ĐBQH đề nghị khống chế lạm phát dưới 7%

ĐBQH đề nghị khống chế lạm phát dưới 7%
Sáng 30/10, phiên cuối cùng Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2007, kế hoạch năm 2008. Nhiều ĐB cho rằng, chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2008 là 8,5-9% thì phải khống chế lạm phát dưới 7 % thì mới bảo đảm tăng trưởng bền vững.

>> Thảo luận của Quốc hội ngày càng hiệu quả

ĐBQH đề nghị khống chế lạm phát dưới 7% ảnh 1
Các ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường ngày 30/10. Ảnh : TTXVN

Số đại biểu đăng ký phát biểu vượt cả thời gian của buổi sáng. Nhưng tâm huyết của các đại biểu vẫn tập trung đề nghị Chính phủ phân tích rõ, để rút kinh nghiệm và có giải pháp thích hợp để khắc phục những hạn chế, tồn tại; bảo đảm năm 2008 kinh tế-xã hội nước ta phát triển phát triển vững chắc.

Đại biểu Nguyễn Tiến Dĩnh (Hà Nội) cho rằng: Nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tăng cao do nền kinh tế nước ta phụ thuộc vào thị trường thế giới.Việc sử dụng công cụ tài chính chưa hợp lý, đưa một lượng lớn tiền mặt (VNĐ) vào lưu thông góp phần tăng lạm phát. Chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2008 là 8,5-9% thì phải khống chế lạm phát dưới 7 % thì mới bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Tại sao chăn nuôi bò sữa của nước ta không phát triển, nhưng phải nhập sữa về; rau quả cũng phải nhập nhiều. Công nghiệp chủ yếu là gia công, xuất khẩu thô, bảo hộ ô tô quá lâu... Nếu giá tiêu dùng tăng cao gần bằng tốc tăng trưởng GDP thì sự tăng trưởng không bền vững.

Những giải pháp cần cụ thể như: Tăng cường phát triển ngành công nghiệp chủ lực, giảm trợ giá, sử dụng công cụ tài chính thông qua thuế một cách hữu hiệu, chống độc quyền ngành nước, điện.

Đề nghị Chính phủ chú trọng giải pháp giảm nhập siêu, hạn chế phụ thuộc vào bên ngoài. Thiếu vốn nhưng không có khả năng hấp thụ vốn là tại sao?. Đó là lỗi cả Chính phủ, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp. Vậy phải tập trung cải cách hành chính, giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) phát biểu: Chỉ số tăng giá hết tháng 10/2007 là 8,12%, thấp hơn chỉ số tăng GDP, nhưng cũng đáng báo động. Riêng tháng 10 tăng 0,74%, vậy cả năm 2007 giá cả sẽ tăng xấp xỷ 9%. Trong năm 2008, Chính phủ cần giữ giá VNĐ như năm 2007, bảo đảm lãi suất tiền gửi dương và giữ mức lạm phát dao động khoảng 7% thì sẽ là một thành công lớn của năm 2008 nếu đạt mức tăng GDP 9%

Bộ trưởng Bộ tài nguyên-môi trường Phạm Khôi Nguyên (đại biểu Hà Tây) giải trình: Chính phủ đang chỉ đạo giải quyết tồn tại trong quy hoạch, thu hồi và bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng...cấp sổ đỏ. Việc chuyển đổi đất sang phát triển công nghiệp đã tạo nguồn lực cho kinh tế đất nước phát triển. Thu ngân sách năm 2001 là 2000 tỷ, đến năm 2007 đã tăng 16.000 tỷ. Cả nước có 148 khu công nghiệp, hơn 2.500 dự án với mức đầu tư xấp xỷ 20 tỷ USD đã giải quyết việc làm cho 0,9 triệu lao động, và hơn 1,5 triệu người có thu nhập từ việc làm phụ.

Chính phủ : phấn đấu tăng giá dưới 8%, tăng trưởng trên 9%

Nhằm giải đáp những thắc mắc của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Thủ tướng đã trình bày trước Quốc hội một báo cáo, đề ra 9 nhóm giải pháp khắc phục những hạn chế của năm 2007để 2008 với tầm nhìn cao hơn bảo đảm chất lượng của tăng trưởng.

Đất nước ta vẫn là nước nghèo, tổng thu ngân sách mới khoảng 20 tỷ USD. Năng lực tự chủ từ tài chính đến vật tư ta còn phụ thuộc ở nước ngoài, còn nhập siêu. Thiếu đường bộ, đường sắt, đường không... bưu chính vẫn chưa theo kịp thế giới, an ninh về năng lượng vẫn chưa đạt; nguồn nhân lực vẫn chưa đạt, chưa cạnh tranh được với quốc tế.

Tình trạng nghèo đói còn khá lớn ở nông nghiệp, nông thôn. Về cơ bản 60% lao động nông nghiệp, sản phẩm làm ra chiếm 20% GDP, còn lại là 40% lao động làm ra 80% sản phẩm.

Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp hoá dầu để năm 2015 lọc dầu đạt 20 triệu tấn mỗi năm, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất; năm 2020 tăng lên 30 triệu tấn. Ta mua nguyên liệu từ Ả- rập, các nước SNG và của nước ta; phấn đấu đóng tàu lên hàng thứ 4 thế giới.

