Đẩy nhanh thực hiện Chiến lược biển

Đẩy nhanh thực hiện Chiến lược biển
TP - “Trong vùng biển của mình, ngư dân đi đến đâu, thì chủ quyền đất nước được hiện diện, khẳng định và bảo vệ tới đó. Bởi thế, chúng ta cần nhanh chóng thực thi Chiến lược Biển. Trước hết, cần sớm ban hành luật về biển”- nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

> Luật Biển phải được đưa vào sách giáo khoa
> Tổ chức lại Viện Chiến lược Quân sự

Người dân đảo Lý Sơn chuẩn bị lưới trước khi ra khơi. Ảnh: Hồng Vĩnh
Người dân đảo Lý Sơn chuẩn bị lưới trước khi ra khơi. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền gắn liền với hòa bình, ổn định và hợp tác

Việc tàu hải giám TQ cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02, và mới đây nhất là tàu cá của họ cắt cáp tàu Viking 2 của Petro Vietnam thuê để khảo sát trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, được ông nhìn nhận thế nào?

Việc tàu Trung Quốc va chạm với tàu của ta, nhất là tàu cá, lâu nay vẫn thường xảy ra, lúc ít, lúc nhiều và gần đây năm nào cũng có. Tuy nhiên, vụ việc tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 và mới đây là tàu cá TQ cắt cáp thăm dò của tàu Viking 2 hoạt động khảo sát địa chấn trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, có tính chất nghiêm trọng, vì đó là sự xâm phạm, phá hoại sản xuất của Việt Nam trong vùng chủ quyền của ta.

Tôi cho rằng, những sự việc vừa rồi, thể hiện phía Trung Quốc đã cố ý. Chúng ta cần phải có biện pháp đấu tranh.

Ta biết rằng, vùng biển Đông được bao bọc bởi 8 nước ASEAN và Trung Quốc, cho nên các nước đã có cam kết những nguyên tắc ứng xử chung. Những vụ việc vừa qua của phía Trung Quốc là coi thường các nguyên tắc này, tạo không khí nóng lên trong khu vực. Hơn nữa, những vụ việc gây ra bởi các tàu Trung Quốc là vi phạm Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.

Với chúng ta, vấn đề tối thượng và bất di bất dịch là chủ quyền. Cho nên cần phải có phản ứng mạnh mẽ. Ở cấp lãnh đạo Chính phủ, tuần vừa rồi trong hàng loạt sự kiện về tuần lễ Biển đảo tại Nha Trang, đã có những tuyên bố rất mạnh mẽ và rõ ràng về chủ quyền, có thể nói, ta đã thể hiện sự quyết liệt và quyết tâm bảo vệ chủ quyền.

Điều đáng quan ngại hơn là phía Trung Quốc thể hiện rất rõ chuyện “nói không đi đôi với làm”, ông nghĩ sao?

Những vấn đề mà phía Trung Quốc đang làm khác với những gì mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã cam kết. Tôi nghĩ, đây là vấn đề đáng quan ngại, bởi nó ảnh hưởng tới niềm tin. Trong quan hệ quốc tế, để giải quyết những bất đồng, lòng tin luôn được coi là một cơ sở quan trọng.

Vậy theo ông, chúng ta nên ứng xử ra sao?

Đây là vấn đề lớn, không thể giải quyết một sớm, một chiều. Thế nên chúng ta phải có Chiến lược lâu dài phù hợp, đồng thời giải quyết một cách khéo léo những bức xúc hiện nay cho phù hợp với Chiến lược lâu dài đó. Nói gọn là: “Kiên quyết, không khoan nhượng, bảo vệ chủ quyền gắn liền với duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác”.

Vừa qua, tôi cho rằng, chúng ta đã xử lý vấn đề khá tốt. Vừa công khai thông tin để dân biết, vừa đấu tranh trên con đường ngoại giao và có những tuyên bố về chủ quyền khá kịp thời. Chúng ta phải kiên trì, không nóng vội, nhưng không thể chậm trễ. Về mặt quốc phòng, phải bảo vệ, giữ gìn vùng biển của ta, bảo vệ ngư dân và các hoạt động kinh tế của ta trên biển.

Chính sách của ta, theo tôi biết, trong giải quyết những sự việc này luôn kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời và biển đảo của Tổ quốc.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc.
 

Sớm ban hành Luật về Biển

Thưa ông, chúng ta đã xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế biển, nhưng qua những sự việc vừa rồi, thấy việc triển khai thực hiện chiến lược này còn rất chậm?

Theo tôi đúng là có chậm, chưa theo kịp đòi hỏi thực tế. Chúng ta đã có Nghị quyết của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2020, nhưng nhiều việc chưa được thể chế hóa thành văn bản luật. Mong muốn phải sớm có một luật về biển. Luật này cần được ưu tiên xây dựng. Trong đó, nói đến vấn đề sử dụng biển một cách hợp lý của ta, đồng thời cũng có những quy định về đối ngoại và an ninh trên biển.

Việc xác định các ngành nghề kinh tế biển và thứ tự ưu tiên đã được nêu trong Chiến lược biển, nhưng chưa có sự gắn kết các ngành nghề và các vùng biển thành quy hoạch kinh tế-xã hội thống nhất như trong bản Chiến lược đòi hỏi.

Lập đội tàu ra khơi

Ngoài vấn đề liên quan chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, hiện ngư dân ra khơi luôn gặp những rủi ro trên biển, ông có đề xuất gì để ngư dân yên tâm ra khơi sản xuất?

Trong nghị quyết về Chiến lược biển, nói phát triển kinh tế biển trước năm 2020, có 5 ngành theo thứ tự là: dầu khí, hàng hải, chế biến thủy sản, du lịch và khu công nghiệp, chế xuất ven biến. Còn tầm nhìn sau năm 2020, kinh tế hàng hải là số một, dầu khí là thứ hai (dầu khí là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo thì kinh tế hàng hải là trường tồn theo vị trí địa lý của nước ta). Thủy sản, đứng thứ ba.

"Ở ta, cứ 100 km2 diện tích đất liền thì có một 1 km bờ biển (trong khi trung bình của thế giới là 600 km2 đất liền mới có 1 km bờ biển). Biển Đông có tiềm năng rất lớn. Trong đất liền ta có 1 triệu hécta mặt nước để nuôi trồng thủy sản thì đã tạo ra được hai thương hiệu lớn là tôm và cá tra, nhưng trên biển thì chưa tạo được thương hiệu nào" - Ông Tạ Quang Ngọc.

Nhưng đó là nói theo góc độ kinh tế. Còn dưới góc độ tổng hợp của cả kinh tế, xã hội, an ninh Quốc phòng, tôi nghĩ, khai thác chế biến thủy sản là cực kỳ quan trọng. Vì trong vùng biển của mình, ngư dân mình đến đâu, đánh bắt ở đâu thì chủ quyền đất nước hiện diện ở đó.

Ngành thủy sản dựa vào nguồn tài nguyên tái tạo được. Nếu chúng ta sử dụng tài nguyên đúng mức, không vi phạm về môi trường, thì sẽ bền vững và nuôi sống hàng vạn ngư dân trong nhiều nhiều năm tới. Tôi nghĩ, về lâu dài, có thể nói nghề cá và người làm nghề cá mãi mãi song hành cùng với nhịp thở biển Đông.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 600.000 ngư dân trong khoảng 4 triệu người lao động nghề cá (thời vụ, cũng như chuyên nghiệp), chiếm một tỷ lệ khá cao trong cơ cấu lao động ven biển hiện nay. Thêm vào đó, nghề đánh cá trên biển nuôi sống ít nhất 40% trong số 1/3 dân số Việt Nam (sống ở 28 tỉnh, thành ven biển). Và nó có yếu tố cộng đồng, văn hóa xã hội rất đặc thù, không ngành nào có. Do vậy, tôi nghĩ, nếu nói từ góc độ sức mạnh tổng hợp xuất phát từ yếu tố kinh tế - xã hội, thì nghề cá có một vị trí quan trọng nhất trong Chiến lược về biển.

Ông nghĩ sao khi lâu nay, kinh tế biển đóng góp cho thu nhập quốc dân rất lớn, nhưng có vẻ việc đầu tư trở lại cho nó chưa tương xứng?

Với các ngành khác ngoài ngành thủy sản, nhiều khi chỉ cần tạo ra các tập đoàn mạnh làm ăn có hiệu quả, là có chỗ đầu tư. Nhưng ở đây, với thủy sản chúng ta có 4 triệu lao động, khoảng 130.000 tàu đánh bắt, chúng ta đầu tư kiểu nào đây? Đây là vấn đề lớn.

Tôi thấy, Chương trình đánh bắt cá xa bờ là Chương trình rất tốt. Chúng ta đã cho ngư dân vay vốn ưu đãi khoảng 1.300 tỷ đồng để đóng tàu công suất lớn (250 CV trở lên) để đánh bắt xa bờ. Thế nhưng, các yếu tố đồng bộ khác (từ điều tra nguồn lợi, công nghệ khai thác, cơ cấu lại tổ chức đánh cá và những vấn đề về hành chính nữa...) đã hạn chế nhiều đến kết quả chương trình này.

Hơn nữa, đi ra biển phải có đoàn có hội. Ngày xưa, chúng ta có các hải đoàn gắn với một số quốc doanh đánh cá, bây giờ gần như không còn. Tôi cho rằng tới đây (sớm thôi), chắc chắn phải làm gì thay đổi điều đó. Ra khơi đánh bắt xa bờ mà đi từng phương tiện một, không có đội tàu liên kết chặt chẽ từ bờ ra biển thì rất khó khăn. Ngư dân đi ra biển lớn được thì cũng giữ chủ quyền biển ngon lành…

Tôi muốn nói thêm, các chính sách đối với ngư dân và nghề cá phải xuất phát từ lợi ích và trách nhiệm của ngư dân, đồng thời khuyến khích tổ chức lại HTX nghề cá để đi lên từ truyền thống, định hình các HTX, các doanh nghiệp đánh cá có quy mô phù hợp, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH, đất nước. Rõ ràng, tính dài hạn là cần thiết cho hệ thống chính sách đó, chứ không phải chỉ là các chính sách hỗ trợ phát sinh cấp thời và ngắn hạn do những bức xúc như giá dầu, thiên tai, dịch bệnh...

Cảm ơn ông.

Bá Kiên - Phạm Anh thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG