoài thời gian dạy học trên lớp, cô dành phần lớn thời gian để mày mò, nghiên cứu. Nhiều đêm, khi con đã ngủ say, cô lại lén dậy, bật đèn đọc sách, nghiên cứu đến 2 giờ sáng mới đi ngủ. Mỗi công trình, sản phẩm hoàn thành cô cảm thấy có động lực hơn khi đến trường, đứng trước học sinh và truyền đạt lại điều đó cho các em.

Cô Dung chia sẻ, từ năm 2015 đến nay, cô đã phát động phong trào “Những nhà sáng chế tương lai” nhằm khơi nguồn sáng tạo cho học sinh. Cô và giáo viên trong trường rất bất ngờ vì sau một thời gian học sinh đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao trong học tập và cuộc sống. Ví như, “máy phát tĩnh điện; máy phát điện chạy bằng năng lượng gió; Máy hút bụi tự động…”. Đặc biệt, sản phẩm “Máy hút bụi tự động” được tham dự triển lãm trong gian trưng bày sản phẩm tại Ngày hội công nghệ thông tin TP.

Ngoài ra, cô Dung đã nghiên cứu và áp dụng nhiều sáng kiến trong dạy học. Như ý tưởng, sử dụng sơ đồ tư duy để giải nhanh các bài toán cực trị trong Vật lý THPT.  Nhờ nghiên cứu và nỗ lực không ngừng cô đã có 5 công trình khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tin trong và ngoài nước.

Cô đã 2 lần được trao tặng giải thưởng Gặp gỡ Việt Nam cho những thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học; 2 lần đoạt Giải thưởng Toshiba dành cho nghiên cứu sinh có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc. Cô cũng là giáo viên giành giải Ba cuộc thi giáo viên dạy giỏi TP.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.