Chiến lược ra khỏi tình trạng các nước nghèo, năm 2008 phấn đấu để năm 2009, chúng ta đạt mục tiêu này sớm hơn 1 năm (dự kiến năm 2010). Tốc độ tăng trưởng điện từ 17 đến 18% gấp đối tăng trưởng GDP vừa đầu tư trong nước vừa hợp tác với các nước bạn để bảo đảm an ninh năng lượng.

Nguồn lực ngân sách năm 2008 sẽ tập trung phát triển giao thông miền núi và tập trung hạ tầng nông nghiệp, đường giao thông xã giải quyết đến năm 2010 phải xong; kiên cố hoá trường học để sát với tiêu chuẩn vào năm 2008-2009.

Từ 2008 đến năm sau tập trung phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, chính sách tài chính, tín dụng cho nông nghiệp nông thôn. Có thành công bước đầu về giảm bớt các thủ tục hành chính, thể chế, phân cấp để từng bước; việc gì liên quan đến doanh nghiệp, đến dân thì làm trước. Chính phủ sẽ phấn đấu quyết liệt, điều chỉnh linh hoạt để giữ mức tăng giá dưới 8%, tăng trưởng lên cao hơn 9%.

Đề nghị phải xem lại chủ trương đào tạo 2 vạn tiến sĩ

Đề cập tới nguồn nhân lực, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) đề nghị phải chấn chỉnh các trường dân lập; không nên thay đổi nội dung sách giáo khoa và cũng không nên duy trì chỉ tiêu phổ cập trung học cơ sở.v.v...chỉ tạo nên thành tích ảo.

Ông dẫn chứng: Tỉnh Nghệ An đã có trên 10 ngàn học sinh bỏ học vì không theo kịp chương trình (lưu ban). Chất lượng giáo dục còn phải giải quyết tình trạng giáo viên chưa đạt chuẩn, giáo viên nhầm lớp, đại biểu Hoàng Hữu Năng (Kon Tum), bổ sung ý kiến. Vậy phải đưa đi đào tạo bồi dưỡng, đạt chuẩn để bảo đảm chất lượng giáo dục, hoặc cho nghỉ chờ hưu đối với trường hợp không đủ khả năng.

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (đại biểu tỉnh Bắc Giang) cho rằng: Giá ngày công lao động ở Việt Nam rẻ từ 5 đến 7 lần so với các nước phát triển, giá trị xuất khẩu hàng nông sản còn rất thấp do khâu chế biến của ta còn yếu kém.

Nguồn nhân lực cho trước mắt và lâu dài chưa đáp ứng yêu cầu của làn sóng đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam. Hiện nay, giảng viên đại học chỉ có 15% tiến sĩ. Từ năm 2008 sẽ đầu tư đào tạo 20.000 tiến sĩ, trong đó có 10.000 đào tạo ở nước ngoài.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lắc) lại đề nghị phải xem lại chủ trương đào tạo 2 vạn tiến sĩ trong mấy năm tới (!).

Cần khắc phục bất cập trong quản lý và điều hành ngân sách

Nên sử dụng Open Office để tiết kiệm ngân sách

Đại biểu Lê Quang Huy đề xuất các cơ quan Nhà nước sử dụng phần mềm Open Office (là phần mềm mã nguồn mở, miễn phí) thay cho việc phải mua bản quyền phần mềm Microsoft Office để vừa tiết kiệm được ngân sách vừa tránh tình trạng quá lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Chiều 30/10, nghị trường Quốc hội tiếp tục sôi nổi với những ý kiến của các đại biểu xung quanh kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2007 và phương án dự toán ngân sách năm 2008; phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008. Đa số các ý kiến phát biểu tại hội trường đều rất đồng tình với báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc trước những tồn tại cố hữu trong quá trình quản lý, điều hành ngân sách.

Nêu rõ một số hạn chế trong quá trình quản lý và điều hành ngân sách, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ thái độ quan ngại trước năng lực dự báo của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với tình hình giá cả thế giới tác động đến thị trường Việt Nam như giá dầu, giá vàng.

Bên cạnh đó, nhiều khoản thu ngân sách không đạt dự toán; tốc độ giải ngân chậm chạp kể cả tại những công trình trọng điểm quốc gia, cũng làm cho cử tri và nhân dân lo ngại.

Cũng đề cập đến những bất cập trong công tác quản lý, phân bổ ngân sách, các đại biểu: Danh Út (Kiên Giang), Cụt Thị Hợi (Nghệ An) và Võ Minh Phương (Lâm Đồng) đề nghị Chính phủ tăng cường phân bổ ngân sách cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi phát triển kinh tế; làm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương, giữa thành thị với nông thôn.

Đại biểu Danh Út đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng phát huy quyền làm chủ của Hội đồng nhân dân trong việc quyết định, phân bổ ngân sách địa phương cho phù hợp với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tại địa phương.

Quan tâm đến những vấn đề về ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đại biểu Lê Quang Huy (Bạc Liêu) đề nghị Chính phủ cần xây dựng lại cơ chế chính sách, tài chính phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy khả năng sáng tạo.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG