ĐB Đỗ Văn Đương: Chẳng nhẽ luật sư sống bằng “không khí” để bào chữa?

Đại biểu Đỗ Văn Đương.
Đại biểu Đỗ Văn Đương.
TPO - Xung quanh phát biểu “luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền” gây ra phản ứng cho giới luật sư, Đại biểu Đỗ Văn Đương cho biết, ông không nói “vì tiền”, nhưng phải “có tiền”. Theo ông Đương, chẳng nhẽ luật sư sống bằng “không khí” để đi bào chữa?

Vừa qua, trả lời phỏng vấn của Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP. HCM) bên hành lang Quốc hội “Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”, đã gây phản ứng trong giới luật sư. Sáng 28/10, trả lời báo chí, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương nói: “Tôi sẽ không đính chính lại thông tin này”.

Ông Đương giải thích: Luật sư là một nghề và họ phải sống bằng nghề. Làm nghề thì phải có thù lao. Tuy vậy, có con số đáng để chúng ta suy nghĩ thế này: Trong 100 vụ án hiện nay, có đến 80% không có luật sư bão chữa. Một phần thiếu luật sư, một phần là do 80% các vụ án đó liên quan đến người nghèo, không có tiền thuê luật sư để bào chữa. Thế nhưng, điều ngược lại 100% số vụ án kinh tế như tham nhũng, tranh chấp đất đai thì rất nhiều luật sư bào chữa. Thậm chí, có những vụ mới tiến hành khởi tố vụ án đã có luật sư vào rồi. Ví như vụ án Bầu Kiên... rất nhiều luật sư tham gia bào chữa, tranh tụng tại tòa. 

Nói đi phải nói lại, một lần nữa chúng ta khẳng định vai trò luật sư rất quan trọng, nhờ họ đã góp phần rất lớn trong việc chống oan sai và không bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, hoạt động của luật sư cũng phải có điều kiện của nó, chẳng nhẽ sống bằng “không khí” để đi bào chữa? Người có tiền thuê luật sư bào chữa. Còn chỉ định luật sư công, nhà nước cũng phải bỏ tiền ra cho luật sư. Tuân theo một quy định cung- cầu và giá trị rất rõ ràng. Điều này đâu có gì sai.

Còn thực tế, có những luật sư hoạt động không vì tiền, đứng lên bào chữa miễn phí vì danh dự. Số này chiếm không nhiều, còn thông thường có ai sống bằng không khí để đi bào chữa?

Có dư luận cho rằng, những luật sư ngoài công tác chuyên môn còn tham gia 'chạy án'. Và tại phiên thảo luận mới đây, ĐBQH đề nghị cần thành lập cơ quan để điều tra tội “chạy án”?

Thực tế có một bộ phận, hoặc nhóm đối tượng đứng ra làm môi giới giữa cán bộ tố tụng với bị can, thực tế không ít vụ việc đã bị phát hiện và tiến hành xử lý. Vấn đề có cần cơ quan giám sát hoạt động của luật sư hay không. Trong quy định hoạt động tố tụng đã nói rõ. Nhưng cái chính là giám sát hoạt động của luật sư không dễ. Bởi luật sư họ rất am hiểu luật. Thế nên hoạt động nào cũng phải giám sát, không chỉ riêng mình luật sư. Lâu nay không ít người, không ít luật sư nhân danh mình là luật sư, hoặc mình làm nghề này, nghề kia. Cứ tưởng người ta tốt, nhưng thực tế không phải vậy. Tốt hay xấu bằng chính công việc mình làm chứ không phải lời nói. Tâm không trong sáng thì có nhân danh nghề gì, làm gì cũng vậy thôi.

Nhưng có thực tế, không ít phiên tòa xem nhẹ vai trò của luật sư. Thậm chí có phiên tòa mới đây, khi luật sư đứng lên tranh tụng một nhân viên tố tụng rút điện thoại ra nghe?

Cái đó là không thể chấp nhận, vì luật chúng ta đã quy định luật sư khi tham gia tranh tụng tại tòa có vai trò rất lớn. Án tại hồ sơ, song không phải hồ sơ nào cũng đúng, cũng khách quan.

Khi ông nói “luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền” gây ra phản ứng cho giới luật sư, ông có thể nói rõ hơn ý của ông được không?

Nói thế đương nhiên gây ra sự phản ứng. Nhưng tôi không nói “vì tiền”, nhưng phải “có tiền”. Nếu không có tiền thì lấy đâu nuôi bộ máy trong văn phòng luật sư. Cái đáng lên án là những luật sư chạy án, tham gia vào những vụ án không đúng bản chất của nghề luật sư.

MỚI - NÓNG